Cơ cấu lại thành công bước đầu- nông nghiệp thu quả ngọt

Cập nhật, 05:04, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

 5 năm trước khi chưa thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thật khó có thể hình dung được triển vọng ngành nông nghiệp của nước ta sẽ đi về đâu trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mà thu được ít.

Lại thêm áp lực từ hội nhập mở cửa nền kinh tế, ngành nông nghiệp chịu nhiều áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị trường quốc tế.

Thế nhưng sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mới, nhiều hàng hóa nông sản trước đây chưa có “tên tuổi” trên thị trường xuất khẩu thì nay đã có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu của thế giới như mặt hàng rau quả và trái cây, đồ gỗ.

Rau quả và trái cây là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).
Rau quả và trái cây là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh

Thành công đầu tiên của cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải kể tới và được nhắc nhiều trong thời gian qua chính là mặt hàng lúa gạo.

Bởi trước đây gạo vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Lấy ví dụ “cột mốc lịch sử” năm 2012 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, lần đầu tiên Việt Nam “vượt mặt” Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2012 về khối lượng, thế nhưng giá trị thu về của mặt hàng này cũng chỉ đạt con số “khiêm tốn” đạt 3,7 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu khi đó chỉ đạt trung bình cả năm khoảng 457 USD/tấn. Chỉ 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,6 tỷ USD với giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 503 USD/tấn.

Riêng gạo thơm (Jasmine) giá cao nhất là 575 USD/tấn, giá gạo Japonica (gạo Nhật) xuất khẩu là 526 USD/tấn. Gạo 5% tấm xuất khẩu bình quân của Việt Nam nửa đầu tháng 10/2018 đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn Độ (372 USD/tấn), tương đương Thái Lan (411 USD/tấn).

Đáng chú ý là cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung cao.

Hiện lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam (Jasmine- gạo chất lượng trung cao) chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị; gạo nếp chiếm 13% về lượng và 12% về giá trị.

Đồng thời, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp, loại gạo này hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu trong 10 tháng năm 2018. Do đó, lượng gạo xuất khẩu tăng ít nhưng giá trị lại gia tăng so với cùng kỳ những năm trước đây.

Mặt hàng có bước bứt phá mạnh nhất phải kể tới đó là rau quả và trái cây. Nếu như năm 2012 mặt hàng này vẫn chưa lọt vào “CLB xuất khẩu tỷ đô” mà mới chỉ đạt 805 triệu USD thì đến năm 2017, xuất khẩu mặt hàng này đã đạt con số 3,4 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2018 đã đạt 3,3 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng trưởng từ 15- 25% mỗi năm.

Cũng chính nhờ kỳ tích này, tại diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 3 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho hay:

Rau quả và trái cây xuất khẩu đã vượt xuất khẩu dầu thô. Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, dự kiến đến cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm),

Nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2018.

Một mặt hàng ít tên tuổi khác là sản phẩm chăn nuôi mà thậm chí không ít chuyên gia, nhà quản lý trước đây đều cho rằng sẽ bị “lép vế” và nguy cơ bị thua ngay trên “sân nhà”’ khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng có “độ mở” lớn với kinh tế thế giới (cụ thể là với khoảng 12 hiệp định FTA- Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết tham gia).

Thế nhưng trái ngược với những lo ngại của một số chuyên gia, nhà quản lý, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2018 đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu trước đây ngành chăn nuôi chủ yếu chỉ xuất khẩu các sản phẩm trứng gia cầm, heo sữa, heo thịt sang thị trường Trung Quốc (tiểu ngạch) và việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi theo đường chính ngạch dường như chỉ “nằm trong giấc mơ”, thì sau 5 năm cơ cấu lại, chăn nuôi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt heo sang thị trường Myanmar, đặc biệt xuất khẩu được sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản- một thị trường vốn luôn có những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng hàng đầu thế giới.

Thủy sản năm 2012 xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD thì năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2018 đạt 7,24 tỷ USD, dự kiến năm 2018 sẽ đạt 9 tỷ USD.

Đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2012 mới đạt 4,9 tỷ USD, năm 2017 đạt 8,1 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2018 đạt 7,23 tỷ USD, năm 2018 sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam sẽ đạt 12- 13 tỷ USD, vươn lên đứng thứ 4 thế giới về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ (hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới và thứ 2 ở Châu Á).

Nông nghiệp thu nhiều “ông lớn” vào đầu tư

Một trong những điểm sáng làm nên sự thành công của cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế ấy chính là việc thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bởi khi có sự tham gia của doanh nghiệp khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng quảng bá thương hiệu từng mặt hàng nông sản được chú trọng hơn.

Chính sự vào cuộc của những “ông lớn” đầu tư vào nông nghiệp chế biến, đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: TH True Milk, VinEco (Tập đoàn VinGroup), Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty CP Nafoods Group (Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Macsan, Dabaco,... đã giúp tăng chất lượng, chế biến sâu làm gia tăng giá trị của nông sản.

Ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- cho biết: Đối với sản xuất nông nghiệp, thông thường thu nhập trung bình chỉ khoảng 160 triệu đồng/ha.

Còn đối với diện tích ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, hoa 2 tỷ đồng/ha, rau ứng dụng công nghệ cao đạt thu nhập 8,5 tỷ đồng/ha, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm.

Nông nghiệp tăng trưởng góp phần ổn định kinh tế

Nông dân phơi lúa.
Nông dân phơi lúa.

Về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt tăng trưởng 2,55 %/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm,

tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67 %/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án.

Cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5 %/năm.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp- PTNT) phát biểu:

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thời gian qua, được thực hiện quyết liệt, đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng thị trường và dựa trên lợi thế cạnh tranh đã bắt đầu thu được kết quả tốt.

Mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm tăng tới 3,65%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010.

Theo Tổng cục Thống kê, lĩnh vực nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012- 2018,

từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

TS. Đặng Kim Sơn- chuyên gia về nông nghiệp nông thôn- nhận xét: Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đi tiên phong trong quá trình thực hiện cơ cấu lại và những thay đổi, phát triển của ngành nông nghiệp sau cơ cấu lại rất đáng ghi nhận.

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng:

Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp…

Chính vì vậy, trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn.

Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,

nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Có thể khẳng định, kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, sau 5 năm, lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, như: chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn nông sản, đầu ra cho sản phẩm, sản xuất tự phát dẫn tới được mùa mất giá,... chưa được giải quyết triệt để.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: Nghị định 57 thay Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;…

Với hàng loạt các chính sách khuyến khích, ưu đãi được kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ có thêm động lực, “cú hích” để tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI

TIN LIÊN QUAN