Vì sao giá gạo Việt Nam tăng từng ngày?

03:02, 08/02/2023

Các quốc gia trên thế giới có nhu cầu lớn dự trữ lương thực trước bất ổn về kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu. Đã có doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá vượt hơn 1.200 USD/tấn.

 

 

Các quốc gia trên thế giới có nhu cầu lớn dự trữ lương thực trước bất ổn về kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu. Đã có doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá vượt hơn 1.200 USD/tấn.

 

Công ty cổ phần Gavi đóng gói gạo Việt Nam để xuất khẩu - Ảnh: Y.T
Công ty cổ phần Gavi đóng gói gạo Việt Nam để xuất khẩu - Ảnh: Y.T

Ngày 7-2, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bày tỏ bất ngờ trước giá lúa gạo Việt Nam nội địa cũng như giá xuất khẩu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng giá lúa tươi hiện nay quá cao.

"Hôm qua 6.700 đồng/kg, hôm nay đã 7.000 đồng/kg nếu mua tươi tại ruộng. Còn lúa tươi mua xuất khẩu đi châu Âu là 7.300 đồng/kg. Bà con nông dân vào vụ thu hoạch nhưng biết các quốc gia đang cần dự trữ lương thực, sẵn đà đó giá lúa tươi có lên.

Bà con phấn khởi, doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn chút xíu thôi vì giá gạo tăng nhưng không cao bằng giá lúa tăng", ông Bình nói.

Ông Bình cho biết ông đã có đơn hàng gạo loại 5% tấm và gạo 25% tấm mức giá lần lượt là 485 USD/tấn và 495 USD/ tấn, tăng 15 USD/tấn so với cuối năm 2022. Nhưng bây giờ giá xuất sang châu Âu bất ngờ lên đến 1.250 USD/tấn.

"Tôi đang xuất đơn hàng sang châu Âu đến 1.250 USD/tấn đối với gạo thơm ST24, ST25. Ngoài ra gạo thơm khác là 925 USD/tấn và 800 USD/tấn.

Trong nhiều nguyên nhân khiến giá lúa gạo tăng, quan trọng nhất là tình hình lương thực - thực phẩm bị đứt gãy ở nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu. Dù Việt Nam cũng biến đổi khí hậu nhưng ngành hàng lúa gạo vẫn lợi thế, phát triển", ông Bình nói.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây cũng ghi nhận giá lúa tăng từng ngày, mỗi ngày 100 - 300 đồng/kg; giá gạo cũng tăng 800 - 1.000 đồng/kg. 

"Thị trường gạo nội địa nóng lên chưa từng có trong 1 - 2 năm trở lại đây, vì Ấn Độ và Pakistan hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc đầu cơ tích trữ lương thực vì hạn hán. Cơ hội của gạo Việt Nam trên thị trường ngày càng cao", doanh nghiệp này cho hay.

Hiện nay nhiều khách hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu… đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận được những đơn hàng lớn. Giá gạo Việt Nam được các doanh nghiệp lúa gạo dự báo sẽ tiếp tục tăng với những mức giá… chưa từng có.

Nhận định chung, ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay gạo Việt đang bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ đông xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn.

Theo THẢO THƯƠNG/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh