Đàm phán xuất khẩu trái cây có múi, bao gồm cam sành; giá cá tra tăng nhưng người nuôi không có lời; giá thép liên tục tăng do khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ đầu ra…là những thông tin thị trường đáng chú ý trên Vinhlong online ngày 20/2.
Đàm phán xuất khẩu trái cây có múi, bao gồm cam sành; giá cá tra tăng nhưng người nuôi không có lời; giá thép liên tục tăng do khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ đầu ra…là những thông tin thị trường đáng chú ý trên Vinhlong online ngày 20/2.
* Đàm phán xuất khẩu trái cây có múi, bao gồm cam sành
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - PTNT) đề nghị các địa phương cung cấp thông tin kỹ thuật sản phẩm trái cây có múi gồm: bưởi, cam, quýt, chanh có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Hạn chót Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận thông tin là trước ngày 1/5. Sau đó cơ quan này sẽ quyết định chính thức về việc chọn loại cây có múi nào, hay cả 4 loại để đàm phán xuất khẩu. Hiện nhiều loại cây có múi, trong đó có cam sành chưa nằm trong danh mục trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, chủ yếu được tiêu thụ nội địa.
* Giá thép liên tục tăng do khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ đầu ra
Từ ngày 6/2, giá thép xây dựng trong nước tăng 300.000 - 400.000đ/tấn so với giá liền kề trước đó. Đây là đợt tăng giá thép cây và cuộn lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 tới nay với mức tăng dao động 850.000 - 1.100.000đ/tấn, tuỳ thương hiệu và chủng loại. Giá bình quân thép xây dựng nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%. Do giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doannh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.
* Siêu thực phẩm Việt xuất sang thị trường Trung Quốc
Các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến thu về khoảng 200 - 300 triệu USD/năm. Sản phẩm này cũng mới được ký nghị định thư xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trung Quốc cũng chi khoảng 2,2 tỷ USD để nhập khẩu 4,31 triệu tấn tinh bột sắn trong năm 2022. Việt Nam là nhà cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho thị trường Trung Quốc, đứng sau Thái Lan.
* Giá cá tra tăng nhưng người nuôi vẫn không có lời
Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng với giá bán từ 42.000 - 48.000đ/kg (loại 30 con/kg) nhưng người nuôi vẫn không có lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ bởi cá tra bị mất mùa. Nguyên nhân là thời tiết lạnh kéo dài, mầm bệnh vẫn tồn đọng trong đất, nguồn nước. Ngoài ra, một số hộ nuôi mua con giống tại các trại không bảo đảm nguồn gốc, chất lượng làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cá tra. Mặt khác, đa phần người nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn.
* Chôm chôm đầu vụ giá cao, nông dân phấn khởi
Nhiều nông dân trồng chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ - tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện giá chôm chôm đang ở mức khá cao so các năm trước. Cụ thể, chôm chôm Java từ 22.000 - 25.000đ/kg, chôm đường 30.000 - 32.000 đ/kg, chôm chôm Thái 45.000 - 50.000đ/kg.
H.M
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin