Giá vật liệu xây dựng lại... leo thang

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 11/03/2022 (GMT+7)

 

Giá sắt, thép liên tục tăng.
Giá sắt, thép liên tục tăng.

(VLO) Ngay sau khi giá xăng, dầu tăng mạnh thì giá vật liệu xây dựng cũng “leo thang” theo, khiến nhà thầu, lẫn người dân càng thêm khó, chi phí phát sinh.

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cho hay, hơn 1 tuần nay, giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng đã liên tục tăng giá mạnh so với thời điểm cuối năm trước. Điều này sẽ làm phát sinh thêm chi phí nhiều công trình, dự án đang triển khai.

Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP Vĩnh Long, ngay sau khi giá xăng dầu tăng, thì giá sắt, thép cũng tăng theo. Hiện sắt, thép đã tăng trung bình từ 500- 1.200 đ/kg. Nhiều chủ cửa hàng vật tư xây dựng cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái, giá sắt thép tăng hơn từ 5- 7%.

Bà Nguyễn Thị Đào- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Đào (Phường 8- TP Vĩnh Long), cho biết: Ngay từ sau Tết, giá vật liệu xây dựng đã có dấu hiệu “rục rịch” nhích giá.

Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, giá sắt, thép đã tăng 3- 4 lần và tăng từ 100- 200 đ/kg, có thời điểm tăng 400- 500 đ/kg. Và ngay sau khi giá xăng dầu tăng mạnh thì giá sắt, thép cũng nhảy vọt tăng, có loại tăng 1.000- 1.200 đ/kg.

Người dân mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường vật liệu xây dựng.
Người dân mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường vật liệu xây dựng.

“Hiện giá nguyên liệu nhập khẩu sắt, thép đang rất cao, cộng thêm chi phí vận tải cao, do xăng dầu tăng mạnh. Từ đó, đẩy giá thành sản xuất tăng theo, khiến giá sắt thép liên tục tăng.

Thêm vào đó, các nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc cũng hạn chế sản xuất hơn trước do giảm lượng chất thải môi trường, làm cho nguồn cung cũng hạn chế hơn trước”- bà Đào cho biết thêm.

Không chỉ riêng sắt, thép có giá “leo thang”, các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như: xi măng, cát, đá, gạch ống, gạch men,…cũng đồng loạt tăng giá.

Cụ thể như: xi măng tăng từ 5.000- 7.000 đ/bao, cát xây dựng tăng từ 30.000- 40.000 đ/m3; gạch ống từ 950- 1.000 đ/viên tăng lên 1.250- 1.300 đ/viên; gạch men tăng từ 3.000- 6.000 đ/thùng,…

“Giá biến động hàng ngày”- là chia sẻ của chị Phan Ngọc Nhung- DNTN Phước Hưng (xã Hòa Tịnh- Mang Thít) về thị trường vật liệu xây dựng trong những ngày qua. Theo chị Nhung, từ đầu năm 2022, tất cả các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá.

Giải thích nguyên nhân giá tăng, chị Nhung cũng cho hay là do nguồn cung ít và chi phí vận chuyển tăng nên giá tăng theo. Dù vậy, sức mua cũng không hề giảm.

“Hiện tại, đang trong mùa xây dựng, nhưng giá tăng cao quá, tôi cũng rất ngại báo giá với khách hàng, vì giá biến động mỗi ngày.

Tuy nhiên, do sau Tết, nhu cầu xây dựng tăng cao, thời điểm mùa khô thích hợp để cất nhà, xây dựng công trình nên sức mua không giảm, tuy nhiên lượng hàng không có nhiều”- chị Phan Ngọc Nhung chia sẻ.

Người tiêu dùng thêm áp lực chi tiêu từ giá vật liệu xây dựng tăng.
Người tiêu dùng thêm áp lực chi tiêu từ giá vật liệu xây dựng tăng.

Theo đánh giá của một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng giá, song nguyên chân chủ yếu do giá xăng dầu tăng khiến chi phí chuyên chở vật liệu xây dựng tăng, nhiều chủ cửa hàng cũng tăng giá theo để bù lại. Với đà tăng này, người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo nhiều nhà thầu, người dân, chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65- 70% giá dự toán xây dựng công trình, do đó, việc tăng giá vật liệu xây dựng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng của nhiều dự án, công trình, nhà ở.

Vừa khởi công cất căn nhà hơn 100m2 thì giá vật liệu xây dựng đồng loạt tăng, khiến anh Phan Thanh Tùng (xã Bình Phước- Mang Thít) rất lo lắng. Bởi với mức tăng này, chi phí xây dựng phát sinh thêm so với dự kiến ban đầu là khá nhiều.

“Tôi dự định cất nhà cấp 4 có gác lửng chi phí chừng 700- 800 triệu đồng nhưng bây giờ vật tư lên quá, giờ chắc phải bù thêm 200- 300 triệu đồng nữa so với dự tính ban đầu”- anh Tùng cho hay.

Không chỉ người dân thêm gánh nặng chi phí khi cất nhà mà các nhà thầu cũng đứng ngồi không yên. Một số nhà thầu cho hay, phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đứng trước các hợp đồng trọn gói trong giai đoạn này. Với những hợp đồng trong giai đoạn trước hoặc là tự bỏ tiền túi thêm để bù lỗ hoặc phải đàm phán với chủ đầu tư để chia sẻ rủi ro.

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng đang biến động, người dân mong muốn ngành chức năng sớm có các biện pháp để bình ổn thị trường vật liệu xây dựng nói riêng và các mặt hàng khác như xăng, dầu, gas,… để giúp người dân giảm bớt áp lực chi tiêu.

Bài, ảnh: TRÀ MY