Làm gì để chợ truyền thống lấy lại sức hút?

04:07, 05/07/2018

Chợ mới, sạch sẽ, nơi buôn bán thuận tiện là mong muốn của tất cả tiểu thương (TT). Những năm qua, ước muốn của TT trở thành hiện thực: nhiều ngôi chợ mới khang trang đã được xây lên thay thế chợ cũ ọp ẹp. Song niềm vui chưa trọn thì nỗi sầu đã đến. 

Chợ mới, sạch sẽ, nơi buôn bán thuận tiện là mong muốn của tất cả tiểu thương (TT). Những năm qua, ước muốn của TT trở thành hiện thực: nhiều ngôi chợ mới khang trang đã được xây lên thay thế chợ cũ ọp ẹp. Song niềm vui chưa trọn thì nỗi sầu đã đến.

Chợ mới, vị trí thuận tiện nhưng vắng khách, khiến nhiều TT lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí nợ nần, phải bỏ chợ, bỏ nghề. Nguyên nhân do đâu? Làm sao để chợ có sức hút, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn để song hành cùng các kênh phân phối hiện đại trên đường phát triển?

Vấn đề không chỉ ở quy hoạch chợ sao cho hợp lý mà hơn hết là TT cũng cần phải thay đổi, biết nhìn nhận lại vị thế của mình để năng động hơn trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Kỳ 1: Chợ mỗi năm mỗi vắng

Phấn khởi, hào hứng vì được vào nhà lồng chợ mới, nhiều TT hy vọng sức mua cũng sẽ vèo vèo tăng theo. Ấy mà vui mừng chưa được bao lâu thì rầu lo lại kéo đến khi mà sức mua ngày càng giảm, khách thưa dần, thưa dần…

Chợ vắng khách, tiểu thương thêu tranh, chơi game.
Chợ vắng khách, tiểu thương thêu tranh, chơi game.

“Đẹp mà ế”

Trong những năm qua, nhiều chợ mới khang trang đã mọc lên thay cho chợ cũ, chợ tạm ọp ẹp, mất vệ sinh, kém mỹ quan. Những ngày đầu vào chợ, TT nào cũng vui mừng vì “có nhà lồng chợ sạch đẹp, có chỗ che mưa che nắng, an toàn,
vệ sinh”.

Vào chợ mới được gần 4 năm, cô Lê Thị Bích Thủy- bán đồ nhựa gia dụng (chợ Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) cho hay:

“Hơn 20 năm bán ở chợ cũ ọp ẹp giờ chuyển sang chợ mới sạch sẽ, thuận đường đi, quầy tôi mặt tiền nên nhiều người biết đến hơn.

Chứ chợ mà trẹo đường một chút là khách vắng hoe hà. Qua chợ này, tôi thấy sức mua cũng ổn định hơn”.

Không riêng gì cô Thủy, nhiều TT ở chợ mới như chợ Hiếu Phụng (Vũng Liêm), chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), chợ Hựu Thành (Trà Ôn) cũng đều hớn hở- vào thời gian đầu.

Không còn lo ngập, cô Mai Thị Kim Loan- chợ bách hóa mới thị trấn Cái Nhum- cho hay:

“Trước đây nước ngập, chợ lại xập xệ nên không dám lấy đồ nhiều, giờ yên tâm có hệ thống thoát nước, chợ đẹp, tiện nghi hơn, đường đi cũng thuận tiện, thoáng mát hơn”.

Có thể thấy, việc xây chợ mới đã đáp ứng sự mong mỏi của TT và người dân, bởi: chợ mới rộng rãi, đi lại thuận tiện, mua hàng cũng dễ hơn, chợ mới vầy ai mà hổng thích!

Tuy nhiên, niềm vui chưa bao lâu thì TT đã phải chịu cảnh chợ “đẹp mà ế”! Chợ ảm đạm, TT bỏ quầy là tình trạng của không ít chợ từ thành thị đến thôn quê.

Sức mua ở nhiều chợ mới đã giảm đáng kể khiến TT khốn đốn, lao đao, nhiều người “ở trong nhà mới” mà cười ra nước mắt, đứng ngồi không yên.

Nhiều TT cho hay, sức mua đã giảm 50- 60%, nên không ít TT phải bỏ quầy, sang sạp, tìm nghề khác mưu sinh.

Người mua, kẻ bán nay đâu?

Nhiều tiểu thương cho hay, cả buổi sáng không bán được gì.
Nhiều tiểu thương cho hay, cả buổi sáng không bán được gì.

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều chợ là tình trạng buôn bán ế ẩm. Theo nhiều TT, tình trạng này kéo dài nhiều năm nay tuy nhiên trong khoảng 2 năm qua càng tiêu điều hơn.

Đến chợ Hiếu Phụng (Vũng Liêm) gần 9 giờ sáng, trời đẹp- “khung giờ vàng” lẽ ra sẽ có nhiều người mua bán. Ấy vậy mà hoàn toàn ngược lại.

Trong chợ chỉ có TT và TT. Thấy tôi vào chợ, TT nhanh nhảu hỏi han “muốn mua gì, tìm gì, xem hàng nè cưng!”

Trong khi đó, cũng có TT đang thong thả ăn sáng hoặc chẳng buồn ngước lên nhìn.

Chị Loan- bán dụng cụ học tập, ba lô, túi xách- thở dài nói: “Em thấy đó, sáng giờ chỉ có 2-3 người đi vào chợ mà chỉ xem thôi. Mở cửa từ 7 giờ sáng mà tới giờ gần 10 giờ vẫn chưa bán được gì”.

Chị Loan tâm sự: Chợ mới xây vài năm nay, đẹp nhưng vào chợ mới nhiều chi phí phát sinh: nào thuế, phí vệ sinh, phí thuê quầy... “Ý là quầy tôi cũng 2 mặt tiền mà còn không khách nào ngó tới.

Chợ này không có chỗ giữ xe nên người dân thấy chỗ nào tiện thì ghé vào mua thôi. Chợ này từ khi thành lập đến nay thì bán “đầu chắc đầu lép”, mấy quầy đầu chợ với rìa rìa còn bán lai rai chứ phía trong là thua luôn”- chị Loan buồn buồn.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ- Phó Ban Quản lý chợ Hiếu Phụng- cho biết: Chợ có 3 khu với hơn 116 quầy, trong đó khu nông sản có 110 hộ kinh doanh. Hiện nay khu chợ may mặc, quần áo may sẵn bán chậm hơn trước. Lúc đầu nhiều hộ đăng ký bán nhưng sau khi bán một thời gian thì sang lại.

Chợ thị trấn Vũng Liêm một chiều vắng khách, 3 giờ chiều đã dọn hàng, đóng cửa.
Chợ thị trấn Vũng Liêm một chiều vắng khách, 3 giờ chiều đã dọn hàng, đóng cửa.

Thảm hơn, chợ thị trấn Vũng Liêm- chợ huyện- không chỉ thưa người mua mà còn vắng người bán. Hơn 2 giờ chiều sau cơn mưa nhỏ, tại tầng 1 khu chợ bách hóa, số quầy bán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có gần 20 quầy đóng cửa, chợ nhưng để nào là bàn ghế hư, biển báo, sắt vụn..., dưới nền gạch cũng xuống cấp, nhiều chỗ đọng nước mưa khiến khu chợ càng thêm nhếch nhác.

Đang lau bụi lố quần áo, cô Năm Hồng- bán quần áo gần 30 năm- rầu rầu nói: “Hơn 10 năm bán ở khu chợ này chưa khi nào ế ẩm như 2 năm nay. Từ sáng tới giờ, chưa bán được cái nào hết.

Rầu quá, riết đâu có dám lấy hàng mới, vì hàng cũ còn nhiều quá, vốn chôn đó, giờ đâu có vốn lấy hàng.

Giờ tầng này chỉ còn 3 quầy bán vải, 1 quầy may quần áo, 3 quầy bán quần áo may sẵn, mà ai cũng “ngất ngư”. Như vậy hoài riết chắc bỏ nghề quá!”

Đến chừng 3 giờ chiều, TT đã lui cui dọn hàng vào vì “có ai mua đâu mà bán nữa, dọn ra dọn vô, bày bán cho đỡ nhớ nghề…”

Trưởng Ban quản lý chợ thị trấn Vũng Liêm Nguyễn Văn Tươi cho hay: Chợ có 5 khu với khoảng 500 hộ cố định, 200 hộ mua bán vãng lai, nhà vườn.

Năm nay chợ bán chậm hơn, số lượng TT có giảm nhưng không nhiều. Trong đó, bà con trên nhà lồng chợ không còn bán được, gặp rất nhiều khó khăn.

Về lâu dài có thể các hộ này sẽ nghỉ hết. Một số hộ mong muốn xuống lầu bán nhưng hiện ở dưới lầu chỉ còn những chỗ không thuận tiện, nên nếu xuống thì TT cũng sẽ khó bán.

Tương tự, chợ Song Phú (Tam Bình), chợ Hựu Thành (Trà Ôn), chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cũng cùng chung số phận: vắng khách thưa người!

Đến chợ, hầu như buổi nào cũng bắt gặp TT ngồi chơi xơi nước: người chơi game, người thêu tranh chữ thập, có người còn “thảnh thơi” ngủ!

Vì lý do nào chợ đẹp, sạch, vị trí thuận tiện mà TT lại rầu rĩ, thở than như vậy? Do quy hoạch chợ chưa trúng hay do TT không còn mặn mà với chợ?

(Còn tiếp)

Theo BCĐ Phát triển và quản lý chợ năm 2017, toàn tỉnh xây dựng phát triển mới và nâng cấp sửa chữa 18 chợ (chợ Phường 3, Cầu Lầu, Phước Thọ, Phường 9, Trường An (TP Vĩnh Long); chợ Phú Quới, Long Hiệp, Thanh Đức, Long Phước (Long Hồ); chợ thị trấn Trà Ôn, xã Trà Côn (Trà Ôn); chợ Ba Phố- xã Bình Ninh, Long Phú (Tam Bình); chợ Cái Nhum, Mỹ An (Mang Thít); chợ Hiếu Nhơn, Hiếu Phụng, Quới Thiện (Vũng Liêm) và sửa chữa, nâng cấp trang bị phòng cháy chữa cháy cho một số chợ với tổng số vốn đầu tư 20,08 tỷ đồng và phát triển mới 1 trung tâm thương mại (chi nhánh Vĩnh Long- Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincomerce).

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 115 chợ, gồm: 1 chợ hạng 1; 17 chợ hạng 2; 97 chợ hạng 3 và chợ tạm, 8 siêu thị.

Bài, ảnh: THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh