Với thực tế nhiều người ít có thời gian đi mua sắm, các hình thức dịch vụ mua bán tận nơi xuất hiện mạnh mẽ, trong đó có "chợ di động" và "chợ online". Đây trước hết là kế sinh nhai cho người bán, còn sau đó là vì sự tiện dụng cho người dùng.
Với thực tế nhiều người ít có thời gian đi mua sắm, các hình thức dịch vụ mua bán tận nơi xuất hiện mạnh mẽ, trong đó có “chợ di động” và “chợ online”. Đây trước hết là kế sinh nhai cho người bán, còn sau đó là vì sự tiện dụng cho người dùng.
“Chợ di động” của cô Ca Thị Dễ đã quen thuộc với nhiều bà nội trợ. |
Những chiếc xe chở “chợ”
Nếu những chiếc ghe, xuồng bán hàng chầm chậm trên sông từng “vang bóng một thời” thì ngày nay, chiếc xe bán hàng tận tụy lăn bánh khắp mọi nẻo đường dần trở nên thân thuộc với bà nội trợ.
Những chiếc xe đủ kiểu dáng, từ tận dụng xe ba gác cũ đến chỉn chu như xe bán hàng, được kéo hoặc đẩy đựng cả “chợ mi ni”. Trên xe, người bán bày đủ loại từ miếng thịt, con cá cho đến bó rau, cọng hành, nhúm ớt.
Cô Ca Thị Dễ (ấp Tân Quới Đông, xã Trường An- TP Vĩnh Long) gắn bó với “chợ di động” đã hơn 10 năm. Từ 4 giờ khuya, cô Dễ đẩy xe bắt đầu một ngày mưu sinh.
“Tui bán xe đồ rẫy này cũng bữa đực, bữa cái nhưng nhờ mối quen ủng hộ. Nhiều người không có thời gian ra chợ thì người ta đợi xe lại mua cho tiện”- cô chia sẻ.
Dù vất vả nhưng cô Dễ chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Gắn bó chục năm, mỗi sáng dù mưa hay nắng người dân ở khu vực đều thấy cô Dễ cần mẫn đẩy xe đem “chợ” đến nhiều người.
Là “mối mua hàng” gần 10 năm của cô Dễ, cô Ngô Thị Kim Phượng cho biết cứ tầm 7 giờ 30 phút là xe đẩy của cô Dễ đã đến trước cửa nhà.
Hai con đi làm cả ngày, cô Phượng vừa giữ cháu vừa lo cơm nước. Nhờ vào xe hàng này mà cô Phượng “dễ thở” hơn. Cô Phượng nói: “Hồi trước, sáng là phải chạy ra chợ nên lu bu lắm.
Giờ có “chợ” của bà Dễ nên đỡ công đi lại”. Bán đủ mặt hàng, người bán tính tình dễ chịu, giá cả “phải chăng” nên cô Phượng quyết định ủng hộ.
Nhờ những “chợ di động” này, nhiều bà nội trợ vừa có thời gian chăm nom con cháu mà vẫn chu tất bữa cơm gia đình.
Đi “chợ online”
Hàng hóa của “chợ online” thường được bán với hình ảnh bắt mắt và giá cả công khai. |
Bên cạnh “chợ di động” trên xe dành cho các bà nội trợ thì những người trẻ hiện đại có một thói quen mua sắm mới- “chợ online”.
Bán đầy đủ các mặt hàng thực phẩm, vật dụng gia đình,… những “chợ online” được hình thành trên mạng xã hội ngày một nhiều.
Với “chợ online”, người dùng không cần phải rời khỏi nhà cũng có thể xem hàng và mua được tất cả thứ mình cần như đi dạo trong một chợ khổng lồ ảo.
Không giới hạn về thời gian lựa chọn sản phẩm, giao đến tận nhà, giá cả cạnh tranh, nhiều hàng hóa để lựa chọn,… là những ưu điểm khiến nhiều người chuộng hình thức mua sắm này.
Chị Lưu Yến Nhi (Phường 4- TP Vĩnh Long) vui vẻ nói: “Tôi mua hàng online cũng được 3 năm rồi và tương đối hài lòng. Mua hàng online tiện lợi, có nhiều mặt hàng và nhãn hiệu để lựa chọn. Và nhất là không cần mất thời gian đội nắng, đội mưa đi chợ”.
Là chủ một “chợ online” nho nhỏ bán rau củ, trái cây và thực phẩm nhà làm được 4 năm, bạn Nguyễn Ngọc Duyên (thị trấn Tam Bình) chia sẻ: “Khi học đại học, tôi nhận thấy rằng mạng xã hội đang tạo ra sự dịch chuyển lớn trong thói quen mua sắm.
Người trẻ có xu hướng thích mua hàng online vì tính tiện lợi. Vì vậy, tôi quyết định đem đến sự tiện lợi cho khách hàng”.
Những thực phẩm trong “chợ online” của Duyên được nhiều người biết đến và ủng hộ vì chất lượng “y như quảng cáo”.
Duyên cho biết thêm: “Giờ nhiều người lo lắng về chất lượng cũng như giá cả thực phẩm. Mình luôn lấy phương châm bán hàng uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý làm đầu”.
Mặc dù “chợ online” vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm như số lượng hàng hóa chưa nhiều, các mặt hàng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chất lượng đảm bảo hình ảnh quảng bá mặt hàng chưa cải thiện, quá trình giao- nhận nhiều lúc còn bất cập,…
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, “chợ online” đóng một vai trò quan trọng trong thói quen mua sắm của người Việt, đặc biệt là những người trẻ.
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin