ĐBSCL trữ ngọt linh hoạt, chủ động thích ứng hạn mặn

Kỳ 3: Tìm cách thích ứng ở vùng mặn- ngọt thời kỳ

Cập nhật, 15:48, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Theo ông Huỳnh Ngọc Vân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng, cái khó của ngành nông nghiệp tỉnh là thích ứng với mặn- ngọt thời kỳ với nhiều vấn đề đặt ra trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hài hòa xung đột lợi ích từng vùng sản xuất.

Vận hành cống tại Sóc Trăng khi độ mặn vượt 1‰ thì đóng cống trữ ngọt, còn độ mặn dưới 1‰ thì mở cống lấy nước vào đồng.
Vận hành cống tại Sóc Trăng khi độ mặn vượt 1‰ thì đóng cống trữ ngọt, còn độ mặn dưới 1‰ thì mở cống lấy nước vào đồng.

Đồng em thu hoạch, ruộng anh lúa mới gieo

Chúng tôi xuôi dòng cuối nguồn sông Hậu, đi thực tế khu vực “nằm trong dự báo thiếu nước ngọt” thuộc huyện Long Phú, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm rằm tháng Giêng, gió chướng mạnh, trời nắng như nung, người dân trong đê bao tích cực bơm nước lên ruộng.

Nhưng chuyện đóng- mở cống còn “nóng” hơn cả trời nắng, ngoài việc giá lúa sụt giảm, ghe thương lái vào nội đồng không được khiến người dân trong cống đang thu hoạch lúa kêu trời. Còn ngoài sông nước đang mặn, ngành chức năng không dám mở cống, sợ làm hại lúa mới gieo sạ.

Gặp chúng tôi khi vừa khảo sát khu vực trong đê bao Long Phú- Tiếp Nhật, ông Huỳnh Ngọc Vân bảo: “Hiện xảy ra xung đột giữa vùng thu hoạch muốn mở cống vận chuyển lúa, vì tích nước lúa ngập lỉnh bỉnh, máy cắt không được, người dân cự rần rần; còn vùng mới gieo sạ vụ Đông Xuân muộn (còn gọi là lúa vụ 3) nông dân đang bơm nước ầm ầm, mở cống hết nước họ cũng… cự”. Thế nên mới có chuyện trong cùng hệ thống đê bao, đồng em đang thu hoạch còn ruộng anh thì mới xuống giống “tréo cẳng ngỗng” như vậy.

Thực tế người dân phản ánh hiện việc điều hành đóng các cống ngăn mặn như Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe… trong hệ thống Long Phú- Tiếp Nhật ảnh hưởng ghe lúa vào thu mua lúa. Hệ thống thủy lợi Long Phú- Tiếp Nhật bao gồm trên 10.000ha đất trồng lúa của huyện Long Phú và Trần Đề.

Để giải quyết xung đột đó, ông Huỳnh Ngọc Vân cho biết tại các cống, ngành nông nghiệp đều dán lịch đóng- mở cống để bà con tiện theo dõi. Khi độ mặn vượt 1‰ thì đóng cống trữ ngọt, còn độ mặn dưới 1‰ thì mở cống lấy nước vào đồng.

Tại cống Bà Xẩm thuộc xã Long Đức (Long Phú), anh Lê Văn Bình- thương lái có ghe lúa bị “kẹt” trong cống đã 2 ngày- đứng xem thông báo của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng.

Trong đó nêu cụ thể việc vận hành cống từ ngày 15-28/2: mở các cống khi độ mặn tại các trạm Đại Ngãi, Long Phú có xu thế giảm theo triều và độ mặn trước cống nhỏ hơn 1‰; cứ 3-5 ngày mở tiêu một con nước nhằm giải quyết nhu cầu giao thông; các ngày còn lại đóng cống hoàn toàn để ngăn mặn. Anh Bình bảo, dù nôn nóng chở lúa tươi về nhưng anh vẫn tuân thủ quy định chung.

Là huyện được dự báo có khả năng thiếu nước ngọt cho sản xuất trong mùa khô năm nay, ông Lê Thanh Thái- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Phú- cho biết huyện có 2 tuyến đê bao đi qua là Kế Sách- Long Phú và Long Phú- Tiếp Nhật với diện tích canh tác khoảng 16.000ha. Năm 2016 mặn lên tới 7- 8‰, nhiều diện tích thiệt hại đến 70%, thậm chí mất trắng.

Chủ trương của huyện khuyến cáo nông dân không làm lúa vụ 3, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng sử dụng ít nước tưới… Thực tế, theo ông Thái, tuy người dân đã chủ động tích nước để sử dụng, nhưng nhiều khả năng lượng nước trong các tuyến kinh không đủ phục vụ do diện tích xuống giống tăng nhiều hơn mọi năm.

