Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Cập nhật, 19:56, Thứ Hai, 20/03/2023 (GMT+7)
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất đem lại nhiều hiệu quả, tiết kiệm nhiều chi phí cho nông dân.
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất đem lại nhiều hiệu quả, tiết kiệm nhiều chi phí cho nông dân.

(VLO) Thời gian qua, tỷ lệ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác.

Các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích nông dân đưa máy móc vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực nhằm tiết kiệm sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong những năm qua, Vĩnh Long luôn chủ trương đưa CGH đồng bộ và ứng dụng những gói kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giúp giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Theo đó, nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc CGH, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, giải phóng sức lao động, giải quyết được sự thiếu hụt lao động thời vụ.

Tại một số địa phương, nông dân đã chủ động trong việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, từng bước khép kín các khâu trong sản xuất bằng máy thay thế lao động thủ công.

Nông dân tiếp cận và áp dụng ngày càng nhiều các loại máy móc, thiết bị cơ giới vào khâu gieo sạ lúa như máy cấy, sạ cụm, sạ hàng, sạ khóm…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng máy bay phun thuốc BVTV trên cánh đồng và đã có hiệu quả, ưu thế rõ rệt về độ đồng đều của thuốc được phun trên ruộng.

Chú Nguyễn Thanh Hiền (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Tôi áp dụng sạ lúa theo khóm nhiều năm nay, không chỉ giúp giảm nhân công lao động mà còn giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống chỉ còn 50 kg/ha.

Qua đó, giúp giảm phân bón, thuốc BVTV và các loại vật tư đầu vào nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, lợi nhuận cũng tăng hơn”.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Hiện số lượng máy móc hàng năm đảm bảo CGH trong sản xuất lúa được 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch.

Máy móc cơ giới vào các khâu sản xuất đã tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng. Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Đồng thời, từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận so với làm thủ công trước đây.

Tại Mang Thít, ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Nhiều dịch vụ cơ giới ra đời đã đáp ứng nhu cầu đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp của người dân, giúp giải quyết hiệu quả nhu cầu lao động khi bước vào vụ gieo trồng, thu hoạch, từ đó giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất kinh tế nông nghiệp.

Hiện số máy móc và dụng cụ tại huyện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm chi phí tăng lợi nhuận cho nông dân.

Từng bước thúc đẩy CGH

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, CGH trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế như: trình độ CGH sản xuất nông nghiệp chỉ đạt mức trung bình và phát triển chưa toàn diện.

CGH nông nghiệp vẫn chưa có sự đồng bộ trong các khâu sản xuất và trong các lĩnh vực, đặc biệt là CGH nông nghiệp đồng bộ đạt tỷ lệ rất thấp.

Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Mới đây, để định hướng và từng bước khắc phục những vấn đề ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển CGH nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được CGH.

Đẩy mạnh áp dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức độ CGH các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiến đến CGH đồng bộ và tự động hóa.

Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ…

Cùng với các chỉ tiêu cụ thể, Kế hoạch định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045: Phát triển CGH đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.

Đồng thời, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành…

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: CGH trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp hàng hóa thì việc thực hiện CGH cần có một hệ thống đồng bộ các giải pháp và cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Để thực hiện có hiệu quả, trước hết các địa phương cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, sản xuất hàng hóa lớn.

Cụ thể, tích tụ tập trung đất đai, cải tạo đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

Đồng thời, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG