Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật, 08:11, Thứ Ba, 11/10/2022 (GMT+7)

 

Trung tâm Giám sát điều hành dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.
Trung tâm Giám sát điều hành dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long xác định chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình cần thúc đẩy nhanh, tỉnh quyết tâm thực hiện để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định CĐS là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chương trình, chiến lược quốc gia về CĐS.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho CĐS. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chiến lược quốc gia về CĐS tại địa phương, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn
2022 - 2025.

Báo cáo về triển khai, thực hiện CĐS của tỉnh cho thấy, thời gia qua UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hành động về CĐS; kiện toàn BCĐ, ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động của BCĐ CĐS tỉnh nhằm đẩy mạnh hơn nữa lộ trình CĐS trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS.

Đặc biệt, bà Đoàn Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Thông tin - TT cho biết, hiện một số ứng dụng dùng chung đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước cũng như phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các nền tảng, phần mềm ứng dụng như quản lý văn bản, hồ sơ công việc, cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin một cửa điện tử, thư điện tử, thông tin báo cáo, họp không giấy, thí điểm đô thị thông minh,… hoạt động hiệu quả đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới CĐS.

Song song đó, tỉnh đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Số sản phẩm đưa lên sàn của 2 sàn là: 524 sản phẩm (trong đó, số sản phẩm đưa lên sàn của Voso.vn: 433 sản phẩm, có 13.728 hộ sản xuất tại 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia sàn với sản lượng 10.040 đơn hàng, doanh thu đạt gần 460 triệu đồng). Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã sử dụng hóa đơn điện tử, có trên 200 tiểu thương tại chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money),…

Bên cạnh, tỉnh đã ký kết hợp tác chiến lược về CĐS giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nhằm cùng nhau xây dựng chiến lược CĐS, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá: Công tác CĐS trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về CĐS được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân nắm bắt và tham gia. Trong xây dựng chính quyền số, các ngành đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, điều hành. Những kết quả trên đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để việc thực hiện CĐS của tỉnh đạt kết quả cao, tỉnh Vĩnh Long xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác CĐS trong hoạt động cơ quan nhà nước, nhất là triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS; hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; tập trung triệt để việc sử dụng hiệu quả chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4,…; tập trung ứng dụng CĐS trong lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, giao thông vận tải; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2022, đặc biệt là thương mại điện tử vùng nông thôn;...

Tỉnh cũng vừa đề xuất với Bộ Thông tin - TT tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai hiệu quả các kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và nâng cao chỉ số CĐS của tỉnh trong thời gian tới.

Xếp hạng chỉ số chuyển đổi số tăng 20 bậc

Báo cáo DTI 2021 của Bộ Thông tin - TT cho thấy, năm 2021 xếp hạng chỉ số CĐS của tỉnh tăng 20 bậc so với năm 2020 (năm 2021: hạng 32/63; năm 2020: hạng 52/63). Trong đó giá trị trung bình DTI cấp tỉnh là 0,4014 (tăng 32,7% so với năm 2020), một số tiêu chí xếp hạng khá cao như: tiêu chí an toàn thông tin mạng xếp hạng 8/63; tiêu chí nhân lực số xếp hạng 20/63. Đối với xếp hạng cải cách hành chính cấp tỉnh, thì tiêu chí hiện đại hóa nền hành chính tăng 30 bậc so với năm 2020 (năm 2021: hạng 29/63; năm 2020: hạng 59/63).

Bài, ảnh: TẤN ANH