Hậu Giang: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp

Ông Lê Văn Đời- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết năm 2016, Hậu Giang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, trên cơ sở đó ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu. Cụ thể, các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao như huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh ngày càng có nhiều mô hình thích ứng mang lại giá trị kinh tế cao, như các mô hình: tôm- lúa ở xã Lương Nghĩa, mãng cầu xã Thuận Hòa, đậu bắp Nhật xã Lương Tâm, khóm xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến… Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng mô hình đập ngăn mặn cải tiến rất hiệu quả và phù hợp trong công tác ngăn mặn.

Tìm cách thích ứng

Đó cũng là nguy cơ mà theo ông Huỳnh Ngọc Vân: “Tôi mới đi một vòng để kiểm tra các vùng sản xuất Long Phú, Trần Đề, theo đánh giá chủ quan, năm nay một số diện tích có khả năng thiếu nước rất cao do diện tích lúa vụ 3 tăng. Lịch thời vụ xuống giống chấm dứt ngày 20/1/2019, nhưng đến nay người dân vẫn còn gieo sạ”.

Dù được khuyến cáo không làm vụ này, nhưng “người dân thấy có nước ngọt là làm tới, nên ngành nông nghiệp cũng phải chạy theo hỗ trợ”- ông bảo.

Vừa “chạy theo” hỗ trợ những vấn đề phát sinh, vừa giải quyết xung đột “đồng em, ruộng anh”, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng áp dụng nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước hơn.

Theo ông Lê Thanh Thái, trong năm 2018 huyện Long Phú có hơn 216ha chuyển đổi từ đất lúa sang rau màu, cây ăn trái…

Riêng tại xã Long Đức, “làm lúa vụ Đông Xuân muộn trúng hơn cả mấy vụ chính, đê bao đủ nước ngọt nên người dân “xé rào”- nhưng theo ông Trần Minh Hiền- công chức nông nghiệp xã, một số diện tích đã chuyển đổi từ lúa sang trồng bắp, ớt… Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là đầu ra còn bấp bênh, nên người dân còn e dè.

Ở vùng mặn- ngọt thời kỳ, theo cách lý giải của ông Trần Minh Hiền là mặn không liên tục, lên theo triều cường từ tháng Chạp đến tháng 3, 4 âl. Có thể nói, đầu ra nông sản chính là vấn đề đáng quan tâm của vùng đang có và đang cần những sự dịch chuyển tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi.

Ông Huỳnh Ngọc Vân cho rằng việc thích ứng ở vùng mặn- ngọt thời kỳ sẽ “khó khăn hơn” những vùng khác. Chẳng hạn, vùng mặn hoàn toàn như TX Vĩnh Châu đã dịch chuyển theo mô hình canh tác vùng sinh thái mặn như nuôi tôm, hình thành nhiều mô hình nuôi vọp, thòi lòi, ba khía, ốc len dưới tán rừng,...

Trong khi đó, các vùng mặn- ngọt thời kỳ như các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên thì việc sản xuất mùa khô phụ thuộc nước ngọt. Hiện nay, tuy các mô hình chuyển dịch chưa thành công, nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực. Như mô hình trồng cỏ, nuôi bò ở Trần Đề, Mỹ Xuyên khá hiệu quả, mùa này giá cỏ 700-800 đ/kg.

Theo dõi diễn biến nguồn nước bằng việc thường xuyên đo độ mặn.
Theo dõi diễn biến nguồn nước bằng việc thường xuyên đo độ mặn.

Những vùng có nước ngọt pha mặn như Mỹ Xuyên có thể canh tác 1 vụ tôm- 1 vụ lúa. Các địa phương Long Phú, Cù Lao Dung người dân trồng mía lỗ nặng liên tục mấy năm qua, cũng đang tính chuyện chuyển đổi trồng cây bạc hà lấy dầu…

Trong khi vẫn trăn trở tìm cách thích ứng hiệu quả hơn, ông Huỳnh Ngọc Vân bảo rằng: “Chuyện ứng phó với hạn mặn chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm rồi. Sóc Trăng ở hạ nguồn sông Cửu Long mà, hạn đầu vụ, thiếu nước cuối vụ cũng là chuyện thường ngày ở huyện”.

Thế nên, hiện tỉnh đang áp dụng các giải pháp công trình và các giải pháp mềm “để thích ứng chớ không chống lại hạn mặn. Các vùng có mùa nước ngọt và xâm nhập mặn trong năm, mình điều chỉnh lịch thời vụ, lên kế hoạch “né” mặn chuyển từ sản xuất 3 vụ còn 2 vụ, sử dụng các giống lúa chịu mặn, ngắn ngày, chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Sóc Trăng, hiện ngành thủy văn liên tục theo dõi, kiểm tra nguồn nước trên kinh rạch, để khuyến cáo người dân lấy nước tưới, bơm trữ nước vào ao, ruộng. Sau 19 giờ hàng ngày, tin tức của đài Sóc Trăng sẽ thông báo lịch đóng- mở cống. Hiện Trường ĐH Cần Thơ đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thử nghiệm và tỉnh dự kiến lắp đặt hệ thống này trên các tuyến sông.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN- THẢO LY

>> Kỳ cuối: Phải hiểu đúng bản chất hệ sinh thái đồng bằng