Mang Thít- tiến tới nông nghiệp bền vững

Cập nhật, 18:29, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)

 

Tận dụng tiềm năng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh và luân canh với quy mô lớn. Ảnh: TL
Tận dụng tiềm năng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh và luân canh với quy mô lớn. Ảnh: TL

Năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiến tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp

Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện tăng trưởng 2,61% với tổng giá trị đạt hơn 2.643 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng màu, cây lâu năm, chăn nuôi gia công quy mô trang trại; các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được duy trì và nhân rộng. Đặc biệt là việc thiết lập các kênh tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 hoạt động rất hiệu quả, giúp nông dân tiêu thụ trên 1.500 tấn nông sản… Đây là điểm nhấn trong kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2021 ở huyện Mang Thít.

Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong năm 2021, huyện đã triển khai 6 dự án với tổng kinh phí trên 788 triệu đồng. Trong đó có 3 dự án do tỉnh đầu tư kinh phí 561 triệu đồng. “Các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, đạt hiệu quả kinh tế, từng bước nhân rộng, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt, mô hình nuôi lươn thịt và sinh sản, mô hình trồng nấm rơm trong nhà…”- ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết.

Ngoài ra, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện rất nhiều mô hình hiệu quả được người dân duy trì và nhân rộng, như mô hình nuôi vịt chuyên trứng, mô hình trồng dừa hoàng kim ở xã Long Mỹ với diện tích 10ha, mô hình ươm giống cây ăn trái gần 290ha (lợi nhuận đạt 450 triệu đồng/ha/năm đối với mít, 800 triệu đồng/ha/năm đối với sầu riêng). “Đặc biệt là mô hình chăn nuôi gia công quy mô trang trại. Hiện toàn huyện có 113 trại nuôi gà, 13 trại nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế rất cao”- ông Phước Dư chia sẻ.

Trong khi đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm, đầu tư. Ngày càng nhiều nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp học tập và triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước) là một ví dụ điển hình.

“Hiện tại, nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn và mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang dần thu hút nhiều người tham gia. Tại công ty, đa dạng hóa sản phẩm nấm bào ngư chính là động lực để mô hình nông nghiệp cao phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cũng như tạo thêm giá trị cho một sản phẩm nông nghiệp”- chị Cao Thúy An- Giám đốc công ty chia sẻ.

Tiến tới nông nghiệp bền vững

Huyện Mang Thít cũng đã có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Hồ Phước Dư, đến năm 2025, huyện sẽ phấn đấu phát triển các vùng cây ăn trái tập trung, quy mô lớn, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh và luân canh với quy mô lớn, nhân rộng diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP… “Đặc biệt là tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, có liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản, hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, lấy nông dân là trung tâm trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ”- ông Hồ Phước Dư chia sẻ.

Giai đoạn 2021- 2025, huyện phấn đấu phát triển đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản tập trung, phấn đấu giá trị thủy sản tăng bình quân 3,94 %/năm. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra tại xã An Phước.
Giai đoạn 2021- 2025, huyện phấn đấu phát triển đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản tập trung, phấn đấu giá trị thủy sản tăng bình quân 3,94 %/năm. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra tại xã An Phước.

Nhiều thách thức phía trước, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, nhận định thế mạnh và những điều kiện thuận lợi ở địa phương, thời gian tới, huyện Mang Thít sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đã đề ra.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít, năm 2022 và những năm tiếp theo, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng màu chuyên canh, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. “Đặc biệt, phát huy hơn nữa các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tiến tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững…”- bà Nguyễn Thị Minh Trang cho biết.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN