Dù phải đối mặt với liên tiếp khó khăn từ dịch bệnh, biến động giá, chi phí tăng, song ngành chăn nuôi cũng đã nỗ lực phát triển đàn vật nuôi. Còn người nông dân gắn bó, nói "sao bỏ con heo, con gà cho được" và đã từng bước thay đổi tư duy, hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững.
(VLO) Dù phải đối mặt với liên tiếp khó khăn từ dịch bệnh, biến động giá, chi phí tăng, song ngành chăn nuôi cũng đã nỗ lực phát triển đàn vật nuôi. Còn người nông dân gắn bó, nói “sao bỏ con heo, con gà cho được” và đã từng bước thay đổi tư duy, hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Long phấn đấu phát triển chăn nuôi theo hình thức an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành sản xuất và bảo vệ môi trường.
Hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Giữ ổn định tổng đàn theo quy định mật độ chăn nuôi. Trong đó, đến 2025 có 300.000- 350.000 con heo, 90.000- 100.000 con bò, 9- 10 triệu con gia cầm. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng 1,5- 2%/năm.
Vượt qua sóng gió
Liên tục đối mặt những khó khăn chưa từng có. Như câu chuyện xoay quanh con heo- một trong 3 đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh, 3 năm qua đã khiến không ít người nuôi phải “lên bờ xuống ruộng”.
Trong khi bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin phòng trị, thì giá cả cũng bấp bênh- có thời điểm còn phải “giải cứu” khiến nông dân vừa nuôi vừa thấp thỏm. Nhưng nhiều người vẫn “bám gà, bám heo”, tìm cách duy trì nghề chăn nuôi của mình.
Ngành chăn nuôi heo đã có một năm nỗ lực vượt khó. |
Hơn 10 năm gắn bó với đàn heo, cô Mai Thị Đồng (xã Bình Phước- Mang Thít), bày tỏ: “Sao bỏ nuôi heo được. Quyết tâm nuôi thì khó nào cũng vượt qua.
Thức ăn tăng giá thì tôi tận dụng thức ăn sẵn có như bắp, cám, rau để giảm giá thành. Quan trọng là phải chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh. Giờ nuôi heo phải lo tính nhiều hơn trước, phải biết nắm bắt thị trường, chứ không thể nuôi theo kiểu hên xui được”.
Cũng với tâm thế chủ động, linh hoạt chuyển đổi vật nuôi cho phù hợp, chị Thủy- chủ một trang trại chăn nuôi ở Vũng Liêm chia sẻ: “Heo gặp khó về giá, dịch bệnh thì giải pháp mang tính tạm thời đặt ra là chủ động chuyển sang nuôi vịt an toàn sinh học để phục vụ cho dịp tết. Sau khi mầm bệnh được kiểm soát thì sẽ chuyển lại nuôi heo”.
Theo chị Thủy, nuôi gì cũng phải tính toán đầu vào, đầu ra cho vật nuôi. Và chỉ có chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh mới là giải pháp quan trọng để người chăn nuôi vượt qua những khó khăn.
Ngành chăn nuôi đã xuất hiện nhiều điểm sáng như vậy từ sự cần cù, năng động của người nuôi. Qua đó, góp phần giúp số lượng, chất lượng gia súc, gia cầm và tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi phát triển ổn định. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng đã mang lại kinh tế cao, nâng thu nhập, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm: Thời gian qua, một số bệnh nguy hiểm có xảy ra như bệnh viêm da nổi cục trên bò, tái dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, dịch bệnh được kiểm soát tốt- không để lây lan diện rộng.
Đáng ghi nhận là, các hộ chăn nuôi đã có sự đổi mới về phương thức sản xuất, dần chuyển sang quy mô trang trại, chuyên nghiệp, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi khép kín, để nâng “chất lẫn lượng” sản phẩm chăn nuôi.
Phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững
Nhiều hộ chăn nuôi đã có sự đổi mới về phương thức sản xuất, dần chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại. |
Nếu nhìn nhận khách quan, thì ngành chăn nuôi vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, khâu liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đặt ra nhiều vấn đề.
Đó là chưa kể, hiện nay sản phẩm chăn nuôi trong nước còn phải chịu sự cạnh tranh từ “thịt nhập, thịt ngoại” có giá rẻ, quy trình giết mổ hiện đại hơn.
Để vượt qua thách thức, đón nhận những cơ hội, để “giữ đàn heo, đàn gà” phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh tốt thì nỗ lực của từng hộ chăn nuôi là chưa đủ, mà cả ngành chăn nuôi phải có sự “chuyển mình” đổi mới phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho rằng: Cơ cấu lại ngành chăn nuôi không phải là điều chỉnh cơ cấu mà là sự thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính cạnh tranh cao về chất lượng và giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu.
Để cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập thì buộc phải có sự thay đổi từ tư duy đến sản xuất, thay đổi tập quán chăn nuôi. Chỉ khi chăn nuôi lớn, áp dụng công nghệ cao mới cho ra được sản phẩm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
“Quan trọng hơn hết là ý thức của người chăn nuôi, phải biết chủ động, đổi mới tư duy trong chăn nuôi. Không thể nhắm mắt làm cho qua, nuôi cho xong mà phải chọn đối tượng vật nuôi có tiềm năng, đầu tư hợp lý, chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với định hướng thị trường. Có như vậy mới đem lại sinh kế lâu dài”- ông Tùng đưa ra lời khuyên.
Vì chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với sinh kế của nhiều hộ gia đình, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Liêm cho rằng: Một trong những giải pháp đặt ra để phát triển bền vững là tập trung phát triển trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Đồng thời, khuyến khích các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết hộ chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
Và để bắt kịp xu hướng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, điều quan trọng đặt ra là đã đến lúc, người chăn nuôi phải thay đổi tư duy sản xuất, ngành chăn nuôi phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp đổi mới căn cơ để đưa ngành chăn nuôi vượt khó, phát triển bền vững hơn và trở thành ngành thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin