Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân- vẫn bài toán khó

06:12, 15/12/2016

Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này vẫn là bài toán khó.

Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này vẫn là bài toán khó.

Một khu nhà ở cho công nhân, viên chức, người có thu nhập thấp đã bán hết.
Một khu dân cư có hạ tầng hoàn chỉnh.

“Lỡ” mua nhà ở xã hội

Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 3/2016, dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ các đối tượng khách hàng của chương trình hỗ trợ về nhà ở gói 30.000 tỷ đồng, nhiều người đã mua nhà trong các dự án nhà ở xã hội chờ hoàn tất thủ tục và chưa ký được hợp đồng vay vốn với ngân hàng, rất lo lắng khi gói tín dụng hỗ trợ này dừng lại.

Anh Tú- người mua nhà ở xã hội trong khu nhà ở (Khóm 2, Phường 3- TP Vĩnh Long) không khỏi hoang mang: “Tụi tui là lao động thu nhập thấp mới mua nhà ở xã hội, nếu không được vay gói lãi suất hỗ trợ thì rất khó trả nợ”. Năm ngoái, anh Tú mua căn nhà với giá trên 600 triệu đồng.

Trước khi làm thủ tục mua, anh cung cấp đầy đủ thông tin thu nhập bản thân và được nhân viên công ty cho hay đủ điều kiện mua nhà theo gói tín dụng ưu đãi. Khoảng tháng 12/2015, anh cung cấp đầy đủ giấy tờ cho phía công ty để làm thủ tục, hợp đồng cũng như ký kết ngân hàng vay theo gói hỗ trợ và dọn vào ở.

Nhưng đến khoảng tháng 3/2016 (thời gian kết thúc gói 30.000 tỷ), anh nhận được thông báo từ phía công ty là anh không tiếp cận được gói hỗ trợ này, với lý do... “không làm kịp hồ sơ”.

Đồng thời, phía doanh nghiệp yêu cầu anh phải thực hiện theo gói hỗ trợ lãi suất chỉ 5 năm (thay vì 15 năm theo gói 30.000 tỷ) của công ty, còn không chấp thuận thì... trả lại nhà.

“Phần hỗ trợ lãi suất công ty sẽ trả hàng quý, tui phải trực tiếp đến công ty lấy tiền. Quá bức xúc nên dù nhiều lần thương lượng nhưng đến nay vẫn bất thành”- anh Tú nói.

Tương tự, anh N.M.T cho biết đã ký hợp đồng mua nhà với công ty và dọn vào ở từ tết rồi, đến nay ngân hàng tới thẩm định nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng vay vốn.

Một nghịch lý là theo hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên thì ngân hàng sẽ thẩm định cho vay theo tiến độ xây dựng. Và khi khách hàng dọn vào ở thì xem như việc vay vốn đã hoàn tất.

Tuy nhiên, thực tế từ 2 hợp đồng nêu trên không đúng như vậy, họ không ký bất kỳ gói vay nào với ngân hàng trong suốt quá trình xây dựng nhà.

Vì thế, khi được thông báo không được tiếp cận gói hỗ trợ đã gây ra sự bức xúc của khách hàng.

Nhất là với khách hàng đã cung cấp hồ sơ cho công ty đầy đủ từ trước thời điểm gói 30.000 tỷ hết hạn nhưng không biết lý do gì không được hỗ trợ!?

Đại diện doanh nghiệp chỉ giải thích “do yếu tố khách quan chứ phía công ty cũng không muốn” và đưa ra phương án hỗ trợ lãi suất 5 năm cho khách hàng.

Tuy nhiên, một số khách hàng không đồng ý phương án này, vì thời gian hỗ trợ lãi suất đã bị rút ngắn 2/3 và còn phải đến công ty nhận tiền hỗ trợ lãi theo hàng quý, để trả cho ngân hàng.

Chính sự “chưa gặp nhau” này mà hơn 1 năm qua vụ việc mua “nhà ở xã hội” vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn.

Nhu cầu bức thiết

Một khu nhà ở cho công nhân, viên chức, người có thu nhập thấp đã bán hết.
Một khu nhà ở cho công nhân, viên chức, người có thu nhập thấp đã bán hết.

Tỉnh Vĩnh Long có 2 khu công nghiệp và 1 tuyến công nghiệp. Trong những năm qua, việc đầu tư nhà ở cho người lao động phục vụ cho các khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, Ban Quản lý Các khu công nghiệp Vĩnh Long kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động tại Khu tái định cư Hòa Phú (khối 3 dãy chung cư với quy mô khoảng 500 căn hộ).

Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Công ty TNHH Hữu Thuấn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô 12 tầng, có 396 căn hộ, phục vụ trên 2.580 người lao động. Đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Tại Khu công nghiệp Bình Minh, Công ty CP Tư vấn- Thương mại- Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông đã khởi công dự án nhà ở xã hội HQC Bình Minh. Đây cũng là dự án nhà ở xã hội quy mô và đầu tiên của tỉnh.

Vĩnh Long hiện có khoảng 13.300 công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu thuê nhà ở (chiếm khoảng 50% công nhân tại các khu công nghiệp) và dự báo đến năm 2020 là khoảng 36.000 người.

Hiện có 1 dự án nhà ở công nhân do Công ty CP Hòa Phú đầu tư tại Khu công nghiệp Hòa Phú với quy mô 80 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 320 người lao động.

Toàn tỉnh cũng có 3 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang triển khai thực hiện.

Trong đó có 1 dự án đã khởi công xây dựng (dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh với quy mô 1.863 căn hộ), 1 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư (dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú với quy mô 396 căn hộ) và 1 dự án đang kêu gọi đầu tư (dự án nhà ở xã hội Hòa Phú với quy mô 500 căn hộ).

Dự kiến 3 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021 và đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10.800 người lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai 5 dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở xã hội độc lập và nhà ở xã hội trên phần đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị). Dự tính nhu cầu về nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2021 khoảng 2.050 căn dành cho người có thu nhập thấp.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản, anh Nguyễn Thành Sống- Giám đốc Công ty TNHH An Phát- cho biết trong năm qua, thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp có những chuyển động tích cực, nhu cầu là có thật, song sản phẩm ở phân khúc thị trường này tại Vĩnh Long lại có giá không hề rẻ.

Mà giá đất cao là một trong những nguyên nhân đội giá nhà tăng theo, nên sản phẩm làm ra chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng thu nhập thấp.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- NGUYỄN HOÀNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh