Trà Ôn với nhiều điểm sáng kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 18:22, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)

Trong năm 2021, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp huyện Trà Ôn được ghi nhận có nhiều điểm sáng giữa bối cảnh vừa tập trung phòng chống dịch COVID-19 vừa nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất, đời sống của người dân...

Người dân lên liếp trồng cam sành bên Đường tỉnh 907 đoạn qua Tân Mỹ. Phía sau là bạt ngàn vườn cam sành tơ.
Người dân lên liếp trồng cam sành bên Đường tỉnh 907 đoạn qua Tân Mỹ. Phía sau là bạt ngàn vườn cam sành tơ.

Duy trì ổn định kinh tế nông nghiệp

Một ngày cuối tháng 11, anh Minh Tuấn- một thương lái với xe tải trên đường liên ấp Cây Điệp- Đục Dông (xã Thiện Mỹ) đi mua ổi. Giá ổi lúc này 5.000 đ/kg. Dọc con đường vài cây số này đi về xã Tích Thiện, nhiều bà con nông dân cùng với trồng lúa thì mấy năm nay lập vườn trồng ổi, nhãn Idor... UBND xã Tích Thiện cho biết, diện tích cây ăn trái toàn xã có 1.083,5ha, tăng 45,5ha so với năm 2020.

Bà con thu hoạch cây ăn trái trên toàn diện tích này, một số loại cho giá trị kinh tế khá cao như chôm chôm, mít, ổi... Điểm sáng nông nghiệp ở Tích Thiện được ghi nhận còn ở lĩnh vực chăn nuôi. Toàn xã có 17 trang trại và 6 gia trại chăn nuôi gà thịt gia công, với số lượng 289.000 con/vụ (tăng 50.000 con). Ước lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/vụ (4 tháng/vụ).

Thu mua ổi các loại từ địa bàn xã Thiện Mỹ qua Tích Thiện.
Thu mua ổi các loại từ địa bàn xã Thiện Mỹ qua Tích Thiện.

Theo anh Chế Hoài Hận- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Thiện, sản xuất nông nghiệp năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Điểm tác động dễ thấy nhất là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, song đầu ra hàng hóa của nông dân hạn chế. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, về cơ bản tình hình kinh tế- xã hội có bước phát triển, chuyển đổi phù hợp những cây trồng có giá trị kinh tế cao,... kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững...

Qua địa bàn xã Tân Mỹ, khi trao đổi về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, lãnh đạo địa phương cho biết người dân đang chuyển hướng phát triển cây cam sành. Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- cho biết trong các ấp, nhiều địa bàn đã trồng cam sành giáp hoặc gần giáp diện tích đất lúa, như ấp: Mỹ Phú, Mỹ An, Mỹ Định... Diện tích cây ăn trái của xã có 803,5ha, tăng 44,5ha so với cùng kỳ. Trong đó riêng cây cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện có 397,5ha (cho trái 341ha) và một số cây trái như bưởi, nhãn, dừa... Ước bình quân lợi nhuận 190- 220 triệu đồng/ha.

Theo Hội Nông dân xã Tân Mỹ, năm nay cam sành trúng mùa, giá cả khá nên bà con lợi nhuận cao. Cam sành thu mua 8.000-10.000 đồng/kg là người trồng đã có lời khi thuê đất trồng cam và lời nhiều hơn với đất nhà. Có thời điểm giá cam 17.000-18.000 đồng/kg, nên nguồn kinh tế này là rất lớn với bà con nông dân ở các xã gần như chuyên canh cam sành ở huyện Trà Ôn như: Thuận Thới, Thới Hòa, Vĩnh Xuân,... và nay lan rộng ra Trà Côn, Tân Mỹ.

Diện tích cam sành hiện chiếm 6.981ha trong tổng số 13.372ha cây ăn trái ở huyện Trà Ôn, trong đó cam sành trên đất lúa 5.787ha (khoảng 83%). Diện tích cam sành đang cho hiệu quả kinh tế 3.904ha, cam tơ 2.753ha. Lợi nhuận từ cây cam sành tương đối ổn định, bình quân trong năm cam sành cho lợi nhuận 300-350 triệu đồng/ha, cao nhất so với bưởi Năm Roi, nhãn Idor, ổi...

Đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển- là đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2021 của Huyện ủy Trà Ôn. Điểm sáng này thể hiện giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản toàn huyện tăng 3,69%, trong đó nông nghiệp tăng 4%. Với 207 triệu đồng/ha/năm trong năm 2021, giá trị trên một đơn vị diện tích đã tăng 9 triệu đồng/ha so với năm trước. Các chỉ số trên phản ánh, kinh tế nông nghiệp được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và tiếp tục phát triển.

Một cánh đồng và vườn tược bên Đường tỉnh 907, từ Thiện Mỹ đi Tân Mỹ.
Một cánh đồng và vườn tược bên Đường tỉnh 907, từ Thiện Mỹ đi Tân Mỹ.

Theo ông Nguyễn Anh Thuấn- Phó Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, bà con nhân dân trong xã vẫn tích cực nỗ lực duy trì diện tích, sản lượng sản xuất, nuôi trồng và phát triển quy mô giúp đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định.

Theo đánh giá, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện đã theo kế hoạch, đúng định hướng và đang mang lại hiệu quả. Qua ghi nhận ý kiến một số người dân, họ luôn hết sức nỗ lực học hỏi kinh nghiệm canh tác sản xuất nông nghiệp; đồng thời mong muốn giá cả đầu ra nông sản ổn định giúp nâng giá trị kinh tế và thu nhập, để vươn lên khá giàu cho gia đình, quê hương.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.

Định hướng về phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Trà Ôn cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, huyện chỉ đạo và có nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, sẽ tập trung vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch, đúng định hướng nhằm làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Huyện sẽ tăng cường liên hệ, phối hợp ngành liên quan, viện, trường nhất là Trường ĐH Cần Thơ để tranh thủ đưa yếu tố khoa học công nghệ để người nông dân tiếp cận đưa vào canh tác sản xuất, thúc đẩy thay đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang hướng hàng hóa, chất lượng. Đi đôi với việc tìm kiếm doanh nghiệp giúp kết nối với các loại hình kinh tế tập thể nhằm giải quyết cung cầu sản xuất- tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị hàng hóa.

Bài, ảnh: THÁI LINH