Định hướng phát triển tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020

Sẽ phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường

Cập nhật, 12:58, Thứ Năm, 03/05/2018 (GMT+7)

Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 12 về thực hiện các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020.

Theo tinh thần của nghị quyết này, Vĩnh Long sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Đường về nông thôn hôm nay. Trong ảnh: Đường nông thôn mới ấp Hồi Lộc (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn). Ảnh: DƯƠNG THU
Đường về nông thôn hôm nay. Trong ảnh: Đường nông thôn mới ấp Hồi Lộc (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn). Ảnh: DƯƠNG THU

Khai thác lợi thế chưa tương xứng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010- 2015), nhờ huy động tốt các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội, Vĩnh Long đã đạt trình độ phát triển “trung bình khá” của vùng ĐBSCL.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển kinh tế của tỉnh luôn gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng sự phát triển của tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định. Đó là chưa có sự tập trung cao để tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, sự phát triển của 3 trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường) chưa hài hòa.

Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững và đang có xu hướng chậm dần, chưa có nhiều ngành, lĩnh vực đem lại giá trị tăng cao.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu, một hạn chế nữa là việc khai thác lợi thế của Vĩnh Long tuy được thực hiện trong một thời gian dài nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng.

Cụ thể, môi trường đầu tư dù được cải thiện nhưng chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để khuyến khích khởi nghiệp, chưa tạo ra bước đột phá và nét mới so với các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, có dấu hiệu tụt hậu trong thu hút đầu tư so với một số tỉnh có quy mô, điều kiện địa lý tương đồng.

Từ những nhận định như trên, nguyên nhân chính được Tỉnh ủy xác định do hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn yếu kém và thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự gắn kết để phát huy tiềm năng giao thương, trung tâm luân chuyển, phân phối hàng hóa đến các tỉnh giáp ranh cũng như phát huy lợi thế vận chuyển đường thủy do sông Tiền và sông Hậu mang lại.

Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư chưa có sự khác biệt, hấp dẫn; công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh… cũng là những rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển đi lên của tỉnh thời gian qua.

Vĩnh Long sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Vinh Hiển
Vĩnh Long sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Vinh Hiển

Hướng đến nền kinh tế xanh

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, theo nhận định của Tỉnh ủy, trước sức ép của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vai trò liên kết vùng giai đoạn này sẽ được chú trọng nhiều hơn.

Vì thế, rất cần phải phát huy lợi thế so sánh vùng cho tăng trưởng. Việc phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mekong sẽ tác động đến khu vực ĐBSCL và Vĩnh Long trong phát triển nông nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu, từ những nhận định trên Vĩnh Long sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động trong hội nhập kinh tế, quốc tế.

Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp quan trọng là về kinh tế, xã hội và môi trường.

Về kinh tế, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước thực hiện tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Song song đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Về xã hội, tỉnh gắn kết phát triển kinh tế với giảm nghèo, cải thiện điều kiện, thu nhập, mức sống, thụ hưởng văn hóa và giảm bất bình đẳng của các tầng lớp dân cư.

Về môi trường, tập trung quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng.

Ngoài ra, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm chất lượng môi trường sống của người dân.

Tỉnh sẽ quan tâm phát triển hài hòa, bền vững giữa các địa phương; phát triển kinh tế đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có 49 xã (55% tổng số xã) và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Kết nối thông suốt về kinh tế, xã hội và môi trường giữa thành thị và nông thôn; đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý nhằm tạo sự phát triển bền vững ở cả nông thôn và thành thị.

BÙI THANH

TIN LIÊN QUAN