Chăm sóc mai vàng sau Tết

Cập nhật, 13:53, Thứ Ba, 07/02/2023 (GMT+7)
Cần tập trung chăm sóc, dưỡng mai sau Tết để phục hồi mai.
Cần tập trung chăm sóc, dưỡng mai sau Tết để phục hồi mai.

(VLO) Sau Tết Nguyên đán, các nhà vườn trồng mai đang tất bật với công việc chăm sóc để phục hồi cho cây mai.

Nhiều nhà vườn cho hay, sau Tết chính là thời điểm cây mai trở nên suy yếu nhất, do đất không còn tơi xốp và dinh dưỡng trong đất cũng không còn dồi dào.

Do đó, nhà vườn phải đặc biệt chăm sóc, bù đắp chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng bình thường trở lại, lấy lại sức cho mùa hoa mai Tết năm sau.

Ông Lê Văn Tý - Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho hay: Đợt mai Tết năm nay nhờ chăm sóc tốt nên mai nở đúng dịp, bông nhiều.

Do đó, để năm sau mai nở đúng Tết, nhiều hộ trồng mai trong HTX tập trung chăm sóc, dưỡng mai. Và để cây mai hồi phục sau Tết cần phải có phân, thuốc, nước đầy đủ.

Theo ông Tý, sau khi ra hoa, cây thường mất sức do các chất dinh dưỡng phải tập trung nuôi hoa. Vì vậy, ngay sau Tết, cần lặt bỏ ngay những nụ, hoa còn lại và trái càng sớm càng tốt để cây không phải tốn kém chất dinh dưỡng nuôi những bộ phận này.

Đồng thời, dùng kéo cắt cành, cắt bỏ bớt một phần của ngọn nhánh. Việc làm này không những giảm bớt một số bộ phận để cây mai đỡ phải nuôi sau khi đã mất sức cho việc nuôi hoa, mà còn giúp tạo lại tán theo ý muốn.

Mai vàng chưng trong những ngày Tết thông thường có 3 loại chính là mai vô chậu chưng trong nhà, mai vô chậu chưng ngoài sân và mai trồng dưới đất. Theo đó, mỗi loại mai sẽ có một phương pháp chăm sóc riêng.

Với cây mai chậu chưng trong nhà, thiếu điều kiện sống nên cây bị kiệt sức rất nhiều, đòi hỏi phải bồi dưỡng, chăm sóc kỹ.

Cần đem mai ra ngoài càng sớm càng tốt và đặt nơi có bóng râm để lá không bị cháy khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Lặt bỏ tất cả các hoa dù nở hay chưa nở để cây không mất dinh dưỡng nuôi đài hoa tạo hạt.

Đối với cây mai chưng ngoài sân hoặc cây mai trồng đất thường không bị mất sức nhiều nên không cần hồi sức cho mai như mai chưng trong nhà, nhưng sau khi chưng Tết xong cũng phải lặt bỏ các hoa dù đã nở hay chưa nở.

Từ khoảng tháng 2 - 3, khi lá mai đã dày và già, thì cần thay đất, bã dừa trong chậu. Sau đó có thể bứng cây thay chậu, thay đất, nếu bứng khi lá mai còn non, còn lá lụa thì mai dễ đứt rễ, chết liền.

Nếu đất dẽ phải thay để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Khoảng mùng 5/5 âl thì có thể lặt lá để mai thay lá. Khoảng tháng 7 - 8, mưa nhiều thì hạn chế tưới nước để mai không làm nụ, tập trung cho vụ Tết.

Cây mai thường bị một số loại sâu bệnh như: bù lạch hại lá non mới ra làm quăn, cháy lá; nhện đỏ gây hại từ khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi làm lá mất dinh dưỡng, chuyển dần sang màu nâu, ảnh hưởng rất lớn đến quang hợp của cây.

Sau Tết, cần lặt bỏ ngay những nụ, hoa còn lại và trái càng sớm càng tốt.
Sau Tết, cần lặt bỏ ngay những nụ, hoa còn lại và trái càng sớm càng tốt.

Sâu ăn lá thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn lá non, lá bánh tẻ, cắn khuyết lá làm mất diện tích quang hợp khiến cây còi cọc; bệnh nấm hồng gây chết cành; bệnh đốm đồng tiền… Vì vậy, phải kiểm tra cây mai thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp diệt trừ kịp thời.

Để tạo gốc mai có dáng đẹp, nhiều bông, nở đúng vào dịp Tết năm sau thì không phải người chơi hoa mai nào cũng biết. Do đó, ở làng mai vàng Phước Định cũng có dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng cây mai sau Tết đã đáp ứng được nhu cầu này của người dân.

Ông Tiêu Hùng Minh - HTX Mai vàng Phước Định (huyện Long Hồ) cho biết: Nhiều năm nay, sau Tết, những người chưng mai sẽ gửi mai về nhà vườn có kinh nghiệm để chăm sóc, dưỡng mai, cận Tết, sau khi mai được lặt lá thì sẽ nhận lại mai. Chi phí chăm sóc cũng tùy theo giá trị của từng cây.

Tuy nhiên, năm nay chi phí nhân công, phân, thuốc tăng hơn năm trước 4 - 5 lần nên số lượng người ký gởi mai chăm sóc giảm hơn so với năm trước.

Nhiều người trồng mai cho hay, mai cũng là loại cây rất nhạy cảm với độ mặn do đó, thời điểm này, trước những thông tin cảnh báo hạn mặn, nhà vườn cũng cẩn trọng, theo dõi, cập nhật thường xuyên độ mặn để không ảnh hưởng đến cây mai.

Ông Tiêu Hùng Minh chia sẻ: “Nghe nước mặn đã xuất hiện, nhà vườn ở đây cũng lo và cũng đã chủ động biện pháp để phòng tránh, ứng phó.

Theo đó, mỗi nhà đều có trang bị máy đo độ mặn và cập nhật thông tin độ mặn của địa phương hàng ngày. Không bơm nước trực tiếp từ dưới sông, rạch lên để tưới cây mà phải đo độ mặn trước để đảm bảo an toàn cho cây”.

Nhiều người trồng mai cho rằng, việc chăm sóc mai sau Tết cần hết sức tỉ mỉ, công phu và phải yêu hoa mới làm được. Bởi muốn hoa mai năm sau nở đúng dịp, ngoài việc áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, đòi hỏi người trồng, người chăm sóc phải có đôi tay và cái tâm với cây mai.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG