Tư duy mới trên cánh đồng truyền thống

07:02, 04/02/2022

Bức tranh cánh đồng "đa sắc" Bình Tân đang cần những bước đi đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời phải biết lưu giữ những vốn quý được tích lũy qua bao thế hệ nông dân.

 

Những cánh đồng xả lũ ở Bình Tân.
Những cánh đồng xả lũ ở Bình Tân.

Bức tranh cánh đồng “đa sắc” Bình Tân đang cần những bước đi đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời phải biết lưu giữ những vốn quý được tích lũy qua bao thế hệ nông dân.

Đó là cái nền gốc của văn hóa truyền thống làm điểm tựa, là sự kết hợp, giao thoa giữa những thế hệ nông dân “già- trẻ”, sẽ gia cố cho trụ cột nông nghiệp thêm vững vàng và phù hợp với những quy luật mới của thị trường.

Nông dân- cánh đồng và tri thức mới

Người con bảo: “Tía bảo thủ thí mồ”. Người cha bắt đầu kể lể: “Ba theo ông nội con vô đây mở mấy dây đất nằm rải rác giáp xứ này hơn 300 công ruộng. 12 tuổi tao biết lùa trâu, 15 tuổi đã cầm phảng phát cỏ trên đồng nước lút ngang ngực. Mày làm ruộng bao nhiêu, ở đó cãi”. Người con nói chắc: “Giờ tía con mình chia đôi đất, tía làm kiểu tía, con làm kiểu con, coi ai hơn”. Đó là câu chuyện của ông Đoàn Văn Út cãi lý với con trai Đoàn Văn Vũ, cái chuyện ứng dụng giống lúa xác nhận đắt tiền nhưng lại sạ thưa theo hướng dẫn của khuyến nông. Người cha thì khăng khăng theo kiểu xưa cứ nghe ngóng ruộng nào trúng thì mua giống về trồng, mà cứ áp theo kiểu sạ thiệt dày. Cuối vụ tính toán, ông Út thua đứt người con.

Nhưng mấy năm trước, khi trở lại chuyện xả lũ, sản xuất cách quãng cho đất nghỉ ngơi, người con trai lại cự quyết liệt vì bỏ một vụ coi như sản lượng trong năm bị hụt mất mấy phần. Nhưng qua vài năm áp dụng, tính toán thiệt hơn thì đất xả lũ của ông Út lại có lợi nhuận cao hơn con trai. Chuyện cãi nhau của hai cha con ông Út ở xã Tân Hưng, là sự “mâu thuẫn để tiến bộ”, hai thế hệ nông dân cần tránh đi vào cực đoan dễ trở nên bảo thủ và cần có sự phối hợp, dung hòa giữa kinh nghiệm xưa và tri thức mới, làm giàu thêm cho cánh đồng thời hiện đại.

Đó là bài toán đặt ra cho nông nghiệp vốn là thế mạnh hiếm có của Bình Tân. Vượt qua được khúc mắc này, Bình Tân sẽ phát huy được lợi thế của trụ cột nông nghiệp trong tương lai.

Công tác khuyến nông của huyện Bình Tân được xây dựng, phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, dần dần mang lại hiệu quả tích cực. Những cánh đồng Bình Tân trở nên vững chãi hơn từ những đổi thay tư duy canh tác mới. Nông dân và cánh đồng xưa cần làm đầy thêm những tri thức mới để mạnh dạn đổi thay. Nông dân giờ đây đã rất rành mấy chuyện canh tác 3 đồng bộ: rải giống- rải vụ, xả lũ và sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học để chăm sóc cây trồng.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT, nhiều năm qua, công tác vận động nông dân thực hiện đúng chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện và ngành chuyên môn chỉ đạo. Cụ thể, đối với cây khoai lang, các xã khuyến cáo nông dân trồng nhiều loại giống như: tím Nhật, trắng sữa; trắng giấy; bí đường,… việc đa dạng giống đã phát huy ưu thế tạo ra kênh tiêu thụ dồi dào. Đối với cây lúa: nông dân gieo sạ giống chất lượng gạo cao như OM 5451, OM 380, OM 4900, LH8,… với tỷ lệ trên 54% diện tích gieo sạ và sử dụng giống cấp xác nhận hoặc tương đương trên 85% diện tích.

Hiệu quả của khuyến nông làm cho niềm tin thêm mạnh mẽ. Do đó, việc thực hiện luân canh trên các loại màu hoặc cây lúa với màu trên cùng một diện tích cũng được thực hiện nhuần nhuyễn. Kết quả thấy rõ là đã hạn chế được tình trạng dịch hại trú ẩn, nhân mật số gây hại vụ sau và khắc phục được tình trạng cung vượt cầu.

Thế mạnh truyền thống và giấc mơ tương lai

Chuyện xả lũ ở Bình Tân là chuyện “mới mà cũ”, hồi mới bắt đầu chủ trương cũng bị phản đối dữ lắm. Nhưng đối với vùng dưa hấu Tân Hưng thì bà con ủng hộ hai tay. Chỉ có xả lũ đón nhận nguồn phù sa, vừa vệ sinh đồng ruộng, thì ruộng dưa mới tốt tươi, nhất là vụ dưa tết người trồng dưa chưng phải đếm từng dây, thuộc lòng từng trái, nửa đêm ra rẫy soi đèn nâng niu như… trứng mỏng. Cái nghề dưa tết Tân Hưng đã truyền đời, làm thành thương hiệu cũng là nguồn lợi đặc hiệu của nông dân xứ này. Vậy nên dù có khó khăn, dù có cực khổ cái nghề này vẫn giữ, nông dân xứ này vẫn là những người ươm mầm hương vị tết cho bà con, âu cũng là niềm tự hào, đáng quý biết bao.

Năm nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, giá cả nông sản và rủi ro về thời tiết, mưa lũ đã ảnh hưởng đến sản xuất; phần lo lắng tâm thế đi chợ tết mua sắm e dè. Nông dân xuống giống dưa mà cũng nhiều nỗi băn khoăn. Nhưng diện tích xuống giống dưa vẫn không suy giảm và rẫy dưa chưng, dưa tết ở ấp Tân Nghĩa (xã Tân Hưng) vẫn gấp đôi diện tích dưa thường.

Xả lũ không chỉ có lợi riêng cho vùng dưa, mà trở thành chủ trương chung dần phủ rộng khắp mọi cánh đồng. Rút kinh nghiệm từ việc xả lũ các năm trước, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao tiết kiệm phân bón, công chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất cây trồng. Năm 2021, nông dân xả lũ 5.800ha, tập trung ở các xã: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng và một phần diện tích của các xã còn lại. Một số nơi không xả lũ được là thị trấn Tân Quới, các xã: Tân Bình, Tân An Thạnh, Thành Lợi và Tân Lược có đê bao khép kín do đất trồng màu nghịch vụ trong mùa lũ để bán giá cao và vùng màu chuyên canh.

Việc xả lũ ngập sâu và thời gian kéo dài mang nhiều lợi ích, như: đón một lượng lớn phù sa vào đồng ruộng, tái tạo độ màu mỡ cho đất; tháo chua, rửa phèn ở khu vực khép kín; phân hủy được lượng rơm rạ, bã thực vật sau khi thu hoạch tạo nguồn phân hữu cơ cho đất. Đồng thời, tiêu diệt mầm bệnh trú ngụ trong đất, đặc biệt dễ diệt chuột bằng phương pháp truyền thống mà không phải diệt bằng thuốc hóa học. Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.

Ở Bình Tân có “vốn quý nông nghiệp” đó là con người. Có một lớp nông dân cố cựu cả đời gắn với cánh đồng từ thời còn thả trâu nằm nước, tích lũy kinh nghiệm từ hồi biết trồng dưa tết ngay trên đồng nước nổi, nhưng họ cũng đang dần tiếp thu một cách có chắt lọc những cái mới, làm giàu tri thức cho ruộng màu, liếp rau. Nhưng bao nhiêu đó vẫn là chưa đủ.

Xuống giống và chăm sóc rẫy dưa tết Tân Hưng.

Xuống giống và chăm sóc rẫy dưa tết Tân Hưng.

 

Ngồi bên cánh đồng dưa Tân Hưng, ông Năm Viễn (Lê Thanh Phong) kể lại lớp nông dân thời “khai mở” mà giờ nhắc lại ai lớn tuổi đều biết, như cha mình là ông Bảy Ái, các chú Chín Thông, Ba Kỳ… đã dành cả đời mở những dây đất ít cũng vài ba trăm công. Giờ đến lớp của ông cũng đã bước qua hàng lục tuần, giao thời cùng lớp nông dân trẻ, có những cái cũ, cái mới nó giao thoa nhưng sự đổi thay nó vẫn còn ở… lưng chừng.

Ông Năm Viễn mơ một lớp cháu con vài thập niên nữa, từ đất đai này ra đi học hành đàng hoàng, có đủ tiềm lực, tri thức trở về đây quản lý những cánh đồng mà cha ông bao đời chắt chiu gầy dựng. Đó sẽ là lớp nông dân mới làm giàu cho bản thân, hình thành tư duy kinh tế cho ruộng rẫy và tiếp tục khôi phục lại niềm tự hào xưa trên những cánh đồng Bình Tân bát ngát tương lai.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh