Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, những năm gần đây, Vĩnh Long có nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được đầu tư. Đây có thể xem là động lực, là tiền đề tạo "đường băng" để Vĩnh Long phát triển.
(VLO) Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, những năm gần đây, Vĩnh Long có nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được đầu tư. Đây có thể xem là động lực, là tiền đề tạo “đường băng” để Vĩnh Long phát triển.
Công trình cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công, sẽ kết nối giao thông giữa Vĩnh Long và các tỉnh ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL. |
Những công trình trọng điểm
Những năm qua, ngành giao thông vận tải (GT-VT) luôn được tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Hiện tỉnh Vĩnh Long được Trung ương hỗ trợ đầu tư một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh (hoặc đi qua tỉnh) cả về đường bộ, đường thủy và hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa.
Theo Sở GT-VT, về đường bộ, hiện nay có một số tuyến đường trọng điểm, quan trọng, như: đường Võ Văn Kiệt (TP Vĩnh Long), đường từ QL53 đến Khu công nghiệp Hòa Phú (ĐT 909B), đường Phú Lục Bầu Gốc- QL1, ĐT 902, 907;… Đặc biệt là đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.
Các tuyến đường trên khi hoàn thành sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của tỉnh. Như đường Võ Văn Kiệt là một trong những tuyến đường trục đô thị quan trọng của TP Vĩnh Long trong tương lai, sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông đô thị, giảm áp lực các phương tiện giao thông trong nội ô thành phố.
Hay đường từ QL53- Khu công nghiệp Hòa Phú (ĐT 909B), đường Phú Lộc Bầu Gốc- QL1 từng bước mở rộng, phát triển hoàn chỉnh, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông; Tạo trục hành lang phát triển đô thị, công nghiệp mới theo quy hoạch cho TP Vĩnh Long theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025; liên kết vùng, kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và kết nối với hệ thống giao thông của khu vực…
Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Hợp- Giám đốc Sở GT-VT, đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch của Chính phủ.
Trong khi đó, hiện Vĩnh Long cũng nằm trong dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam. Dự án với mục tiêu đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ tuyến luồng hành lang Đông- Tây đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa kết nối TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh qua sông Măng Thít.
Song song đó, việc cải tạo tuyến sông Tắc Cua thuộc hành lang Bắc- Nam góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với tuyến hiện hữu, làm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, tăng năng lực cạnh tranh giữa đường thủy so với đường bộ. Dự án được thực hiện trong 4 năm 2022- 2026.
Ở hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Vĩnh Long thuộc nhóm cảng biển số 5, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng khu bến Bình Minh tại xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn và từng bước di dời khu bến Vĩnh Thái về bến phà Mỹ Thuận cũ thuộc phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) với khả năng tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn.
“Hiện nay, ngành GT-VT Vĩnh Long đang có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông rất lớn, nhiều dự án quan trọng và cấp thiết đã được phê duyệt đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng để xây dựng và phát triển các cụm, khu, tuyến công nghiệp, các làng nghề truyền thống, mở rộng các tuyến đường qua các khu dân cư… Thời gian tới tỉnh cần nguồn vốn lớn để triển khai thực hiện”- ông Trần Quốc Hợp cho biết.
Tận dụng lợi thế phát triển
Công trình cầu Cái Cam 2 nằm trên trục đường Võ Văn Kiệt là tuyến đường trục đô thị quan trọng của TP Vĩnh Long trong tương lai. |
Vĩnh Long là địa phương có lợi thế trung tâm vùng ĐBSCL thuận lợi trong kết nối giao thông của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành khác của cả nước. Hiện nay, vùng ÐBSCL đang phát triển kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, với tốc độ rất nhanh.
Ðây vừa là cơ hội và điều kiện quan trọng để thúc đẩy Vĩnh Long hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng hiện hữu, nhất là những hạ tầng mang tính động lực phát triển vùng.
“Trong thời gian tới, mạng lưới hạ tầng giao thông sẽ kết nối Vĩnh Long và hệ thống giao thông của vùng, bằng các tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, cao tốc Hồng Ngự- Trà Vinh, đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ.
Đặc biệt Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu là hai tuyến đường thủy chính của ĐBSCL, thuận lợi để phát triển vận chuyển bằng đường thủy với các cảng biển lớn”- ông Hợp nhấn mạnh. Việc hình thành và phát triển hệ thống logistics đã được các bộ, ngành Trung ương quan tâm và định hướng phát triển.
Đây được xem là một mũi nhọn quan trọng đối với ngành GT-VT, góp phần rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Vĩnh Long cần tận dụng tối đa lợi thế vị trí địa lý.
Tỉnh Vĩnh Long đã quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics lồng ghép vào quy hoạch phát triển thương mại tỉnh định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch, Vĩnh Long sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các cảng: Cảng Vĩnh Long (TP Vĩnh Long) với chức năng chủ yếu là trung chuyển hàng hóa (gạo, vật liệu xây dựng,…) thành trung tâm logistics quy mô cấp vùng của tỉnh; Cảng Bình Minh (TX Bình Minh) thành trung tâm logistics cấp vùng của tỉnh.
“Với vị trí địa lý trung tâm vùng ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế và vai trò quan trọng phát triển mạng lưới logistics của vùng ĐBSCL. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có chủ trương đồng ý quy hoạch, cho xây dựng một trung tâm logistics hạng 2, cấp vùng đặt tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Vì vậy để phát triển logistics Vĩnh Long cần phối hợp, thống nhất với Cần Thơ để xây dựng trung tâm logistics vệ tinh cho trung tâm logistics của vùng tại Cần Thơ”- Giám đốc Trần Quốc Hợp nói.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin