Tăng cường quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử

06:04, 30/04/2018

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 5/3/2018 về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long". 

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 5/3/2018 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nộp thuế trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT; tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT; tạo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Sự cần thiết của đề án

Theo ghi nhận của Cục Thuế tỉnh, tại Việt Nam, hình thức kinh doanh qua các trang mạng xã hội đang có tốc độ tăng trưởng rất cao. Đây là thách thức với cơ quan thuế trong việc quản lý thu đối với hình thức kinh doanh này.

Điển hình, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoạt động kinh doanh TMĐT phát triển sớm nhất, có doanh thu cao nhưng tiền thuế mà tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách nhà nước lại không tương ứng với doanh thu thực tế. Vì vậy, thời gian qua, sau công tác thanh tra- kiểm tra, ngành thuế đã truy thu hàng tỷ đồng.

Về cơ bản, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT đều phải đăng ký và nộp thuế nhưng việc quản lý thuế rất khó khăn cho tính chất đặc thù của loại hình kinh doanh này. Việc quản lý các hoạt động kinh doanh trong thời đại công nghệ số, rõ ràng không thể một mình cơ quan thuế có thể làm được, mà rất cần sự phối kết hợp của tất cả các ban, ngành có liên quan.

Riêng ở Vĩnh Long, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp- PTNT đã xây dựng Sàn giao dịch TMĐT, các website chuyên biệt cho phép các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm miễn phí, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ngoài ra, việc mua bán trên các trang mạng xã hội cũng ngày càng phát triển. Việc xác định có bao nhiêu tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh TMĐT, ngành thuế phải quản lý, thu thuế bao nhiêu đối tượng là chưa thể thống kê một cách chính xác và các cơ quan chức năng chưa có giải pháp quản lý nào thật sự hiệu quả.

Vì thế, ngành thuế tỉnh đã xây dựng đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”, nhằm tăng cường công tác quản lý thuế, triển khai việc quản lý thu thuế đối với người nộp thuế trên địa bàn tỉnh, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo được sự bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh TMĐT theo quy định và đạt hiệu quả.

Việc xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cần thiết.

Theo đó, đề án xác định 3 đối tượng đưa vào diện quản lý là: doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT hoặc có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Vĩnh Long; cá nhân cư trú tại Vĩnh Long có hoạt động kinh doanh TMĐT có tổng doanh thu từ các loại hình kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng.

Kinh doanh TMĐT là gì?

Hoạt động kinh doanh TMĐT là sự mua bán, trao đổi hàng hóa hay dịch vụ được tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

TMĐT đã và đang được các tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng như một kênh bán hàng chính, bởi những tiện ích và tiết kiệm chi phí, sản xuất, bán hàng, tiếp thị, quảng cáo và rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm, liên lạc với đối tác “xuyên biên giới” dễ dàng, thuận lợi hơn.

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã có thông báo về việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Theo đó, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT, thuế TNDN và quản lý thuế.

Nghĩa vụ của người nộp thuế, là phải: đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.

Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế…

Mặt khác, người có hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn.

LÝ AN- VĂN SOANG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh