Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội 2016

Chỉ tiêu tăng GDP khoảng 6,7%

Cập nhật, 06:59, Thứ Tư, 11/11/2015 (GMT+7)

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004- 2014 là những vấn đề tiếp tục thu hút được quan tâm tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, diễn ra ngày 10/11.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Với 447 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) khoảng 6,7%.

Linh hoạt chính sách tiền tệ, kiểm soát nợ công

Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát năm 2016 là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. 

Quốc hội yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát năng lực, thái độ thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chính phủ phải điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả.

Bên cạnh, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Tiếp tục cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn; xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, kiên quyết xử lý và thu hồi nợ đọng thuế…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu, xử lý sở hữu chéo và nợ xấu. Tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động thực chất, an toàn, hiệu quả theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Càng làm càng đau đầu!

Liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông- lâm trường quốc doanh còn nhiều bất cập, Đại biểu K’sor Phước- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phải thốt lên: “Chúng tôi càng làm càng thấy đau đầu!”

Theo đại biểu K’sor Phước, hiện còn hơn 60% nông- lâm trường cả nước với khoảng 88% diện tích chưa làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông- lâm trường còn chậm và còn căn cứ theo bản đồ chất lượng thấp, không phản ánh chính xác ranh giới sử dụng đất trên thực địa.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đơn vị TP Hà Nội) cho biết, qua giám sát tại nhiều địa phương, trường hợp không có bản đồ, hồ sơ gốc về đất đai sai lệch lớn với hiện trạng, có nơi sai lệch đến hàng trăm hecta.

Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị Chính phủ bố trí đủ ngân sách cho các địa phương thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông- lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) đặt vấn đề, một vài địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất, nhưng không biết do thực tế hay chính quyền chưa nắm được?

“Trong khi dân thiếu đất thì tại các nông lâm trường, thủy điện giao đất thì không hiệu quả. Thiếu đất ở, sản xuất cuộc sống người dân khó khăn, xảy ra mâu thuẫn khiếu kiện, tranh chấp cũng đã xảy ra từ đây!”- đại biểu băn khoăn.

Để quản lý tài nguyên quốc gia hiệu quả, đại biểu Trương Văn Vở (đơn vị tỉnh Đồng Nai) đề nghị, cần hoàn chỉnh hồ sơ địa chính đất đai, lập quy hoạch rồi mới giao cho nông- lâm trường lập kế hoạch sử dụng đất, lập phương án kinh doanh.

Việc đổi mới hoạt động của các nông- lâm trường phải làm thực chất, nghĩa là các đơn vị này cần được quản trị theo mô hình như doanh nghiệp, tránh “bình cũ rượu mới”.

“Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, đất không sử dụng để trả lại cho các địa phương giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc chưa có đất sản xuất quản lý, sử dụng.”- đại biểu Trương Văn Vở đề nghị.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch(đơn vị TP Hồ Chí Minh)

 

Chúng ta đang duy trì cơ chế quản lý đất nông- lâm trường chưa phù hợp.

 

Lâm trường là trồng rừng và bảo vệ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, chứ không phải mục tiêu kinh tế. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, họ nói kiếm chừng 100ha thuê làm là khó khăn, trong khi hàng triệu hecta rừng làm không hiệu quả.

 

Vì vậy, tôi đề nghị không nên đồng hóa chính sách nông trường và lâm trường; thay đổi tư duy mô hình tổ chức, xét toàn thể quá trình đổi mới, đặc biệt là phải giải quyết dứt điểm tình trạng cơ chế mà theo báo cáo là “phát canh thu tô”- cái đó là không thể chấp nhận.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long)

 

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội 2016, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ Vĩnh Long đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực, trí lực gắn xây dựng nông thôn mới và các mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững.

 

Đề xuất ứng phó biến đổi khí hậu bằng việc xây dựng các công trình, phi công trình; đầu tư nguồn lực trong và ngoài nước, bảo vệ môi trường, lưu vực sông; sử dụng nguồn tri thức trình độ cao, tạo điều kiện phát huy đúng mức.

 

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.

Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%.

Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 76%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH