Tại Đại hội Doanh nhân trẻ nhiệm kỳ 2016- 2018, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã "đặt hàng" Hội Doanh nhân trẻ nghiên cứu, xây dựng các chương trình khởi nghiệp và hiến kế cho lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện cho người dân khởi nghiệp.
Tại Đại hội Doanh nhân trẻ nhiệm kỳ 2016- 2018, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã “đặt hàng” Hội Doanh nhân trẻ nghiên cứu, xây dựng các chương trình khởi nghiệp và hiến kế cho lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện cho người dân khởi nghiệp.
Bởi đến năm 2018, Vĩnh Long cần có 10.000 doanh nghiệp (DN) để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều DN đã tiên phong đổi mới công nghệ hiện đại. |
Khuyến khích khởi nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung, năm 2015, đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng DN của tỉnh đã không ngừng nỗ lực để phát triển.
Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tham gia ủng hộ quỹ Vì người nghèo…
Riêng Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực, giúp các DN phát triển bền vững với những mô hình mới bước đầu hiệu quả…
Tuy vậy, ông Lê Quang Trung cũng bày tỏ trăn trở rằng đội ngũ DN, doanh nhân cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng còn chưa mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện Vĩnh Long chỉ có 2,7 DN/1.000 dân so với hơn 8 DN/1.000 dân trung bình cả nước.
Bên cạnh, DN ít được đào tạo bài bản mà chủ yếu trưởng thành qua kinh nghiệm, nên còn nhiều hạn chế trong đàm phán, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Vì thế, đánh giá cao vai trò tiên phong của Hội Doanh nhân trẻ trong xu thế hội nhập, ông Lê Quang Trung “đặt hàng” Hội Doanh nhân trẻ nghiên cứu, xây dựng các chương trình, hiến kế để lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện cho người dân khởi nghiệp.
Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng và số lượng DN trên địa bàn tỉnh để đến năm 2018 có ít nhất 10.000 DN.
Với hơn 2.700 DN đang hoạt động của tỉnh, theo TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- thì: “Còn ít. Tất nhiên điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng Vĩnh Long cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh hơn nữa”.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam cho rằng khuyến khích khởi nghiệp là để hình thành các DN mới, tạo ra một lực lượng doanh nhân kế thừa trong tương lai.
Hiện nay, trong nước đang có rất nhiều quỹ khởi nghiệp hỗ trợ, đầu tư các dự án, ý tưởng sản xuất kinh doanh có triển vọng. Riêng Hội Doanh trẻ Vĩnh Long dự kiến tạo nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với kinh phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Hiện nay, “chúng tôi đang tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp của cá nhân, tập thể và tiến hành hỗ trợ qua nhiều hình thức: 100% vốn cho dự án, hoặc hỗ trợ một phần. Chúng tôi cần những dự án mang tính đột phá, triển vọng phát triển lâu dài”- ông Nguyễn Tường Nam nói.
Đánh thức doanh nghiệp
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tường Nam cũng nhìn nhận: “Dường như ý tưởng khởi nghiệp cạn kiệt rồi. Thiếu những thanh niên có máu làm ăn và xốc vác khởi nghiệp”.
Tạm lý giải vì sao “thiếu máu khởi nghiệp”, ông cho rằng, có thể một phần do nền kinh tế Vĩnh Long còn nhỏ chưa tạo động lực, mặt khác nguồn sinh viên từ các trường ĐH có trình độ, kiến thức còn hạn chế nên chưa mạnh dạn.
Có một thực tế, theo ông Nguyễn Tường Nam là: “Thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ gắn với các đoàn thể hỗ trợ một số mô hình thanh niên lập nghiệp, nhưng đó chỉ là hỗ trợ giải quyết vấn đề trước mắt.
Hơn nữa một số phong trào thanh niên địa phương cũng không muốn mạo hiểm, mà chọn những mô hình an toàn như nuôi dế, trăn, lươn,… quy mô gọn, nhỏ và đảm bảo hiệu quả.
Mô hình “được” nhưng không tạo đột phá được. Chúng tôi đang cần có những ý tưởng mạnh dạn, có chiều sâu, định hướng phát triển 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa để đầu tư. Vì với những mô hình “an toàn, đảm bảo hiệu quả”, dù hỗ trợ nhưng cũng “không vui lắm”.
Tại hội thảo về hội nhập gần đây tại Vĩnh Long, lãnh đạo tỉnh mong muốn qua đó “đánh thức” DN, để các DN trong tỉnh nhận thức rõ hơn về thời cơ và thách thức hội nhập.
CEO Đặng Đức Thành- Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế (VEC)- nhấn mạnh: “Trong hội nhập, quan trọng nhất là củng cố đội ngũ DN một cách bài bản. Tại sao TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, đóng góp tới 1/3 thu ngân sách cả nước? Đơn giản thôi, vì họ có tới 140.000 DN, chiếm 1/3 cả nước”.
Lấy ví dụ Thái Lan có 60 triệu dân mà có tới 3 triệu DN, trong khi Việt Nam với dân số 90 triệu người mà chỉ có gần 500.000 DN. Ông Đặng Đức Thành còn cho rằng, địa phương cần có một nghị quyết về phát triển DN, với sự xắn tay vào cuộc của các sở, ngành.
Cùng với đó, theo TS. Võ Trí Thành, với những hiệp định như TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU, có vô số cơ hội cho DN Việt Nam.
Thậm chí, ngay cả với những ngành khó khăn như chăn nuôi, chúng ta vẫn có “cửa sống” nếu biết cách, TS. Võ Trí Thành khẳng định và nhắc đến thành công của một DN nhập bò non Mỹ, Australia… nuôi và bán bò thịt cho thị trường Việt Nam, hiện lên tới vài trăm con mỗi tháng.
“Điều quan trọng cần có trước tiên trong hội nhập là tinh thần tiến công, không được sợ. Các tỉnh- thành khác làm được thì Vĩnh Long cũng làm được”- TS. Võ Trí Thành chia sẻ với DN và lãnh đạo địa phương.
“Kỷ nguyên” của DN nhỏ và vừa Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên khẳng định Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cũng lần đầu tiên nhắc đến kinh tế tư nhân là động lực và xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Nhiều chuyên gia còn nhận định, đây là kỷ nguyên của DN nhỏ và vừa. Và để hiện thực hóa vấn đề này, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành đề án định hướng và giải pháp, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây là đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo văn kiện và quá trình xây dựng luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa sắp tới. |
Bài, ảnh: LÝ AN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin