Sản xuất kinh doanh xoay xở trong khó khăn

03:09, 16/09/2021

Trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời duy trì các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp.

 

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa vì COVID-19. oạt động thương mại, dịch vụ giảm mạnh trong tháng 7 và 8.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa vì COVID-19. oạt động thương mại, dịch vụ giảm mạnh trong tháng 7 và 8.

(VLO) Trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời duy trì các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những tháng đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch COVID-19 vừa duy trì phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, tổng thu ngân sách đạt kế hoạch dự toán. Các tổ chức tín dụng đảm bảo hoạt động ổn định, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngành nông nghiệp chủ động thực hiện nhiều biện pháp thích ứng với điều kiện thời tiết vào mùa mưa; phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Hàng hóa cung ứng cho thị trường trong điều kiện giãn cách xã hội được đảm bảo.

Tính chung trong 8 tháng, IIP tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng khá như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 8,71%; chế biến thực phẩm tăng 8,69%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 8,44%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,62%; ngành dệt tăng 3,7%…

Trong tháng 8/2021, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, hàng ngàn công nhân nghỉ việc tạm thời.

Theo Cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm trên 34% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 41,53%, trong đó ngành khai khoáng giảm 63,98%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 44,84%...

Nhiều ngành có mức sản xuất giảm mạnh như: sản phẩm thuốc lá; hóa chất và sản phẩm hóa chất; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác... Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1/8/2021 giảm trên 56% so với cùng thời điểm năm trước.

Theo Cục Thống kê, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh cũng sụt giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8/2021.

Nhiều cơ sở tạm ngưng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch, thu nhập đại bộ phận người dân cùng nhu cầu mua sắm các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh… Các dịch vụ giải trí, vận tải hành khách tiếp tục tạm dừng khiến hoạt động vận tải giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều biện pháp hỗ trợ DN

Theo BCĐ phòng chống dịch COVID-19, việc triển khai quyết định, kế hoạch, hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19 đến các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đầy đủ, kịp thời.

Quyết định cho các DN tạm thời nghỉ việc từ ngày 13/7/2021 để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và hướng dẫn một số DN sản xuất mặt hàng thiết yếu vừa cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương.

Đến nay, toàn tỉnh có 32/46 DN trong khu- tuyến công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, với 4.074 lao động, chiếm chỉ hơn 9% so tổng số lao động; 2 DN hoạt động theo phương án “Sản xuất tại chỗ- ăn tại chỗ- quản lý người lao động cư trú ở vùng xanh tự di chuyển theo cung đường cố định từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại” với 57 lao động; có 15/2.562 DN ngoài khu- tuyến công nghiệp đang hoạt động với 1.430 lao động, chiếm hơn 6% so tổng số lao động.

Để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, ngành công thương tập trung hỗ trợ DN duy trì chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; kết nối với các tỉnh- thành để tìm nhà cung ứng nguồn nguyên liệu cho DN sản xuất trong tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ phát triển thị trường, trước mắt khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tập trung hỗ trợ DN các hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài nước; phát triển, khai thác hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long để hỗ trợ DN tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Ông Lý Nhật Trường- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long- cho biết thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai khá đồng bộ các biện pháp hỗ trợ khách hàng, từ miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, thực hiện miễn, giảm lãi, cơ cấu lại các khoản nợ hiện hữu, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai các gói cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5- 2% so với lãi suất cho vay thông thường.

Các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như: cho vay đối với các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế với lãi suất cho vay cực kỳ ưu đãi.

Trong khi đó, tỉnh đã triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công thương như: hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 và đợt 4 theo quy định; chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52 của Chính phủ.

Bên cạnh, triển khai các chính sách khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh năm 2021.

Ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP với nhiều nội dung quan trọng và có ý nghĩa nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Nghị quyết này thể hiện hành động thiết thực của Chính phủ nhằm đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh