Tuyên bố của lãnh đạo các nền kinh tế APEC

Cập nhật, 05:07, Thứ Bảy, 11/11/2017 (GMT+7)

Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam: Xây dựng một Châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng 

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

 

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các mục tiêu Bô-go vào năm 2020.

Đẩy mạnh hợp tác công- tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Đặc biệt, tại diễn đàn này, tôi kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để các nền kinh tế và người lao động thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới.

Quan tâm đầu tư vào con người chính là để củng cố đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại, đầu tư về dài hạn. Đây chính là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tận dụng những cơ hội của toàn cầu hóa và mở rộng đầu tư, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực- nước- năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, Quý vị cũng như hàng triệu doanh nghiệp khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một Châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ: Một tầm nhìn về khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương rộng mở và tự do

 

Phát biểu tại APEC ở Đà Nẵng chiều 10/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trước và mong muốn thương mại cân bằng giữa các nước, về tự do và mở cửa kinh tế.

 

Mở đầu bài phát biểu, ông D. Trump chia sẻ những mất mát mà người dân Việt Nam phải hứng chịu sau cơn bão Damrey.

Tổng thống D, Trump ca ngợi công cuộc chuyển đổi kinh tế của nhiều quốc gia Châu Á như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, khẳng định Hoa Kỳ luôn là một đối tác năng động của Châu Á- Thái Bình Dương kể từ khi lập quốc. “Chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị nhưng không mơ về sự thống trị”, ông nhấn mạnh.

Về thương mại, ông D. Trump cảnh báo về những hành động “đối xử không công bằng với Hoa Kỳ”, cho rằng sẽ không tiếp tục dung thứ những phương thức kinh tế hay thương mại bất bình đẳng.

“Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn, chúng tôi sẽ đối đầu với những thủ đoạn ép buộc các doanh nghiệp trao công nghệ cho Nhà nước và buộc họ phải tham gia và các liên doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường”, ông Trump nhấn mạnh.

Ông khẳng định những nước tuân thủ luật chơi sẽ trở thành đối tác kinh tế gần gũi nhất của Hoa Kỳ. “Những ai không làm được như vậy có thể chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ cho những hành động vi phạm, lừa gạt hay xâm lược kinh tế. Những ngày đó đã qua rồi”, ông nói.

Ông Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ ký kết các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia Ấn Độ- Thái Bình Dương tuân thủ quy tắc thương mại công bằng và có đi có lại.

Cho rằng Triều Tiên “đang có những bước đi nguy hiểm”, ông Trump kêu gọi các nước cần đoàn kết, không được để người dân và khu vực bị “tống tiền hạt nhân”.

Ông khẳng định các nước cũng phải tôn trọng pháp quyền, quyền cá nhân, tự do hàng hải và hàng không. 3 nguyên tắc này tạo ra ổn định, tôn trọng, an ninh, thịnh vượng. Ông Trump kêu gọi xử lý những mối đe dọa an ninh, buôn lậu, ma túy, tham nhũng, tội phạm mạng và bành trướng đất đai.

Nhắc đến Hai Bà Trưng, Tổng thống D. Trump nói rằng họ đã thức tỉnh tinh thần người dân Việt Nam. “Những người yêu nước trong lịch sử nắm giữ những câu trả lời cho tương lai của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta ta là ai, nhắc nhở những gì chúng ta làm”, ông nói.

“Chúng ta có sức mạnh để nâng người dân và thế giới lên những tầm cao mới. Hãy chọn tương lai của lòng yêu nước, thịnh vượng, không nghèo đói. Hãy chọn một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, mở cửa”, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh.

Tập Cận Bình, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa: Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung

 

Ông Tập Cận Bình cho rằng Châu Á- Thái Bình Dương phải hợp tác với nhau, thúc đẩy nền kinh tế mở cửa để có một tương lai tươi sáng hơn. Mở cửa mang lại tiến bộ, đóng cửa sẽ bị bỏ lại phía sau.

 

Thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc trong quản trị kinh tế toàn cầu. Môi trường kinh tế thay đổi, mô hình quản trị kinh tế toàn cầu cần thay đổi tương ứng.

Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung, thông qua xây dựng, phát triển các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người.

Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình ngoại thương từ số lượng sang chất lượng, phát triển thể chế, văn hóa để tạo ra động lực mới cho phát triển Trung Quốc đã theo đuổi chính sách lấy con người làm trung tâm phát triển, để nó bao trùm và có lợi cho tất cả.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định “Vành đai, Con đường” sẽ khiến kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương rộng mở hơn.

Thế giới cần phát triển sáng tạo, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, tránh tình trạng gián đoạn, duy trì phát triển dựa trên đổi mới, cách mạng công nghiệp, kinh tế số và chia sẻ toàn cầu, đột phá trong kỹ thuật mới như trí thông minh nhân tạo. Chúng ta không thể đứng ngoài nhìn, cần nắm lấy cơ hội, đổi mới, loại bỏ những hàng rào….

Theo Chủ tịch Trung Quốc, khu vực cần chủ động thích nghi phân chia lao động, nâng cấp kinh tế, ủng hộ thương mại đa biên, chủ nghĩa khu vực mở để các nước đang phát triển cũng hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại và đầu tư toàn cầu.

Rodrigo Duterte Tổng thống Philippines: Cùng chung tay kiến tạo một khu vực “kết nối và hội nhập toàn diện”

 

Tổng thống R. Duterte cho rằng, cũng giống như các cơ chế hợp tác khác như ASEAN, APEC là điểm tựa vững chắc để thúc đẩy hội nhập hơn nữa thương mại liên khu vực và trong khu vực, thúc đẩy đầu tư và kết nối con người giữa các khối kinh tế trên toàn thế giới.

Ông cũng cho rằng vì khu vực Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình Dương còn những khác biệt lớn nên một hệ thống cơ sở vật chất ổn định, gắn kết và hội nhập nên được coi là “xương sống” tạo tiến bộ chung.

 

Ngoài những mối gắn kết về vật chất, Tổng thống Philippines cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC tiếp tục thúc đẩy kết nối con người như một chính sách phát triển và tăng trưởng chủ chốt.

Ông cũng đề xuất các nền kinh tế thành viên áp dụng “Mô hình doanh nghiệp đồng nhất”, kiến tạo một môi trường mà tất cả đều có cơ hội phát triển, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp yếu kém hơn và coi đây là một công cụ giúp khai thác đầy đủ tiềm năng của quá trình toàn cầu hóa.

PV (tổng lược)