Diễn đàn khởi nghiệp

Tài nguyên cần được đánh thức

Cập nhật, 16:31, Thứ Năm, 24/11/2022 (GMT+7)

Nhiều người cảm thấy thú vị khi nghe nói đến “vương quốc gạch gốm” Vĩnh Long, và càng choáng ngợp hơn khi “diện kiến” hàng trăm lò gạch trải dài cả một khu vực, tạo nên một không gian vừa rất thực vừa như ở xứ sở cổ tích xa xôi nào đó…

Thời kỳ hưng thịnh, hoạt động nhộn nhịp nhất của làng gạch gốm Vĩnh Long đã qua, trong xu thế phát triển mới, rất nhiều hộ đã nhanh chóng chuyển lò gạch gốm truyền thống sang quy trình mới, ít tốn kém thời gian, nguyên liệu đốt hơn. Và cũng có rất nhiều hộ làm gạch gốm truyền thống đã phá bỏ lò để chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn. Đó cũng là vòng xoay tất yếu của thị trường và đời sống kinh tế cần những cách làm phù hợp, đảm bảo thu nhập, việc làm của người dân.

Và vòng xoay đó diễn ra nhanh đến nỗi khiến nhiều người lo ngại hàng trăm lò gạch biến mất trong nay mai. Đó không chỉ là nguy cơ xóa sổ “vương quốc gạch gốm” đã tồn tại trăm năm bên dòng Cổ Chiên gắn với đời sống của một làng nghề độc đáo; mà còn đi liền với các giá trị văn hóa miệt sông nước có một không hai, khó nơi nào có được. Đây là một nguồn tài nguyên có thể nói là vô giá.

Vậy nên, Đề án Di sản đương đại Mang Thít được phê duyệt vào 12/2021 đã mở ra cơ hội phát triển mới cho làng nghề, cũng như chủ trương, chính sách phù hợp nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên này vừa đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Để “giải bài toán” này, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có các giải pháp đồng bộ để làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý và hoạt động chung; lập quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư công nền tảng. Đặc biệt là xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư chiến lược để khai thác, phát triển quần thể di sản theo đúng định hướng của đề án.

Đó cũng là tinh thần mà Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh: Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, từ đơn sắc sang đa sắc, từ cách tiếp cận “sinh kế sản xuất” sang nghệ thuật và giải trí, tạo giá trị gia tăng cho các giá trị cũ và thay đổi về thái độ, tinh thần của chính người dân địa phương từ vị thế “làm công” sang “làm chủ” trên chính mảnh đất, chính “gia tài” cha ông để lại.

Qua góc nhìn khởi nghiệp, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc thay đổi từ tư duy phá bỏ để phát triển sang bảo tồn, phục hồi và chuyển đổi để phát triển; thì những startup, bạn trẻ khởi nghiệp cũng cần xem đây là cơ hội để đầu tư cho những ý tưởng, đề án khởi nghiệp của mình nhằm đánh thức và khai thác nguồn tài nguyên bản địa giàu tiềm năng này.

LÝ AN