Canh tác lúa thông minh- thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật, 13:21, Thứ Ba, 06/09/2022 (GMT+7)
Canh tác lúa thông minh giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận.
Canh tác lúa thông minh giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận.

(VLO) Theo ngành nông nghiệp, một trong những điểm nhấn của quy trình canh tác lúa thông minh là nông dân sẽ chủ động sản xuất, ban cố vấn, cán bộ kỹ thuật sẽ hỗ trợ, phân tích và cung cấp các giải pháp tối ưu nhất.

Quan trọng hơn, nông dân học được rất nhiều kiến thức canh tác mới từ các nhà khoa học, các biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ xuống thấp hơn 100 kg/ha, bón phân cân đối và giảm thuốc bảo vệ thực vật... giúp tăng lợi nhuận.

Nhiều giải pháp canh tác áp dụng có hiệu quả

Ông Trần Văn Khởi- Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Hiện nay tình hình BĐKH diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp là rất lớn.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như khô hạn, nắng nóng, lũ lụt, nhiệt độ giảm thấp… xảy ra bất thường và không theo quy luật đã gây ra nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

Tại ĐBSCL, nông nghiệp bị ảnh hưởng rất nặng nề. Khô hạn và xâm nhập mặn ở 10/13 tỉnh- thành làm hàng ngàn héc ta lúa bị thiệt hại, nhiều diện tích hoa màu và cây ăn trái bị mất trắng; thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã sáng kiến và xây dựng chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH”.

Chương trình đã nhận được sự đồng tình và phối hợp từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh- thành ĐBSCL, cũng như các nhà khoa học đầu ngành.

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình là cung cấp cho nông dân các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện BĐKH, đảm bảo năng suất và thu nhập ổn định.

Ông Ngô Văn Đông- Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho hay: Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH rất hiệu quả, đã được đánh giá rất cao từ bà con nông dân, ban ngành địa phương, Trung ương và các nhà khoa học.

Chương trình đã góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân trong mô hình, đồng thời cũng là giải pháp để ổn định và phát triển canh tác lúa trong vùng.

Tại Vĩnh Long, ông Trần Văn Út (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm)- tham gia mô hình canh tác lúa thông minh, cho biết: “Nông dân được tập huấn, hướng dẫn nhiều giải pháp kỹ thuật để sử dụng các loại vật tư đầu vào tiết kiệm và chủ động giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh và đổ ngã do thời tiết bất lợi.

Đồng thời, bỏ được tập quán gieo sạ dày, chỉ xuống giống còn 80- 100kg giống/ha trở lại, không chỉ tiết kiệm giống mà còn giúp cây lúa đủ không gian để phát triển, ít sâu bệnh, từ đó giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đạt năng suất cao”.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Từ chương trình nông dân đã học được rất nhiều kiến thức canh tác mới từ các nhà khoa học, mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ xuống thấp hơn 100 kg/ha, bón phân cân đối và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất theo “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, qua đó góp phần giảm chi phí, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển bền vững, tăng sức chống chịu trước BĐKH, đặc biệt là khô hạn, mặn, phèn.

Theo đó, năng suất, lợi nhuận cũng được tăng hơn so với những hộ sản xuất ngoài chương trình. Bên cạnh đó, những nông dân thực hiện mô hình đã trở thành “chuyên gia” tại địa phương, là hạt nhân để truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất thích ứng với BĐKH đến cộng đồng.

Tiếp tục nhân rộng chương trình

Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ- Trưởng Ban Cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH, từ khi được triển khai, chương trình đã tạo ra một số thay đổi thuận lợi trong thực hành, niềm tin và thái độ của nông dân khi họ chứng kiến sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp được phục hồi cũng như tình trạng nguồn nước, đất đai được cải thiện so với phương pháp canh tác sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu trước đây.

“Một ưu điểm đã được chứng minh qua thực tiễn áp dụng mô hình là các loài thiên địch và dịch hại chính với cây lúa là quần thể rầy nâu ở cả 3 giai đoạn: Đẻ nhánh, làm đòng và trổ trong mô hình ruộng trình diễn luôn an toàn hơn ruộng đối chứng.

Trong khi ở ruộng đối chứng, số lượng rầy nâu luôn cao hơn các loài thiên địch. Tình trạng này cho thấy trong điều kiện bình thường không cần phun thuốc trừ sâu thì các loài thiên địch rất phong phú và đa dạng. Khi hệ sinh thái đã có sự cân bằng thì các loài dịch hại sẽ không có cơ hội bộc phát”- GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ lý giải.

Trong thời gian tới, ông Ngô Văn Đông cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy nhanh tiến độ đăng ký và báo cáo trình cấp có thẩm quyền công nhận quy trình canh tác lúa thông minh là tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai chương trình canh tác thông minh cho một số đối tượng cây trồng khác như cây ăn trái, cà phê, cao su hoặc một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao khác.

Các mô hình sẽ được Công ty Bình Điền phối hợp với các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật ở Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và quy trình canh tác cụ thể từ đầu vụ đến thu hoạch.

Trong suốt vụ, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật các địa phương tổ chức thăm đồng, giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn cho nông dân kiến thức cần thiết khác, đặc biệt là khâu giảm lượng giống gieo sạ còn 8 kg/công.

Từ 2020- 2022, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH do Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai trên 4 vụ lúa tại 13 tỉnh- thành ĐBSCL. Tiếp nối thành công giai đoạn 1 (2016- 2019), đây là giai đoạn thứ 2 mô hình này tiếp tục triển khai. Sau 2 giai đoạn, chương trình đã thực hiện mô hình trình diễn có tổng diện tích trên 247ha tại 13 tỉnh- thành ĐBSCL. Tổng kết mô hình, nhiều giải pháp canh tác đã được áp dụng có hiệu quả: Giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 80 kg/ha, giảm lượng phân bón, quản lý nước tưới hiệu quả, quản lý sâu bệnh hại, giảm đổ ngã, thu hoạch đúng độ chín, góp phần nâng cao năng suất so với ruộng đối chứng từ 200- 870 kg/ha, lợi nhuận bình quân tăng từ 3,5- 5,9 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG