Thực hiện phát triển bền vững

Cập nhật, 13:46, Thứ Ba, 12/04/2016 (GMT+7)

“Phát triển bền vững (PTBV)- nhân tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp (DN)”- đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Thực hiện mục tiêu PTBV: Cộng đồng DN được hưởng lợi như thế nào từ Chương trình Nghị sự 2030?”

Chương trình Nghị sự 2030 được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/9/2015 với 17 mục tiêu PTBV là một lời kêu gọi các DN tiếp tục giữ vai trò trong hành trình tiến tới một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn.

Chương trình Nghị sự 2030 có thể được coi là một lời kêu gọi đổi mới, cải cách và hội nhập.

Bà Prahit Mehta- Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam- cho rằng, việc thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam đòi hỏi các DN phải tham gia trực tiếp để làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tiêu dùng bền vững, sự thịnh vượng và nền kinh tế phát thải cácbon thấp.

Khi đề cập đến PTBV, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những sáng kiến bảo vệ môi trường hay những hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Ý nghĩa đó không sai nhưng chưa đủ.

Ở một tầng nghĩa sâu rộng hơn, một DN bền vững phải là DN kinh doanh tốt, không chỉ từ kinh tế, môi trường, người lao động mà còn phải tốt về tính lan tỏa tới cộng đồng và xã hội…

Về lâu dài, việc đầu tư cho PTBV sẽ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. DN đạt mục tiêu PTBV sẽ được xã hội công nhận là những “công dân” có ích.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong 30 năm qua, Việt Nam có tăng trưởng về kinh tế nhưng cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường quá lớn- tài nguyên không còn nhiều.

Năm 2015, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất về các vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác hại nặng nề nhất trong tác động của biến đổi khí hậu.

LÝ AN