Nuôi bò, trồng lúa cũng phải học

06:11, 11/11/2015

Trồng lúa thì có cập nhật giống lúa cao sản, chất lượng, cách bón phân phun thuốc; nuôi bò thì có hướng dẫn nuôi bò sinh sản, vỗ béo, cách ủ rơm, làm đá liếm,... 

Trồng lúa thì có cập nhật giống lúa cao sản, chất lượng, cách bón phân phun thuốc; nuôi bò thì có hướng dẫn nuôi bò sinh sản, vỗ béo, cách ủ rơm, làm đá liếm,... Đem nghề cho lao động nông thôn là không hề thừa.

Có nơi, làm được vậy vừa giải quyết được khâu đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp tiết giảm đầu tư chi phí và ô nhiễm môi trường,...

Giảm ô nhiễm môi trường nhờ có nơi chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật dùng xong thế này.
Giảm ô nhiễm môi trường nhờ có nơi chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật dùng xong thế này.

Sản xuất theo kiểu mới

Ông Nguyễn Văn Ren (ấp An Thành Đông, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) có 10 công ruộng và nhà có máy xới, máy suốt. Ông Ren đăng ký tham gia lớp kỹ thuật nông nghiệp trồng lúa do UBND xã Trung Hiếu phối hợp Trung tâm Dạy nghề và giải quyết việc làm Vũng Liêm tổ chức vừa rồi.

Ông kể: “Hồi chưa tham gia lớp này, tui không biết nên mỗi mùa lúa tui xịt tới 5 lần thuốc. Tới hồi học, nghe mấy thầy giảng giải, tui về xịt 3 lần thuốc cho cả vụ thôi, mà hiệu quả vẫn vậy. Tính ra mỗi công lúa tui giảm 60- 70 ngàn đồng tiền thuốc trừ sâu. Giảm 2 lần xịt thuốc/mỗi vụ trên 10 công lúa, tui giảm gần triệu rưỡi”.

“Kỳ rồi tổng kết lớp, tui có mua két bia hùn tiệc, nói là thưởng thầy. Đâu phải cứ quăng phân, thuốc nhiều theo cách hồi xưa giờ làm là tốt đâu. Tốn kém nhiều, nhiều khi còn hại lúa nữa. Giờ canh tác OM 5451, tới mùa là tui áp dụng sạ thưa theo khuyến cáo, quăng phân, xịt thuốc đúng theo hướng dẫn. Lợi nhiều lắm!”- ông Ren đúc kết.

Ông Ren cùng với nhiều nông dân khác thường theo tập quán nghiêng về quăng phân, phun thuốc nhiều. Nhưng nay, có phần thay đổi. Đó là khi đưa vào kỹ thuật mới, khuyến cáo hay từ ngành nông nghiệp. Để làm sao chi phí đầu tư giảm lại ít nhất mà hiệu quả sản xuất vẫn đạt.

Ông Lê Vũ Thanh- công chức văn hóa- xã hội, UBND xã Trung Hiếu- cho biết: Đầu năm đến nay, xã phối hợp phía dạy nghề huyện mở được 2 lớp dạy kỹ thuật canh tác lúa theo yêu cầu của nông dân với 65 người học. Lớp với 30% là lý thuyết, 70% còn lại nông dân áp dụng thực hành ngay trên mảnh ruộng của mình.

“Việc phun thuốc trừ sâu, bón phân giảm 1/3 so trước kia. Và hiệu quả kinh tế: năng suất, sản lượng vẫn đảm bảo”- ông Thanh nhìn nhận.

Ông Lê Văn Dứt- Chủ tịch UBND xã Trung Hiếu- cho biết xã có 1.050ha đất lúa, trong đó 434ha với 664 hộ dân canh tác trong cánh đồng mẫu (chiếm 41,3%).

Qua các lớp cập nhật tiến bộ trong sản xuất lúa, thời gian qua ý thức của bà con đã mới mẻ hơn. “Môi trường trong cánh đồng mẫu được cải thiện hơn do giảm phân thuốc, không phí khi áp dụng bón, phun xịt theo đúng khuyến cáo.

Tiết kiệm giống khi xạ thưa. Lợi nhuận khi sản xuất lúa trong sản xuất cánh đồng mẫu cao hơn so sản xuất bên ngoài...” là những mặt tích cực trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua mà ông Dứt chia sẻ.

Tham gia tái cơ cấu nông nghiệp

Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Vũng Liêm Nguyễn Văn Mười Một cho biết: Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp các địa bàn mở 36 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút hơn 1.000 học viên.

“Năm nay, chúng tôi tập trung sâu vào những nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương”- ông nói.

Hàng năm, trung tâm gửi bảng đăng ký học nghề về UBND các xã để xã phổ biến cho bà con đăng ký. Từ đó, trung tâm xây dựng và trình UBND huyện duyệt kế hoạch dạy nghề cho bà con.

“Hướng này tốt. Tập trung thế mạnh nông nghiệp Vũng Liêm là trồng trọt (lúa, bưởi da xanh), chăn nuôi (bò, gà) thì việc đánh giá hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm dễ hơn. Trên 80% lớp dạy nghề và giải quyết việc làm này được đánh giá hiệu quả”- ông Mười Một cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Khoa- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Vũng Liêm nói, dạy nghề theo nhu cầu và mình đã đáp ứng được nên họ tiếp cận rất nhiệt tình. “Ở lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn người nông dân đang làm, đang sản xuất. Dạy nghề ở đây là đầu tư kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sản xuất để nông dân có thể chuyển đổi từ sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm sang sản xuất theo hướng tiến bộ hơn. Từ đó giúp đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí đầu tư, mà hiệu quả vẫn đảm bảo”- ông Khoa giải thích thêm.

Ông Lê Văn Dứt cho hay trên tinh thần của huyện, địa phương cũng sẽ dần mở rộng diện tích cánh đồng mẫu trong thời gian tới, để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị hạt gạo. Đi đôi với đó là tiếp tục cập nhật, phổ biến kiến thức sản xuất mới, giúp tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả cho
nông dân.

Là địa bàn nông nghiệp và phát triển đi lên dựa vào kinh tế nông nghiệp như Vũng Liêm, có thể từ một vài cách làm hay, mô hình sản xuất tiến bộ được chuyển giao từ ngành nông nghiệp, từ lớp dạy nghề nông thôn sẽ là tác nhân để nhân rộng ra, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn cho nông dân.

 

Giai đoạn 2010- 2015, huyện Vũng Liêm có gần 5.700 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trung bình mỗi năm 1.400 lao động. Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Vũng Liêm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 24% vào năm 2010 lên 37,7% ở năm 2015. Đi đôi là giải quyết việc làm cho 27.620 lao động, bình quân mỗi năm giới thiệu cho hơn 5.500 lao động. Hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được “đo” bằng tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,03%, thì đến năm 2014 giảm còn 3,08%.

 

 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh