Blog thị trường

Không để thiếu hàng, gây tăng giá đột biến dịp Tết

Cập nhật, 11:11, Thứ Sáu, 06/01/2023 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp: bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất; điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn; ban hành kịp thời các chính sách về thuế… Từ đó, giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả công tác điều hành giá đã đạt được trong năm 2022. Trên cơ sở các dự báo tình hình quốc tế, trong nước sẽ có nhiều tác động đến công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành giá.

Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19 ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22 ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Qua đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Bên cạnh, chủ động dự báo và có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cần linh hoạt các biện pháp điều tiết giá theo quy định để kiểm soát, bình ổn thị trường. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

NAM ANH