'Bản nhạc' giá cả cần sự chia sẻ và đồng điệu

06:07, 31/07/2022

Điều hành giá nói chung, nhất là xăng dầu, không hề dễ dàng bởi giá cả chịu sự chi phối bởi "bàn tay vô hình" của thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu và sự biến động của tình hình thế giới.

Điều hành giá nói chung, nhất là xăng dầu, không hề dễ dàng bởi giá cả chịu sự chi phối bởi “bàn tay vô hình” của thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu và sự biến động của tình hình thế giới.

Để giá cả không
Để giá cả không "tăng nhanh, giảm chậm" rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng.

Thời gian qua, giá dầu thô thế giới liên tiếp lập đỉnh (hồi tháng 3, giá sát ngưỡng 120 USD/thùng, có thời điểm giá dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng và WTI đạt 130,50 USD/thùng).

Giá xăng dầu trong nước cũng bám đuổi theo, có lúc vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, khiến nhiều người lo lắng bởi đây là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước “bàn tay vô hình” của thị trường thì “bàn tay hữu hình” của Nhà nước đã sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu - một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh cần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát…

Tuy nhiên, khi con ngựa “xăng dầu” bất kham, tăng giá quá mạnh thì Quỹ bình ổn hầu như đã quá sức để "kìm cương". Chính phủ đã nỗ lực đưa thêm công cụ hỗ trợ cho “bàn tay hữu hình” – sử dụng thuế, phí để góp sức hạ nhiệt giá xăng dầu.

Lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức hàng loạt cuộc họp với các tổng tư lệnh ngành để chỉ  đạo các giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu, giảm tác động của tăng giá tới đời sống người dân.

Trước phản ánh của dư luận xã hội mà Cổng TTĐT Chính phủ báo cáo về kiến nghị hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian ngắn, lãnh đạo Chính phủ liên tiếp có các chỉ đạo nhắc các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh...

Nhờ vào đà giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, cùng với việc quyết liệt giảm thuế/phí và quyết tâm của Chính phủ, các ngành chức năng, giá các mặt hàng xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm trong gần 1 tháng qua, có những kỳ chúng ta đã giảm sâu, giảm”sốc” để chia sẻ khó khăn với người dân.

Trong kỳ điều hành chiều 21/7, giá các mặt hàng xăng nhiên liệu trên thị trường giảm mạnh về mức 25.000-26.000 đồng/lít. Đây là lần thứ ba liên tiếp các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm giá với mức giảm khá mạnh. Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã trải qua 19 kỳ điều hành giá, trong đó có 6 kỳ giảm giá và 13 kỳ tăng giá.

Tuy nhiên, giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng cũng tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm sâu thì các mặt hàng khác lại “án binh bất động” giống như một "bản nhạc" lạc nhịp. Chúng ta chưa thấy hiệu ứng của giá hàng hóa giảm. Mớ rau, lạng thịt… đều tăng “một đi không trở lại”. Dường như một mặt bằng giá mới đã được thiết lập mà như các chuyên gia phân tích: Nó thực sự bất công cho người tiêu dùng bởi cuối cùng, tất cả đều trút vào người có nhu cầu sử dụng.

Giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. Cơ quan Nhà nước khó có thể chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác.

Cũng có ý kiến cho rằng giá cả thị trường lên xuống do biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định. Có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả.

Tuy nhiên, trễ đến mức nào thì chưa ai biết chính xác mà càng chậm thì người tiêu dùng càng thiệt hại, còn ở góc độ vĩ mô là ảnh hưởng đến các cân đối lớn, đến lạm phát, đến sự ổn định của nền kinh tế.

Vì vậy, để không giá cả “tăng nhanh, giảm chậm”, trước hết, rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng.

Đồng thời, cộng đồng cũng cần lên tiếng để các nhãn hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ điều chỉnh giá cả sản phẩm của mình phù hợp theo tinh thần: Lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan (quản lý thị trường, quản lý giá) phải vào cuộc ngay và luôn (nhanh hơn cả đà tăng của giá cả), sử dụng tối đa các công cụ quản lý, kiểm soát để giảm mạnh độ trễ của quá trình giảm giá hay tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, thiết yếu cho sản xuất, đời sống như xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp…

Các cơ quan quản lý cần làm tốt hơn nữa vai trò "nhạc trưởng"… để mang lại sự đồng điệu cho “bản nhạc” giá cả vì sự ổn định của nền kinh tế, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Theo Đức Tuân/Báo điện tử Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh