Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển

Cập nhật, 07:23, Thứ Ba, 01/02/2022 (GMT+7)

 

Khu công nghiệp Bình Minh. Ảnh: TUYẾT HIỀN
Khu công nghiệp Bình Minh. Ảnh: TUYẾT HIỀN

Vĩnh Long xác định thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát huy tối đa nội lực, thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Thu hút đầu tư trong tình hình mới

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua, nhất là trong năm 2021. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã chủ động thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức như: đối thoại trực tuyến, tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin qua mạng; ứng dụng công nghệ số hóa các ấn phẩm…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...

Vĩnh Long là một trong những địa phương ở ĐBSCL thu hút được khá nhiều doanh nghiệp FDI. Ảnh: minh họa
Vĩnh Long là một trong những địa phương ở ĐBSCL thu hút được khá nhiều doanh nghiệp FDI. Ảnh: minh họa

Năm 2021, tỉnh đã tiếp xúc làm việc với 27 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó có 6 lượt nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, có 11 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn tương đương 3.552 tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án trong nước với 3.236 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 13,74 triệu USD.

Là doanh nghiệp đầu tư thành công tại Vĩnh Long, sau hơn 17 năm hoạt động, Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú) đã tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, sản xuất 34,46 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 340 triệu USD/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm.

Ông Chung Te- Li, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tỷ Xuân, khẳng định: Tỉnh Vĩnh Long là môi trường tốt để đầu tư với vị trí địa lý thuận lợi, người dân cần cù, các cấp chính quyền địa phương hết mực quan tâm hỗ trợ.

Trong giai đoạn 2015- 2020, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 276 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh. Qua đó, đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư cho 137 dự án với tổng số vốn đăng ký là 11.512 tỷ đồng và hơn 503 triệu USD (trong đó có 44 dự án FDI).

Theo ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, trong giai đoạn này, công tác xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới theo hướng chủ động hơn, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, tạo ra năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Liên tục trong 5 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long luôn nằm trong nhóm tốt, rất tốt và nằm trong top dẫn đầu cả nước.

Nhằm phát huy kết quả của giai đoạn trước, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách với 49 dự án, ước tổng vốn đầu tư khoảng trên 61.623 tỷ đồng gồm 5 lĩnh vực: công nghiệp- năng lượng; nông nghiệp- nông thôn; văn hóa- du lịch; đô thị- nhà ở; thương mại.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Theo Nghị quyết số 275 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, bên cạnh phát huy tối đa nguồn nội lực, thu hút nguồn lực bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Tỉnh Vĩnh Long xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh sẽ có nhiều giải pháp chủ động hơn nhằm thu hút đầu tư hiệu quả.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh sẽ có nhiều giải pháp chủ động hơn nhằm thu hút đầu tư hiệu quả.

Trong tình hình dịch COVID-19 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với thu hút, mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Trong khi đó, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bức tranh thu hút dự án FDI ở ĐBSCL đang tăng nhanh từ năm 2010 đến nay, thúc đẩy tăng trưởng FDI trên 20% mỗi năm đã giúp cho vùng giảm phụ thuộc vào một vài dự án lớn và tăng dần số lượng các dự án vừa và nhỏ.

Điều này cho thấy FDI ở ĐBSCL đang trở nên đa dạng linh hoạt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành ở ĐBSCL.

Theo VCCI, Vĩnh Long là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực, thể hiện qua việc cải thiện chỉ số CPI trong 5 năm trở lại đây. Cũng được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực của vùng, có giải pháp xúc tiến đầu tư phù hợp, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp...

Đồng thời, tỉnh đã đưa ra 4 chiến lược thu hút đầu tư trong 5 năm tới tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng của tỉnh đảm bảo một môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng và minh bạch.

Theo ông Lữ Quang Ngời, các dự án FDI tuy còn ít nhưng đã góp phần quan trọng đối với nền kinh tế như: bù đắp sự thiếu hụt về vốn đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội. “Bên cạnh đó, còn góp phần hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao và tinh thần lao động sáng tạo, có kỷ cương kỷ luật. Thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển thị trường và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận xét.

PGS. TS. Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công thương- Bộ Công thương) cho rằng ngoài việc tận dụng tối đa lợi thế, thì ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng cần có chiến lược thu hút và giữ chân nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI. Cần xây dựng môi trường đầu tư an toàn, ổn định. Đồng thời cần xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, nghề rõ ràng, chi tiết và có tầm nhìn. Điều này giúp củng cố niềm tin của những nhà đầu tư.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY