Mô hình khởi nghiệp vì tình yêu thương

Cập nhật, 13:48, Thứ Năm, 17/02/2022 (GMT+7)

(VLO) Trại nấm bào ngư của Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) được hình thành từ ý tưởng phục vụ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương mà trung tâm đang nuôi dưỡng.

Đồng thời xây dựng ý thức làm việc cho các cháu tuổi mới lớn, vừa muốn đưa đến người tiêu dùng nguồn dinh dưỡng sạch được nuôi trồng theo mô hình khép kín tương đối hiện đại. Một dự án mang đầy tính nhân văn, rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội.

Dự án nấm bào ngư của Trung tâm Công tác xã hội.
Dự án nấm bào ngư của Trung tâm Công tác xã hội.

Dự án khởi đầu từ tình yêu thương

Trung tâm CTXH đang nuôi dưỡng và chăm sóc các đối tượng là người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật và trẻ em mồ côi, không người chăm sóc.

Ngoài nguồn kinh phí theo định mức của Nhà nước, còn lại chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong- ngoài tỉnh và nước ngoài.

Bình thường đã khó khăn vì nguồn kinh phí không ổn định, trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế nói chung đều gặp khó khăn và Trung tâm càng trở nên khó khăn, khi lượng khách đến thăm nơi đây giảm, kéo theo nguồn hỗ trợ giảm khoảng 90% so với những năm trước.

Từ đó, nguồn lực chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng tại Trung tâm chỉ đáp ứng cơ bản ở mức tối thiểu, bởi vật giá tăng đều hàng năm, trong khi mức trợ cấp ở mức ổn định.

Từ thực tế trên, Chi Đoàn Thanh niên thuộc Trung tâm đã có sáng kiến thành lập trại nấm bào ngư, mục đích sản xuất vừa tạo thêm nguồn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn của đối tượng, vừa bán ra thị trường nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch với giá ổn định cho người dân- vừa có nguồn kinh phí cho việc xoay vòng các đợt nuôi trồng tiếp theo, và trích ra một phần lợi nhuận để đưa vào quỹ từ thiện dành hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn ở cộng đồng.

Bà Phạm Thị Kim Yến- thành viên dự án, cho biết: “Dự án thiết kế theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh. Với mô hình xã hội hóa, Trung tâm sẽ tìm kiếm đối tác, vận động nguồn lực từ các nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu để thiết kế, xây dựng trại nấm đạt chuẩn.

Mục tiêu của dự án là hướng tới cộng đồng, nên giá trị của sản phẩm không chỉ là lợi nhuận về kinh tế, mà còn là nơi mọi người cùng chung tay góp sức, thể hiện tình thương giữa người và người trong hoàn cảnh khó khăn”.

Ngoài những thành viên dự án phân công nhau đảm trách các khâu, điều đặc biệt là có sự phụ giúp của nhóm trẻ trong độ tuổi từ 12- 16 đang đi học. Hình ảnh vừa cảm động vừa mang tính giáo dục cao.

Mô hình là nơi thiết thực nhất cho các em có thể trực tiếp tham gia, được học hỏi và cảm nhận từ mục đích đến ý nghĩa của dự án, được tự tay chăm sóc, được góp công sức lao động của mình để tạo nên sản phẩm đầy tính nhân văn.

Là nơi các em tìm niềm vui hữu ích thay cho khoảng thời gian trống, giúp các cháu có thêm được hành trang với nhiều suy nghĩ tích cực, hướng thiện trong độ tuổi vị thành niên.

Cần sự tiếp sức từ cộng đồng

Nấm bào ngư là loại nấm thích khí hậu khô mát nhưng cần phải có độ ẩm. Do đó, dự án sẽ áp dụng công nghệ tưới nước phun sương tự động.

Máy được thiết kế dàn ống trải đều theo các tầng để phôi nấm, có đồng hồ hẹn giờ, có thiết bị đo độ ẩm để điều chỉnh mức độ phun nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nấm.

Bà Phạm Thị Kim Yến phân tích: So với thị trường chung, sản phẩm nấm bào ngư đã quen thuộc với mọi người. Nhưng riêng với Trung tâm CTXH, sản phẩm nấm bào ngư là một mô hình hoàn toàn mới.

Sản phẩm được trồng không chỉ để cung cấp cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho đối tượng, mà nó còn huy động được tính sáng tạo, tinh thần vượt khó của tuổi trẻ, và hơn hết là sự đoàn kết của tập thể, cùng chung sức chung lòng vượt qua khó khăn, hướng đến chân thiện mỹ khi chia sẻ sản phẩm của mình đến với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Nấm bào ngư của Trung tâm CTXH được trồng trong quy mô nhà lưới với các quy trình khép kín, sạch sẽ và an toàn, chống được các loại côn trùng lạ từ bên ngoài vào nên nấm được phát triển tự nhiên mà không cần phải sử dụng các loại hóa chất gây hại.

Sản phẩm hướng đến đa mục tiêu: vừa góp phần bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn của các đối tượng tại Trung tâm, vừa là kênh phân phối nấm sạch cho người dân và góp phần chung tay chia sẻ khó khăn cùng những cảnh đời bất hạnh tại cộng đồng với kinh phí gây quỹ từ lợi nhuận.

Đặt vấn đề về đầu ra của sản phẩm, bà Kim Yến cho biết sẽ hướng đến những cán bộ, công chức viên chức ngành lao động- thương binh và xã hội, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh, người dân xung quanh chợ truyền thống và công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú gần kề Trung tâm.

Mặt khác, theo đánh giá tổng quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nấm bào ngư chủ yếu được trồng theo phương thức nhỏ lẻ, thủ công tại các gia đình.

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã bắt đầu chấp nhận loại nấm nhiều dinh dưỡng này vào bữa ăn hàng ngày, nên việc cung cầu nấm có phần cân đối, không bị dội chợ, có lúc không đủ cung, đặc biệt các ngày chay trong tháng. Do đó, thị trường cho sản phẩm nấm bào ngư hiện vẫn còn tiềm năng.

Khai thác nấm bào ngư.
Khai thác nấm bào ngư.

Cũng như các nguồn thực phẩm khác, nấm bào ngư được bày bán rộng rãi. Tuy nhiên, nấm được nuôi trồng và chào bán của Trung tâm có phần thuận lợi hơn bởi chất lượng sản phẩm, bởi tính nhân văn nên sẽ nhận được sự ủng hộ của lượng khách hàng bền vững là các đồng nghiệp từ các cơ quan ban ngành, các đơn vị, doanh nghiệp…

Mặt khác, việc nuôi trồng nấm bào ngư theo phương thức truyền thống so với hiện nay đã được thay thế và thuận lợi rất nhiều hơn bởi sự xuất hiện của các thiết bị hỗ trợ tiên tiến, hiện đại như dàn tưới phun tự động, máy đo độ ẩm, đồng hồ hẹn giờ... Nên sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm được sản xuất theo lối truyền thống.

Hiện tại mô hình nấm bào ngư thử nghiệm đang phát triển ổn định và cho năng suất cao. Lợi nhuận sau 1 năm đã được hoàn vốn, tái đầu tư cho vụ tiếp theo.

Trong đó, trích quỹ cộng đồng từ lợi nhuận đã hỗ trợ cho 2 hộ gia đình của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Trà Ôn, mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng (xe đạp và dụng cụ học tập).

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thử nghiệm, nay nhà lưới đang bị xuống cấp, cần nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp và chuẩn bị cơ số nấm số lượng lớn để chính thức đi vào hoạt động.

Một dự án khởi đầu khá thuận lợi do những yếu tố trên, nhưng hiện đang gặp khó khăn nguồn vốn để tiếp tục triển khai mở rộng ở những giai đoạn tiếp theo, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Khá chạnh lòng khi dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, phải chậm lại vì khó khăn trong nhu cầu gọi vốn đầu tư tiếp theo.

Dù có khó khăn do dịch bệnh nhưng với số tiền 50 triệu đồng quả là không lớn so với tầm vóc ý nghĩa nhân văn cao cả của dự án.

Thật lòng chúng tôi mong mỏi một ngày không xa quay lại, sẽ nhìn thấy dự án nấm bào ngư của Trung tâm CTXH tiếp tục hoạt động với quy mô lớn hơn, sản phẩm nơi đây được tỏa rộng hơn trên nhiều địa bàn.

Tất cả trông chờ vào những trái tim yêu thương, những tấm lòng thiện nguyện cùng chung tay tiếp sức cho dự án thành công trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG