Vĩnh Long - chủ động hợp tác cùng phát triển

Cập nhật, 05:50, Thứ Tư, 16/11/2022 (GMT+7)
Màu xanh thành phố. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Màu xanh thành phố. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Hôm nay (16/11), UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Chủ động hợp tác phát triển bền vững”, hội nghị nhằm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, thỏa thuận hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020 - 2025.

Thảo luận các giải pháp để phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác trên lĩnh vực mời gọi đầu tư du lịch và thương mại, kết nối cung cầu…

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã góp phần thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã góp phần thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khảo sát đầu tư trên lĩnh vực thương mại, du lịch. Với nhiều lợi thế, Vĩnh Long đã và đang trở thành trung tâm kết nối thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam Bộ.

Việc kết nối đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Vĩnh Long nói riêng, của ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh nói chung.

Theo Sở KH - ĐT, tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Song song đó là bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa lúa nước Nam Bộ. 

Trước hết, tỉnh đang tập trung xây dựng và phát triển du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa. Hiện, tỉnh đã có danh mục mời gọi 18 dự án đầu tư ưu tiên.

Trong đó lĩnh vực du lịch có 6 dự án với tổng diện tích 5.451ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 9.430 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 12 dự án với tổng diện tích 210ha, ước tổng vốn đầu tư khoảng 5.465 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, theo Sở KH - ĐT, tỉnh Vĩnh Long sẽ hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư; hỗ trợ 20% trên tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn hiện hành...

Tỉnh cũng hỗ trợ 2 %/năm lãi suất vay vốn để đầu tư tài sản cố định từ các ngân hàng thương mại trong nước hoặc từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh trong 3 năm, kể từ khi dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, Vĩnh Long ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, Vĩnh Long ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, những năm qua, yếu tố quan trọng giúp cho Vĩnh Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn chính là môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch mà địa phương đã nỗ lực tạo dựng.

Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo “cú huých” về thu hút đầu tư của Vĩnh Long.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo “cú huých” về thu hút đầu tư của Vĩnh Long.

Vĩnh Long có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, trung tâm vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông thủy lẫn bộ.

Ngoài cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào hoạt động, rút ngắn thời gian đi lại từ Vĩnh Long đến TP Hồ Chí Minh; cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Ngoài ra, Bộ GT - VT cũng đang chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, việc phối hợp tổ chức các hoạt động khảo sát về đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long là một hoạt động rất có ý nghĩa: “Các yếu tố về hạ tầng như giao thông ngày càng thuận lợi đã làm cho Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng, thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Chính vì vậy, việc kết nối đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch giữa hai địa phương tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Vĩnh Long, ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới”.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ giúp Vĩnh Long thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ giúp Vĩnh Long thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành nghề kinh tế quan trọng vào năm 2025, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Nghị quyết cũng xác định hai trong ba khâu đột phá của tỉnh đều có liên quan đến phát triển du lịch, cụ thể là “Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch”.

Làng nghề với nhiều giá trị về di sản, văn hóa cũng là một lợi thế của Vĩnh Long.
Làng nghề với nhiều giá trị về di sản, văn hóa cũng là một lợi thế của Vĩnh Long.

“Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng rộng mở, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, thúc đẩy du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển du lịch của cả nước trong bối cảnh mới”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Theo UBND tỉnh, với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt: “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công. Hàng năm, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức ít nhất 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, những bức xúc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết kịp thời. Đối với những trường hợp liên quan đến chính sách của Trung ương, tỉnh ghi nhận và kiến nghị đến các cấp cao hơn và có cam kết về thời hạn phản hồi với doanh nghiệp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY