Chuyển đổi số- Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Cập nhật, 08:31, Thứ Năm, 15/09/2022 (GMT+7)

 

Thực hiện chuyển đổi số giúp anh Nguyễn Hoàng Khang (bìa phải) đạt hiệu quả hơn trong kinh doanh.
Thực hiện chuyển đổi số giúp anh Nguyễn Hoàng Khang (bìa phải) đạt hiệu quả hơn trong kinh doanh.

Theo nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, hiện nay chuyển đổi số (CĐS) là xu thế phát triển tất yếu. Bên cạnh mở ra nhiều cơ hội, CĐS cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi linh hoạt, bắt nhịp với thị trường.

Xu hướng phát triển tất yếu

Theo các chuyên gia kinh tế, CĐS không chỉ là đầu tư mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin mà quan trọng là phải đổi mới tư duy, hình thức kinh doanh, quản trị phù hợp ở từng doanh nghiệp. CĐS phải đến từ chính nhu cầu của doanh nghiệp cần cạnh tranh và cần tồn tại trong thời đại số. CĐS đối với doanh nghiệp phải là chuyện “sống còn” chứ không phải là cơn sốt, chạy theo phong trào.

Theo ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc CĐS và nâng cao giá trị doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, việc hỗ trợ các doanh nghiệp những kiến thức, kỹ năng về CĐS và nâng cao giá trị, tái ươm tạo doanh nghiệp là rất cần thiết.

Theo đó, những lợi ích dễ nhận biết nhất của CĐS đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Thực hiện CĐS ở khâu marketing, sale, khâu quản lý hóa đơn điện tử, anh Nguyễn Hoàng Khang- người sáng lập Foodo- chuyên về sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới (Vũng Liêm), cho hay: “Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, điều quan trọng là tăng nhận diện sản phẩm và thương hiệu trong thời gian ban đầu với chi phí thấp nhất. Để làm được điều này chúng tôi tận dụng công nghệ và CĐS, cụ thể: tăng nhận diện thương hiệu và sản phẩm thông qua các kênh truyền thông của các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok. Đây là những kênh truyền thông miễn phí hoặc ít tốn phí giúp tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng không kể khu vực theo thời gian thực, nhận được phản hồi khách hàng ngay tức thì và đồng thời có được những data được thu thập trên các trang này để phục vụ việc phân tích hành vi khách hàng”.

Bên cạnh đó, theo anh Khang, những kênh truyền thông này hoặc các sàn thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng được kênh phân phối dễ dàng hơn, chiết khấu thấp hơn so với xây dựng qua kênh đại lý, kênh truyền thống và kênh hiện đại. Từ đó, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn vốn nhanh hơn. Đồng thời xây dựng được thương hiệu nhanh hơn khi tỷ lệ người dùng online tại Việt Nam hiện đang rất cao.

Cơ hội song hành thách thức

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, CĐS của doanh nghiệp hiện nay chưa nhiều. Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình CĐS, như: thiếu tầm nhìn tư duy về CĐS, những thách thức trong văn hóa công ty, sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động. Việc CĐS vẫn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không thực sự nỗ lực CĐS. Thêm vào đó, quá trình CĐS ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng kéo theo các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin bởi các doanh nghiệp này là một trong những đối tượng thường bị hacker nhắm đến. Do năng lực công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin chưa được đầu tư mạnh.

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ coi CĐS là cấp thiết và sẵn sàng cho hướng đi mới phù hợp với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang bước đầu đầu tư vào đám mây, an ninh mạng và nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình CĐS, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít những trở ngại trong việc tiếp cận thông tin, chi phí đầu tư hay hạn chế về nhân lực có kiến thức công nghệ. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS và thường ưu tiên cho các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp sản phẩm nông sản tại TP Vĩnh Long, cho hay: Muốn CĐS thì việc đầu tư tài chính để mở rộng kênh bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc… là những thách thức lớn.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Theo nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức CĐS, doanh nghiệp cần phải tự vận hành và tự đánh giá về nhu cầu CĐS của doanh nghiệp trước khi áp dụng vào thực tế, đồng thời, tham gia đào tạo về CĐS; học hỏi từ các doanh nghiệp đã CĐS thành công.

Theo anh Khang, để khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập cạnh tranh, cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, cần xác định rõ mục đích và mục tiêu của CĐS phù hợp với nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, thực hiện CĐS phải gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp trong ngắn hạn và
dài hạn.

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh cũng đã và đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung- cầu theo từng ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong việc thực hiện CĐS nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 20% doanh nghiệp SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 15% doanh nghiệp SMEs được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS doanh nghiệp; 15% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% doanh nghiệp SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030: trên địa bàn tỉnh có 40% doanh nghiệp SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 30% doanh nghiệp SMEs được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 30% doanh nghiệp SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Bài, ảnh: TRÀ MY