Làm gì để chợ truyền thống lấy lại sức hút?

Kỳ 2: Chợ ế ẩm vì đâu?

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 06/07/2018 (GMT+7)

Tình trạng ế ẩm không chỉ xuất hiện ở các chợ nhỏ, chợ xã đến chợ huyện mà còn “lây” sang chợ tỉnh. Hàng hóa nhiều, chợ sạch sẽ, thoáng mát hơn nhưng mỗi năm mỗi vắng. Là do đâu, vì ai nên nỗi?

Đồ xổ, đồ la đang dần “rút khách” từ chợ truyền thống.
Đồ xổ, đồ la đang dần “rút khách” từ chợ truyền thống.

Chợ truyền thống bị bao vây

“Đẹp mà ế” là tình trạng của nhiều chợ hiện nay. Hàng hóa nhiều, chợ sạch sẽ, ấy vậy mà chợ vẫn ế nhệ. Ghi nhận tại nhiều chợ, hầu như ghé quầy nào cũng nghe tiểu thương (TT) than ế lắm, rầu quá vì không bán được.

Theo nhiều TT, nguyên nhân chính dẫn đến việc buôn bán ngày càng giảm là do chợ tự phát, “đồ xổ, đồ la” tấn công chợ. Đối với những quầy hàng trên lầu thì đã bị bao vây phía dưới, khách hàng ngán lên lầu, đâu thuận tiện là ghé mua.

Chị Lâm Thị Nỉ- TT chợ Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) cho hay: “Giờ người dân hầu như khỏi cần đi tới chợ. Sáng là có xe đẩy bán đồ ăn đến tận cửa, rồi chợ chồm hổm, tiệm tạp hóa mở ra nhiều nên cũng không cần đến chợ vừa tốn công lại tốn sức,

chưa kể chợ này không có chỗ giữ xe nên muốn mua cũng thấp thỏm không an tâm. Có ngày ngồi từ sáng tới chiều mà cũng không bán được gì”.

Tương tự, cô Lê Thị Ba ở chợ Song Phú (Tam Bình) thở than: “Một năm nay bán giảm khoảng 50%. Chợ này chia làm 3 khu nhưng hàng hóa thì nhập nhằng giữa khu này với khu kia, chợ cá cũng có bán tạp hóa thì ai mà ghé khu bán bách hóa làm gì.

Giờ chủ yếu bán cho khách mối nhưng ngày trước 20 mối thì giờ chỉ còn 5 mối. Trong khi đó, chợ đêm, đồ la, đồ xổ thì ngày nào, tuần nào cũng có.

Không phải đóng thuế, mặt bằng nên những chỗ này bán khỏe re. Chỉ có TT trong chợ là chịu chết thôi”. Chỉ qua quầy hàng kế bên, cô Ba nói: “Đó, quầy này 9 giờ mở hàng mà 14 giờ dọn vô rồi. Dọn trễ còn tốn thêm tiền điện nữa”.

Chợ Vĩnh Long- được xem là chợ đầu mối của tỉnh- cũng trong tình trạng không khá khẩm hơn là mấy. Bà Nguyễn Thị Yến Xuân- Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long- cho hay:

Chợ có hơn 1.800 hộ cố định và khoảng 200 hộ tự sản tự tiêu. Bên cạnh một số quầy hàng bị “diệt vong” theo thời gian như bán ống khói đèn, thuốc rê, đồ điện máy cũ thì hiện nay sức mua ở chợ đã giảm hơn, nhất là các mặt hàng may sẵn giảm khoảng 40- 50%.

Nguyên nhân là do hiện nay có nhiều chợ và có nhiều shop mở ra, thêm chợ online, khiến lượng khách bị phân tán nhiều.

Bên cạnh đó, lối đi vào chợ cũng khó khăn, không thuận tiện, một số quầy còn để hàng che chắn lối đi, làm cho quầy hàng chật chội, không thu hút được khách.

Một số TT do bán ế ẩm cũng đã nghỉ bán chuyển đổi ngành hàng phù hợp hơn. Không chỉ vậy, người tiêu dùng hiện nay có tâm lý mua hàng ở siêu thị, trung tâm mua sắm thì chất lượng đảm bảo hơn, không còn tin chợ như trước dù thực chất hàng hóa ở chợ cũng phong phú, chất lượng hẳn hoi.

Ông Lê Minh Tâm- Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng Vũng Liêm- cho biết: Thời gian qua, các chợ mới được xây dựng trên cơ sở chợ cũ.

Trong đó, chợ Hiếu Phụng do có quá nhiều hộ đăng ký bán nên khi xây thêm khu mới và đưa vào hoạt động thì chợ không xôm tụ lắm.

Bên cạnh đó, ở chợ thị trấn Vũng Liêm cũng có một số hộ buôn bán không hiệu quả, người dân mua hàng ở các dãy phố thay vì vào chợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc quản lý gặp khó khăn.

Chợ tự phát làm lòng TT tan nát

Không chỉ đồ la, đồ xổ tấn công chợ mà thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều chợ tự phát cạnh những chợ truyền thống, không chỉ làm ảnh hưởng đến các TT ở chợ chính mà còn gây mất an ninh trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến cho các ngành chức năng gặp khó trong công tác quản lý.

Nhiều năm qua, chợ tự phát ấp Phước Ngươn B (xã Long Phước- Long Hồ) đã ngày một “nở” hơn với trên 30 hộ mua bán.

Đáng nói là hầu hết những người buôn bán nơi đây đều biết việc lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để buôn bán là sai nhưng họ vẫn làm, “vì miếng cơm manh áo”- một người giải thích.

Có cung có cầu, vậy nên ngày càng có nhiều người đến chợ này để mua sắm, dù chợ chính đã được xây dựng khang trang cách đó không xa. Chợ tự phát vì thế cứ mọc ra.

Tương tự, chợ Tân Bình (Bình Tân) cũng đang bị chợ tự phát- cách đó vài trăm mét- làm cho teo tóp. Trong khi điểm chợ tự phát ấp Tân Hậu luôn tấp nập người mua, kẻ bán tràn ra cả vỉa hè, lòng đường thì TT trong chợ lại lâm cảnh khốn đốn. Trước kia có mấy chục hộ buôn bán nhưng giờ chỉ còn lác đác vài hộ, bán cầm chừng.

Là người bám chợ lâu nhất, cô Võ Thị Kim Anh- bán tạp hóa chợ Tân Bình- rơm rớm nước mắt: “Chợ này tồn tại mấy chục năm rồi, lúc trước xôm tụ lắm. Nhưng từ khi có chợ tự phát hút hết khách, tới giờ tôi không mua bán gì được hết. Có ngày không bán được đồng nào, vốn chôn đó, không có tiền mà lấy hàng thêm”.

Chợ được đầu tư nhà lồng, nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy hẳn hoi, nhưng ngày càng thêm nhiều người “có mới nới cũ” nên chợ ngày càng xuống cấp, xập xệ hơn.

Trong khi đó, tại điểm chợ tự phát Tân Hậu, đã có nhiều người bỏ chợ ra đây để mua bán. Chị Trần Thị Thu Thảo- bán rau củ cho hay: “Tui bán trong chợ gần 20 năm rồi, bỏ ra đây cũng thấy tiếc lắm chứ mà trong đó ế quá, giao thông không thuận tiện đâu có mấy người mua nên đành phải chạy ra đây”.

Về vấn đề chợ tự phát ở xã, ông Đinh Bá Khánh Toàn- Phó Chủ tịch xã Tân Bình- cho hay: Điểm chợ ấp Tân Hậu có vị trí thuận lợi, đồng thời xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bán và người mua nên hút khách hơn, trong khi chợ xã cũ thì vắng khách.

Đối với chợ tự phát, xã cũng có lập tờ trình gửi về UBND huyện cũng thống nhất cho chủ trương thành lập chợ ở ấp Tân Hậu.

Qua quá trình thực hiện có họp dân tại điểm chợ truyền thống, phía địa phương cũng có hướng dẫn cho bà con nếu có nhu cầu mua bán khi thành lập khu chợ mới ấp Tân Hậu sẽ bố trí phương án phân lô điểm chợ mới thì bà con đăng ký theo quy định của ban quản lý chợ mới.

Có thể thấy, chợ truyền thống đang chịu sức ép lớn không chỉ từ các kênh phân phối hiện đại mà còn cả kênh “chưa hiện đại”. Dù biết “tiền nào của nấy” nhưng với sự tiện lợi hơn về giao thông, giá rẻ hơn nên đồ la, đồ xổ vẫn đang thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các ban quản lý chợ, nguyên nhân chợ ế cũng có trách nhiệm của TT. Bên cạnh việc vị trí chưa thuận tiện thì hàng hóa không giảm giá, bị cắt xén khuyến mãi, TT chưa đổi mới, chưa năng động cũng là nguyên nhân khiến chợ truyền thống càng yếu thế.

Chú Bùi Thành Bé- Phó Ban Quản lý chợ Hựu Thành- cho hay: Bên cạnh nguyên nhân bán chậm do vị trí mặt bằng khuất thì TT cũng cần xem lại chất lượng hàng hóa, giá cả, thái độ bán hàng…

Nếu là hàng tốt, chất lượng, giá cả phải chăng, tiếp đón niềm nở thì dù ở đâu khách cũng sẽ tìm đến. Chứ bán hàng mà “chầm dầm chù ụ” thì ai mà ghé mua”.

Có thể thấy, có nhiều nguyên nhân khiến chợ ngày càng thưa khách, vắng TT... Vậy làm thế nào để chợ tăng sức hút, nâng cao khả năng cạnh tranh trước những kênh phân phối hiện đại? TT thay đổi hay chịu thua? Vấn đề này rất cần sự chung tay nỗ lực của các ngành chức năng lẫn TT.

(Còn tiếp)

Ông Nguyễn Vĩnh Hưng- Trưởng Ban Quản lý chợ Phường 8 (TP Vĩnh Long)

Đối với chợ tự phát thì các ngành các cấp cần chung tay với địa phương và ban quản lý chợ thực hiện vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn để tránh tình trạng thường xuyên phát sinh các chợ tự phát. Về phía người mua sắm thì nên thay đổi nhận thức kiểu thuận đâu mua đó. Người tiêu dùng phải ý thức được vấn đề là hàng hóa này ở đâu, nơi nào bán, nơi nào cung cấp, nguồn gốc xuất xứ có rõ ràng hay không rồi hãy mua về sử dụng.

Bài, ảnh: THẢO LY