Blog thị trường

Đắt như vàng

Cập nhật, 12:12, Thứ Sáu, 11/03/2022 (GMT+7)

(VLO) Sau nhiều phiên tăng nóng liên tiếp lập đỉnh, giá vàng trong nước 2 ngày qua đã được điều chỉnh giảm sâu, quay đầu lao dốc không phanh.

Đến sáng 10/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 65,8- 67,62 triệu đồng/lượng, giảm 2.600.000 đ/lượng cả 2 chiều so với chốt phiên hôm qua. Vàng Doji, Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 66- 68 triệu đồng/lượng, chiều mua vào và bán ra đều giảm mạnh so với chốt phiên gần nhất.

Như vậy, với những nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” mua vàng ở mức đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng hôm 8/3, đến sáng 10/3 đã lỗ gần 9 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, đến thời điểm 8 giờ 40 ngày 10/3, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.975 USD/ounce, giảm mạnh tới 64 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. So với mức đỉnh 2.073 USD/ounce thiết lập đêm 8/3, giá vàng đã giảm sốc tới 98 USD/ounce.

Giá kim loại quý đảo chiều lao dốc mạnh sau khi chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô với giá dầu thô Nymex đã giảm xuống quanh mức 111 USD/thùng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng đi xuống.

Giá vàng trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua vàng trong thời điểm giá vàng trên đỉnh cao. Đặc biệt, người dân không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn biến động quá lớn. Nhà đầu tư cũng thận trọng khi đầu tư vào vàng miếng bởi loại vàng này có nguồn cung giới hạn sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.

Quan sát thị trường cho thấy, dù giá vàng trong nước đã giảm khá sâu so với mức đỉnh nhưng giao dịch hầu như chỉ có một chiều chốt lời chứ không ai mua. Bình thường, các tiệm vàng có thể thu hẹp chênh lệch giá mua- bán để kích sức mua. Nhưng hiện tại, mức chênh lệch này luôn chốt cứng ở mức 2 triệu đồng/lượng. Còn ở các công ty vàng lớn, mức chênh là 1,8 triệu đồng/lượng.

LÝ AN