Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật, 07:06, Thứ Ba, 10/11/2015 (GMT+7)

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư, những khó khăn thời gian qua của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời, từ đó giúp cho hoạt động của nhiều DN phục hồi, ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh và giúp DN phát triển bền vững, Vĩnh Long tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả, tích cực hơn.

Qua khảo sát, nhiều ngành sản xuất khó khăn do thị trường cạnh tranh gay gắt.
Qua khảo sát, nhiều ngành sản xuất khó khăn do thị trường cạnh tranh gay gắt.

Xuất khẩu gạo nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, tình hình xuất khẩu của tỉnh năm 2015 không nhiều khả quan.

Ngành công thương đã làm việc với các DN, cho thấy khả năng xuất khẩu năm 2015 chỉ vào khoảng 273- 280 triệu USD, thấp hơn năm 2014 và khó đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (330 triệu USD).

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương, xuất khẩu lương thực trong thời gian qua chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Vì thế việc xuất khẩu lương thực có chiều hướng giảm nhanh đã có tác động lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu lương thực đạt 197 triệu USD, năm 2013 đạt 134 triệu USD, năm 2014 đạt 56 triệu USD và 9 tháng năm 2015 ước chỉ đạt 12,7 triệu USD.

Trong tỉnh có 4 công ty tham gia xuất khẩu lương thực, trong đó 3 DN chiếm tỷ trọng lớn là Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long và Công ty Lương thực Vĩnh Long. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của một số DN chế biến xuất khẩu gạo không nhiều thuận lợi.

Từ báo cáo cho thấy, từ năm 2013, hoạt động của Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ, mất khả năng thanh toán vốn vay ngắn hạn.

Qua thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, DN đã được các ngân hàng cơ cấu lại nợ, nhưng không thanh toán được nay đã chuyển sang nợ xấu và hiện DN đang trong quá trình tái cơ cấu.

Còn Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo, cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản không hiệu quả, dẫn đến quy mô ngày càng thu hẹp, thua lỗ kéo dài.

Doanh thu năm 2014 dưới 50% so với năm 2013; 6 tháng năm 2015 chỉ bằng 16% so với năm 2014. Các ngân hàng cũng đã hỗ trợ cơ cấu lại nợ cho DN nhưng tình hình tài chính chưa hết khó khăn.

Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long cho biết, ngành lương thực trong tỉnh gặp khó khăn có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước tình hình khó khăn, công ty kiến nghị sau khi bán một số tài sản thì có thể trả vốn trước và ngân hàng không thu lãi quá hạn. Đồng thời, kiến nghị ngân hàng tiếp tục cho vay vốn giúp DN phục hồi, vì dự báo tình hình xuất khẩu gạo thuận lợi hơn vào năm tới. Trong khi đó, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long cũng kiến nghị được tiếp tục khoanh, giãn nợ.

Do những khó khăn như vậy, theo ông Nguyễn Minh Tho, trong khi ngành lương thực cả nước đang có nhiều tin vui với nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo lớn được ký kết vào 2 tháng cuối năm, nhưng các DN xuất khẩu gạo của Vĩnh Long lại không tận dụng được cơ hội này.

Nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ

Năm 2015, Vĩnh Long tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở Công thương đã phải phối hợp Sở Kế hoạch- Đầu tư khảo sát nắm tình hình DN thuộc các lĩnh vực chế biến lương thực xuất khẩu, chế biến thủy sản, gốm mỹ nghệ, phân bón, xi măng và tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư nhận xét, đợt khảo sát đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN và sẽ sớm trình UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh, ngành đang có kế hoạch phối hợp với ngành công thương và một số ngành hữu quan đưa ra danh mục một số DN trọng điểm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành nghề khác để quan tâm thường xuyên, theo dõi hỗ trợ sát sao hơn.

Theo đánh giá của Sở Công thương, qua khảo sát các DN cho thấy, ngành sản xuất gạch gốm hầu hết vẫn sản xuất bằng công nghệ lò tròn truyền thống, gây ô nhiễm môi trường và thời gian nung kéo dài làm tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh so các lò cải tiến.

Với ngành sản xuất xi măng thì thị trường tiêu thụ bị suy giảm mạnh, chịu sự cạnh tranh gay gắt… nên khó định đầu tư mở rộng sản xuất. Tương tự, thị trường và hệ thống phân phối hạn chế cũng gây khó cho ngành sản xuất phân bón. Còn các DN xuất khẩu quy mô nhỏ bé, cơ cấu mặt hàng chưa đa dạng, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô (nông sản), một số DN chưa có chiến lược dài hạn…

Ngành gạch gốm được đánh giá phục hồi từ việc chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn.
Ngành gạch gốm được đánh giá phục hồi từ việc chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn.

Qua những khó khăn, vướng mắc của DN thì UBND tỉnh, các sở ngành đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc trực tiếp để tháo gỡ. Qua đó, đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy, các khó khăn, kiến nghị của các DN đã được tỉnh giải quyết theo thẩm quyền từng lĩnh vực cụ thể.

Tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời từ đó giúp cho hoạt động của nhiều DN dần phục hồi, ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 

Theo ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN vẫn là nguồn vốn tín dụng. Phần lớn các DN xuất khẩu lương thực trong tỉnh cũng đang gặp khó khăn kéo dài do làm ăn thua lỗ, trong khi ngành chăn nuôi thủy sản gặp khó do giá cả bấp bênh đã kéo theo các DN chế biến thức ăn thủy sản và ngành ngân hàng khó theo. Hiện chỉ một số DN thủy sản nhờ đầu tư khép kín nên “sống được”.

Trong quý IV, ngành công thương đang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN thông qua các đề án khuyến công, chuyển giao công nghệ liên hoàn...

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - TUYẾT HIỀN