Các nhà khoa học cũng cho rằng cần hiểu đúng bản chất của hệ sinh thái đồng bằng, lấy đó làm "hệ quy chiếu" cho những giải pháp "thuận thiên"- theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Các tin liên quan |
Trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã rút ra nhiều kinh nghiệm và chủ động thích ứng từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016.
Các nhà khoa học cũng cho rằng cần hiểu đúng bản chất của hệ sinh thái đồng bằng, lấy đó làm “hệ quy chiếu” cho những giải pháp “thuận thiên”- theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Người dân Bến Tre chủ động trữ ngọt, giữ cỏ chân vườn dừa trong mùa hạn mặn. |
Xây dựng “kịch bản” thích ứng phù hợp
Rõ ràng đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã được các địa phương ở khu vực ĐBSCL lấy làm “hệ quy chiếu” cho việc xây dựng phương án và hành động ứng phó trong điều kiện BĐKH hiện nay.
Trong quá trình thực tế tại các địa phương từng chịu thiệt hại do hạn mặn bất ngờ năm 2016, chúng tôi nhận thấy cùng với các giải pháp “cứng” xây dựng các công trình, cống bộng, đập, đê bao ngăn mặn; các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... còn có giải pháp “mềm”.
Theo ông Lê Văn Đời- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Hậu Giang, năm 2016, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn và ngành nông nghiệp đã lấy đó làm “hệ quy chiếu” chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Cùng với sự nhận thức ngày càng cao về tác hại của xâm nhập mặn, đã có nhiều mô hình của người dân thích ứng hạn mặn như vét ao, mương để trữ ngọt, chủ động vật dụng chứa nước phục vụ sinh hoạt... Tương tự Hậu Giang hay ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đã và đang có sự dịch chuyển theo hướng tích cực để thích ứng và chủ động hơn.
“Phòng thủ” linh hoạt là cách mà nhiều địa phương của tỉnh Bến Tre áp dụng hiệu quả trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỏ Cày Nam- cho biết: Ngoài các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư để trữ ngọt, người dân còn chung tay để làm hệ thống đê bao cục bộ, chủ động chứa nước trong mương vườn... giúp trữ nước chủ động và có thể “phòng thủ” linh hoạt vòng trong, vòng ngoài trước thời tiết hạn mặn bất thường.
Từ sự chủ động thích ứng để thấy “mặn không có gì ghê gớm”, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long- cho rằng cần “xem mặn là nguồn lợi để khai thác”.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, từ trước đến nay quen ngọt, chưa thích nghi, chưa quen được với mặn, nhưng người dân đã dần nâng cao ý thức. Để phòng, chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018- 2019 và vụ Hè Thu năm 2019 trên địa bàn, tỉnh đã đề ra 3 kịch bản phòng chống hạn mặn.
Qua đó, chủ động trữ ngọt tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn, cập nhật độ mặn liên tục để kịp thời cảnh báo cho người dân.
Kinh nghiệm trữ ngọt lâu đời
PGS. TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) cho rằng: Trữ ngọt là kinh nghiệm lâu đời của người dân ĐBSCL. Nhìn lại các nơi đều có các công trình trữ nước ngọt như: Trà Vinh có ao Bà Om, Sóc Trăng có hồ Nước Ngọt…
Tôi hỏi người dân, họ nói người xưa làm ra những ao, hồ để lúc ngặt nghèo như hạn hán, bị nhiễm mặn thì có nước xài. Ở Sóc Trăng, có gia đình vẫn còn giữ “xi tẹc” nước do ông bà để lại phòng lúc nước máy bị cúp, trong làng có dịch bệnh hay nước bị nhiễm mặn”.
Cũng theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng, các đập thủy điện ở thượng nguồn đóng- mở tùy thời điểm, thì đặt ra vấn đề “trữ nước vẫn cần thiết” để phòng những “bất thường” như: nước quá kém, ô nhiễm hay nhiễm mặn… Trong đó, hạn mặn sẽ lặp lại thường xuyên nên cần có chiến lược thích ứng, cần trữ ngọt để lúc khô hạn có nước sử dụng.
Hơn nữa, “cần tính toán giảm diện tích canh tác lúa kém hiệu quả để trữ nước. Trên đó có thể tận dụng trồng sen, nuôi cá để đề phòng những lúc “căng thẳng về nước” như năm 2016. Đồng thời, cần có đánh giá tổng thể để mở lại dần những vùng trữ ngọt trên các tỉnh thượng nguồn, nhằm điều tiết nước xuống vùng hạ lưu mùa khô hạn”- PGS.
TS Lê Anh Tuấn bảo vậy và cho rằng vấn đề tìm ra giải pháp trữ nước, thích ứng BĐKH cần linh hoạt và cần làm thí điểm từng khu vực nhỏ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nghị quyết “thuận thiên” Cách đây hơn 1 năm, Nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành đã nhấn mạnh ĐBSCL phải phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính. Theo đó, quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vùng ĐBSCL theo hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. |
Cần hiểu đúng và hành động đúng
Theo TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- ĐH Cần Thơ): “Trữ ngọt là kinh nghiệm lâu đời của người đồng bằng, nhưng nhìn lại chỉ những nơi có sự trao đổi với hệ thống sông rạch thì nước ở đó mới sử dụng được.
Bởi vì, bản chất của nguồn nước ở ĐBSCL là phải thay đổi giống như chức năng tuần hoàn máu của con người. Trong đó, cơ chế thay đổi nước là nhờ dao động của thủy triều: ngày có nước lớn, nước ròng; tháng có nước rong, nước kém; năm có mùa nước nổi, mùa nước cạn.
Đó là một trong những thành phần tự nhiên của hệ sinh thái. Nhờ đó mà tạo ra “tất tần tật” những thứ còn lại như: đất đai, sinh vật, con người, hệ thống canh tác và tạo ra văn hóa… Do đó, nếu bị chặn lại thì chính là làm ngược với quy luật, gây “nghẽn mạch máu”.
“Rất nhiều loài cần ngập- cần khô trong ngày; cần mặn, cần ngọt trong năm. Ví dụ như thòi lòi nước lớn chui xuống hang, nước ròng nhô bãi bồi mới leo lên kiếm ăn. Cây đước là rừng ngập mặn nhưng cần một thời gian nước ngọt trong năm mới phát triển tốt.
Công trình cống Cầu Cò hoàn thành năm 2018 ở ấp Thanh Khê (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) giúp chủ động trữ ngọt, ngăn mặn. |
Ngược lại, những dòng sông, con rạch ở vùng duyên hải lại cần một giai đoạn mặn trong năm để rửa sạch ô nhiễm, giết bớt lục bình giúp dòng sông thông thoáng. Đó là cơ chế tự điều chỉnh, tự khắc phục những sai lầm của hệ sinh thái”- TS Dương Văn Ni phân tích và nhấn mạnh rằng: “Đó là bản chất của hệ sinh thái. Chúng ta cần hiểu đúng nó để hành xử đúng”.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng: dòng sông có 3 chức năng: trao đổi của sông với biển; trao đổi nước từ thượng nguồn về hạ nguồn; trao đổi giữa dòng sông với con người và trên bờ để lấy nước sản xuất, sinh hoạt…
Hệ sinh thái ĐBSCL phân chia rất rõ: vùng biển là hệ sinh thái mặn, trong đồng là nước ngọt, ở giữa là hệ sinh thái nước lợ. Trong đó, hệ sinh thái nước lợ “pha trộn” rất lớn tạo ra rất nhiều loài cá nước lợ, cây nước lợ… PGS. TS Lê Anh Tuấn phân tích: “Nếu vì sợ mặn mà đắp đê ngăn cách mặn- ngọt, vô tình sẽ làm thay đổi hệ sinh thái, gây ra những hậu quả đáng tiếc”.
PGS. TS Lê Anh Tuấn: Hạn mặn năm 2016 trở thành một bài học, để thấy rằng hạn mặn là chuyện ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có một số người lấy đó như một ví dụ cho thấy là cần đầu tư rất nhiều công trình. Như làm đập ngăn sông để giữ ngọt lại. Như vậy, vô tình lại phá hủy hệ sinh thái. Tôi cho rằng, cần tích hợp tầm nhìn về sinh thái trong quy hoạch. Phải hiểu khái niệm sinh thái ngay từ ban đầu. Dựa vào hệ sinh thái, nương theo hệ sinh thái đó để thay đổi, thích ứng đó chính là “thuận thiên”.
Theo TS Dương Văn Ni: Hệ sinh thái là “cơ thể sống” có nguyên tắc riêng. Nó không tự nhiên tồn tại mà phải qua hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu năm. Hệ sinh thái dung hòa hết các yếu tố đất, nước, khí hậu, kể cả con người đến đó định cư. Trong hệ sinh thái, không có thành phần dư thừa và mỗi hệ sinh thái đều tự điều chỉnh theo hướng tích cực nên mới tồn tại lâu dài. Đó là 3 yếu tố mà bấy lâu nay trong nhiều trường hợp có thể chúng ta hiểu chưa hết hoặc hiểu sai. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin