Nông nghiệp Vĩnh Long hướng tới ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ

10:02, 01/02/2022

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 về chủ trương chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã chọn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm những mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 về chủ trương chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã chọn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm những mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới.

Lãnh đạo Tỉnh ủy khảo sát mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Mang Thít.
Lãnh đạo Tỉnh ủy khảo sát mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Mang Thít.

Cần tạo ra sức bật mới cho sản xuất nông nghiệp

Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, từ nhiều năm nay, BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm chỉ đạo về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt này, nhiều mô hình sản xuất mới đã ra đời, trong đó việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp từng bước được hình thành và nhân rộng.

Ngoài kinh phí hỗ trợ từ các dự án sự nghiệp bằng nguồn ngân sách tỉnh, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã tự đầu tư xây dựng được nhiều mô hình nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới tiết kiệm (lĩnh vực trồng trọt); trang bị chuồng lạnh, ao sạch trên bể lót bạt (lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản) để sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng; một vài mô hình hướng theo quy trình sản xuất hữu cơ như sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái,... đã được hình thành và phát triển.

Việc đẩy mạnh và tổ chức lại sản xuất, liên kết doanh nghiệp với nông dân thực hiện theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương.

Theo báo cáo từ phòng nông nghiệp- PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TX Bình Minh và TP Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 105 loại mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: trồng trọt 3.950ha (chiếm khoảng 3,3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp); 1,430 triệu gia cầm (chiếm 13,4% tổng đàn); 14.000 con heo (khoảng 5,6% tổng đàn); 25ha nuôi thủy sản (khoảng 3,1% diện tích nuôi thủy sản).

Trong đó, huyện Mang Thít có nhiều mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, Long Hồ nhiều mô hình trong nuôi thủy sản, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị trồng hoa lan, dưa lưới; các huyện còn lại có hệ thống tưới phun trên rau màu và cây ăn trái…

Đến nay, trên lĩnh vực nông nghiệp mới có 1 chứng nhận chỉ dẫn địa lý (bưởi Năm Roi Bình Minh), 2 nhãn hiệu tập thể (Khoai lang Bình Tân và Bưởi da xanh Vũng Liêm).

Theo thống kê sơ bộ thì phần lớn mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Vĩnh Long là việc áp dụng hệ thống tưới phun (chiếm 70%), để tưới cho vườn cây ăn trái (bưởi, cam, chanh, nhãn, sầu riêng, thanh long,...) và rau màu (xà lách xoong, diếp cá, rau cải các loại...).

Việc áp dụng hệ thống nhà màng và hệ thống thiết bị điều khiển tự động chỉ có ở mức quy mô nhỏ nhằm trồng các loại rau quả cao cấp như dưa lưới, rau thủy canh.

Mô hình trồng hoa lan tại TP Vĩnh Long.
Mô hình trồng hoa lan tại TP Vĩnh Long.

Các vùng đô thị thì phát triển mô hình trồng hoa lan, hoa cúc, hoa đồng tiền cắt cành hoặc nuôi lươn không bùn cho thu nhập cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân (lời 50%).

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Vĩnh Long tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10- 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25- 30%.

Tuy có được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của sản xuất nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long.

Các mô hình mới chỉ ở mức các mô hình trình diễn, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ cao còn nhiều hạn chế và hầu hết dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần và còn gặp khó trong đầu ra của sản phẩm.

Mô hình nuôi lươn không bùn tại thị trấn Tam Bình (Tam Bình).
Mô hình nuôi lươn không bùn tại thị trấn Tam Bình (Tam Bình).

Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất để thực hiện.

Để đầu tư cho 1ha đất ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp cần số vốn từ vài ba tỷ đồng trong khi quỹ đất ở Vĩnh Long không còn nhiều và giá thuê đất hoặc mua đất lại rất cao. Đây thực sự là 2 rào cản lớn nhất đối với việc phát triển sản xuất công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ- nhất là quỹ đất và nguồn vốn. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2030, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư phát triển sản xuất giống; sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các quỹ tín dụng của tỉnh là rất cần thiết…

Đặc biệt, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2030, cần dành nguồn kinh phí hỗ trợ chương trình nông nghiệp công nghệ cao…

Đối với quỹ đất, ngoài việc quy hoạch các vùng trọng điểm áp dụng công nghệ cao hoặc linh hoạt triển khai nhiều phương thức thu hút đầu tư để nâng cấp 1 trong 2 đơn vị (Trung tâm Giống nông nghiệp hoặc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ) thành Trung tâm Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản ứng dụng khoa học và công nghệ.

Một số mục tiêu cụ thể cần đạt

Để khai thác hiệu quả các lợi thế riêng có của Vĩnh Long, giai đoạn 2021- 2025, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ giá trị tăng thêm của ngành nông- lâm - thủy sản tăng bình quân 2,5 %/năm.

Do đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng 3- 5 sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ áp dụng công nghệ cao (lúa, khoai lang, bưởi, cam, dừa, sầu riêng, chôm chôm, xà lách xoong, heo, bò, gà, cá tra, cá điêu hồng,…).

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trên bể lót bạt tại xã Phước Hậu (Long Hồ).
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trên bể lót bạt tại xã Phước Hậu (Long Hồ).

Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... để cho năng suất, chất lượng tốt nhất, chi tiêu diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 1,5% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 1.800ha; trong đó, lúa 900ha; khoai lang 200ha; cây có múi (bưởi, cam sành) 400ha; cây ăn quả (dừa, xoài, sầu riêng,...) 200ha; rau màu (xà lách xoong, rau ăn lá) 100ha.

Nâng tỷ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh lên 40%. Đến năm 2030, ngoại trừ chỉ tiêu tốc độ giá trị tăng thêm của ngành nông- lâm- thủy sản vẫn ở mức tăng bình quân 2,5 %/năm, các chỉ tiêu còn lại phấn đấu tăng gấp đôi chỉ số này và phấn đấu hình thành được một trung tâm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản ứng dụng khoa học và công nghệ.

Cần nhiều giải pháp đột phá

Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng và có tính chiến lược trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung vào nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi nghị quyết này. Đó là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và hành động về vị trí, tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với quá trình phát triển bền vững của tỉnh.

Trọng tâm là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất- kinh doanh của người dân và doanh nghiệp về mục tiêu “Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và đảm bảo các yêu cầu, quy định về chất lượng sản phẩm theo quy định quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trong quá trình hội nhập.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác khuyến nông, thu thập, xử lý thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại.

Thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới phương thức xúc tiến mời gọi đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với nhà đầu tư cụ thể, có năng lực.

Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, bao gồm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với lợi thế của tỉnh, trọng tâm là chọn lọc, liên kết các mô hình để hình thành, phát triển một số vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông nghiệp có tiềm năng tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ trong sản xuất nông sản, sản phẩm chế biến từ nông sản; chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

NGUYỄN VĂN LIÊM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh