Mong giá cả cuối năm bình ổn

Cập nhật, 05:57, Thứ Tư, 19/10/2022 (GMT+7)
Người tiêu dùng mong giá cả bình ổn để giảm gánh nặng chi tiêu.
Người tiêu dùng mong giá cả bình ổn để giảm gánh nặng chi tiêu.

(VLO) Trong bối cảnh giá cả hàng hóa lâu lâu lại nhích lên hoặc neo ở mức cao, nhiều người tiêu dùng tính toán thắt chặt chi tiêu. Không ít người lo lắng tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm có tiếp tục tăng?

Hụt hơi theo giá

Đi chợ mua cá điêu hồng, chị Phương Mai (Phường 8 - TP Vĩnh Long) bất ngờ khi chị bán cá cho hay khoảng 10 ngày nay, cá điêu hồng tăng thêm 5.000 đ/kg, hiện ở mức 55.000 đ/kg. “Mà đây là giá bán ở chợ chớ tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì tới khoảng 90.000 đ/kg”- chị Mai nói.

Chị Mai cho biết thêm, mấy ngày trước đi chợ, chị bán rau cũng đã cho hay “nhiều loại rau xanh tăng giá vài ngàn đồng/ký do mưa bão, nguồn cung ít”. Lo lắng vì “thu nhập không tăng mà giá cả hàng hóa cứ nhích lên hoài”, chị Mai cho biết “phải tính toán thắt chặt chi tiêu hơn nữa”.

Chị Thanh Vân ở Tân Hạnh (Long Hồ) nhẩm tính: Chi phí ăn uống (gạo, thịt cá, rau củ, trái cây, sữa) cho gia đình 4 người khoảng 150.000 đ/ngày, mỗi tháng khoảng 4.500.000đ.

Chưa kể tiền học phí, đám tiệc, thuốc men, xăng… Do đó, chi phí hàng ngày đã hết lương công nhân của hai vợ chồng. Chị băn khoăn khi “cuối năm có nhiều khoản chi, không biết giá cả hàng hóa thiết yếu có tiếp tục tăng?”.

Anh Trần Văn Luật ở xã Phú Đức (Long Hồ) cho biết, nhà có 5 người, trong đó có một trẻ 9 tháng tuổi. “Chi phí sinh hoạt hàng tháng khá nhiều nên lương của hai vợ chồng có khi không đủ”.

Anh Luật bày tỏ lo ngại khi gần đây giá xăng biến động thất thường. “Trong khi giá cả hàng hóa thường tăng theo giá xăng tăng và neo lại khi giá xăng giảm nên rất đáng lo ngại”- anh Luật nói.

Cần bình ổn giá

Về tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm, theo bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có những dự báo biến động phức tạp khó lường.

Trong đó, giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp và các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước… sẽ có những biến đổi giá phức tạp.

Bên cạnh, việc thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng Nhà nước quản lý theo Nghị định 60 của Chính phủ, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giao thông vận tải, giáo dục dạy nghề. Cùng với đó, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.

Bà Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành tập trung đôn đốc, đánh giá, nắm bắt tình hình giá cả thị trường và chuẩn bị các phương án, các kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn thì căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá. 

Còn để ngăn chặn từ xa tình trạng neo giá theo giá xăng và không chịu giảm khi giá xăng xuống, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, nên có thêm các giải pháp tổng hợp khác như giải quyết vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, và nhất là giảm các khâu trung gian.

Bên cạnh, phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, các hội, hiệp hội… tuyên truyền cho những người buôn bán nhận thức, tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, các bộ ngành, người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều bấp bênh, lạm phát cao, phải thực hành tiết kiệm - cũng là phòng chống lạm phát tốt.

Ông cũng cho rằng, không nên lo lắng thái quá, sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì, vì như thế thì kinh tế lại đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn cung và giá lại tăng. Do đó, luôn luôn phải đảm bảo đủ nguồn cung, nhất là vào những thời kỳ trọng điểm.

Ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT - VT ) đồng tình về việc cần bảo đảm nguồn cung, cốt lõi là làm sao đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.

Thứ hai, yếu tố quan trọng là không chỉ cơ quan hành chính mà các doanh nghiệp cần phải vào cuộc, bảo vệ người tiêu dùng.

Trong 3 tháng cuối năm, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Kịp thời nắm thông tin về hoạt động mua bán xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp,...

Bài, ảnh: SÔNG HẬU