9 cửa sông nơi lở, nơi bồi

05:10, 05/10/2022

Dòng Mekong chảy vào nước ta qua 2 con sông chính: sông Tiền và sông Hậu, rồi đổ ra biển bằng 9 cửa sông. Bài học vỡ lòng của học sinh miền Tây và ai cũng biết, nhưng chắc không nhiều người biết, cái cách của mỗi dòng sông chảy ra biển thế nào.

(VLO) Dòng Mekong chảy vào nước ta qua 2 con sông chính: sông Tiền và sông Hậu, rồi đổ ra biển bằng 9 cửa sông. Bài học vỡ lòng của học sinh miền Tây và ai cũng biết, nhưng chắc không nhiều người biết, cái cách của mỗi dòng sông chảy ra biển thế nào.

Bởi mỗi nơi mỗi khác, ngay trên mỗi cửa sông cũng đã bên lở, bên bồi. Có biết, có hiểu tường tận mới thấy yêu, thấy quý mà biết giữ gìn, bảo vệ mỗi dòng nước, con sông.

Dòng sông Tiền được “chia phần” nhiều hơn với lưu vực rộng lớn và có đến 6 cửa sông, nên luồng nước đổ ra biển cũng suy yếu nhiều hơn bên sông Hậu.

Trong khi đó, sông Hậu chỉ có 3 cửa sông phân bổ trên địa phận hẹp, mà thực tế mấy chục năm nay do bồi lắng nên chỉ còn có 2 cửa đổ ra biển.

Đó là lý do, biển các nơi khác lo lắng nạn sạt lở, thì các cửa sông phía Hậu giang mỗi năm phải chi một số tiền rất lớn để… nạo vét. Nếu không có những công trình siêu thủy điện ở thượng nguồn, chắc hẳn sự bồi lắng ở các cửa sông Hậu còn gấp nhiều lần nữa.

Chúng ta thấy đó, sự bồi lở bao giờ nó cũng có quy luật của các dòng chảy, có lý do để xảy ra những chuyện bất thường.

Do đó, vấn đề ứng phó thiên nhiên cũng phải thật sự hiểu biết, thật sự khoa học và lắng nghe ý kiến của nhiều phía, đặc biệt những kinh nghiệm từ dân gian trải nghiệm qua nhiều thế hệ, chứng kiến nhiều hiện tượng bất thường rồi.

Vấn đề là mỗi giai đoạn, các hiện tượng thiên nhiên có sự gay gắt hay lắng dịu xuống mà thôi. Biển tiến, biển lùi, sạt lở, ngập lụt… đồng bằng này cũng đã xảy ra nhiều rồi.

Người xưa cũng đã từng biết lựa chọn định cư ở những gò nổng, giồng đất cát, vừa cao ráo tiện trồng rẫy, vừa ít ngập lụt và sụt lún.

Đây cũng là những vùng đất khi cần thiết có thể khai thác nguồn nước ngầm không bị nhiễm phèn. Đó là trật tự của thiên nhiên và con người phải hiểu để mà nương theo đó sống hài hòa, bình an.

Đến khi dân cư đông dần lên, văn hóa sông nước phát triển, con người đồng bằng bắt đầu “cất nhà chọn chỗ đất bồi ven sông”, nhưng họ vẫn có nguyên tắc riêng, là ít khi xây dựng nhà cửa kiên cố ở các đầu cồn.

Mà đa phần họ chọn từ giữa rồi tập trung đông đúc cuối đuôi cồn, nơi các cù lao có xu hướng bồi đắp dài ra và nở rộng thêm. Đó là thế đất, là tập quán của người dân đồng bằng từ xưa.

Văn hóa sông nước, câu nói cửa miệng nghe nhiều vậy chớ để hiểu cho tận tường, phải đâu là những câu chuyện giản đơn!

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh