Đầu năm ra đồng, mong mùa bội thu

01:02, 08/02/2022

Bên cạnh việc vui xuân đón Tết, bà con nông dân không quên đồng ruộng mà còn rất chủ động trong việc phòng trừ các loại dịch hại. Đồng thời, chú trọng phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng để có vụ mùa bội thu, trúng giá.

 

Nông dân ra đồng, mong vụ mùa bội thu.
Nông dân ra đồng, mong vụ mùa bội thu.

(VLO) Bên cạnh việc vui xuân đón Tết, bà con nông dân không quên đồng ruộng mà còn rất chủ động trong việc phòng trừ các loại dịch hại. Đồng thời, chú trọng phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng để có vụ mùa bội thu, trúng giá.

Vui xuân không quên đồng ruộng

Ghi nhận tại nhiều cánh đồng từ Mùng 5, Mùng 6 Tết, bà con nông dân đã tất bật ra đồng, chủ động trong việc phòng trừ các loại dịch hại trên các trà lúa.

Theo đó, nông dân đã tiến hành nhiều biện pháp chăm sóc bảo vệ vụ Đông Xuân, chủ động nạo vét kinh mương nội đồng, tích trữ nước phục vụ tốt sản xuất lúa; chăm sóc, bón phân, làm cỏ, lấy nước vào ruộng và các phòng trừ dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh.

Sáng Mùng 6 Tết, vừa phun thuốc xong 4 công lúa, chú Lê Văn Lợt (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho biết: “Hiện ruộng của tôi đang trong thời kỳ sinh trưởng và đẻ nhánh, đây cùng là thời điểm rất dễ phát sinh các loại sâu bệnh gây hại.

Mấy ngày tết tôi cũng thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh, phun thuốc kịp thời để đạt hiệu quả cao”.

Tại Bình Tân, mặc dù không khí Tết vẫn còn nhưng trên các ruộng khoai, rẫy màu, bà con cũng đã nhộn nhịp ra đồng, chăm sóc rau màu. Sáng sớm, chú Ba Trinh (xã Tân Hưng- Bình Tân) đã có mặt ở ngoài vườn để chăm sóc gần 1 công đậu, chuẩn bị thu hoạch sau tết.

Chú Ba Trinh chia sẻ: “Ăn tết nhưng vẫn phải thăm rẫy thường xuyên, tưới nước và phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời. Mọi năm tôi cũng trồng rau bán dịp tết nhưng năm rồi lượng hàng về chợ nhiều, bán không được giá. Năm nay, tôi trồng sau tết, hy vọng được mùa, được giá hơn”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến đầu tháng 2/2022, diện tích lúa Đông Xuân 2021-2022 đã xuống giống trên 46.400ha, đạt 92,8% so với kế hoạch vụ. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Qua khảo sát tình hình lúa Đông Xuân sau tết cho thấy lúa sẽ cho năng suất khá cao. Trước và trong tết có xuất hiện dịch bệnh trên rau màu như rầy phấn trắng, bọ trĩ,…, tuy nhiên, cũng được phòng trừ kịp thời.

Vụ lúa Đông Xuân sẽ có thu hoạch trà lúa sớm từ Mùng 10 tháng Giêng, rộ nhất từ 20 âl, khoảng cuối tháng 2 âl sẽ thu hoạch cơ bản dứt điểm.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, điều kiện thời tiết như hiện nay kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại.

Do đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả.

Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lác đác khoảng 5% và sau khi lúa đã trổ đều, tiến hành phun ngừa một trong những loại thuốc đặc trị, không nên phun phân bón lá khi ruộng đang bệnh, nên giữ nước trong ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn lúa trổ- chắc xanh.

Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Khuyến cáo bà con tránh lạm dụng phân đạm, phân bón lá khi thấy có dấu hiệu của vết bệnh, bổ sung Canxi, Silic, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.

Chủ động phòng chống hạn mặn

Thời điểm này vào mùa hạn mặn nên nhiều nông dân cũng chủ động kiểm tra nguồn nước thường xuyên, đầu tư đào ao, hồ chủ động nguồn nước.

Tích cực chăm sóc vườn sầu riêng, chú Phan Thanh Liêm (xã Chánh An- Mang Thít), cho hay: “Tôi cũng kiểm tra độ mặn thường xuyên, có đào ao trữ nước phòng khi độ mặn lên cao. Mấy ngày tết mặn không lên nên cũng an tâm ăn tết, dù vậy tôi cũng không chủ quan mà theo dõi thông tin hạn mặn trên báo đài để chủ động ứng phó”.

Ông Nguyễn Văn Liêm cũng cho hay. “Dịp Tết, ngành chức năng vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá sát tình hình thời tiết và có phương án bảo vệ cây trồng, thủy sản; theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, tổng hợp tình hình thiên tai xảy ra như xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, giông, lốc, triều cường,...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng, vật nuôi”.

Để ứng phó với mặn, từ trước tết ngành chức năng đã triển khai các biện pháp công trình và phi công trình. Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Liêm, dự báo thời gian tới sẽ có 2 đợt mặn lên vào con nước Rằm tháng Giêng và 30 âl tháng Giêng.

Thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin về tình hình xâm nhập mặn, ngành chức năng sẽ tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít để ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước cấp cho sinh hoạt. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng- thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, để ứng phó kịp thời.

Những ngày đầu năm mới, bà con nông dân ai nấy đều hy vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trúng mùa trúng giá.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh