THƯỞNG TẾT:

Người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn

Cập nhật, 08:18, Thứ Năm, 31/01/2013 (GMT+7)

Người lao động luôn mong chờ được thưởng tết trong khi việc này còn tùy vào “sức khỏe” của từng doanh nghiệp. Vì thế, cuối năm thường là thời điểm “nhạy cảm” với các vấn đề lãn công, đình công- khi mà lợi nhuận doanh nghiệp không tỷ lệ thuận với mong muốn của công nhân.

Một thực tế phải thừa nhận là một khi doanh nghiệp gặp khó, đồng lương trả cho công nhân còn vất vả thì chuyện thưởng tết trở nên xa vời.

Công nhân lãn công đòi hưởng một số chế độ và thưởng tết.


Đau đầu chuyện hàng trăm công nhân lãn công đòi thưởng tết cao hơn (trước đó công đoàn công ty thông báo miệng thưởng tết bằng quà, trị giá 200.000 đ/phần/người), phó giám đốc một công ty trong ngành thủy sản phân trần: “Tình hình chung của ngành thủy sản năm nay rất khó. Riêng công ty, áp lực tài chính (lãi suất vẫn ở mức cao 14- 15%/năm) cộng với áp lực tồn kho lớn, làm ăn không hiệu quả thì làm sao có thể thưởng cao được?”

Tuy nhiên, công nhân dường như cũng có đủ lý do chính đáng để bức xúc. Là một trong những người tham gia lãn công, công nhân T. H. buồn bã: “Tháng nào công ty cũng chấm A, B, C mà cuối năm thì lại không có thưởng. Vả lại, thu nhập hàng tháng đâu có bao nhiêu khi công ty thường thiếu hàng, công nhân phải thường xuyên nghỉ việc. Như tháng trước chỉ làm có 20 ngày, còn từ đầu tháng 1 tới giờ mới làm chừng 5 ngày. Trong khi còn phải nuôi chồng bị bệnh và con đi học, không có thưởng thì lấy gì ăn tết?”

Một chị tên H.M. (quê ở Tam Bình) cũng rầu rầu: “Bình thường có khi không đủ tiền gửi về quê nuôi con, giờ cũng không có thưởng thì làm sao ăn tết?” Còn chị C.H. (quê Đồng Tháp) thì bức xúc: “Vợ chồng tôi gắn bó với công ty gần 2 năm rồi, chuyển trường cho con xuống học ở đây luôn mà lương thưởng kiểu này thì “hẻo” quá. Dù không thưởng nhiều, cũng cần chút đỉnh tiền để công nhân phấn chấn tinh thần làm việc”.

Nhiều người cùng đưa ra ý kiến và trình bày bức xúc, kiến nghị nhưng tựu trung lại là những nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Vì thế, cuối cùng đa số công nhân đã chấp nhận làm việc trở lại sau khi có thông báo mức thưởng mới là loại A: 500.000 đ/người, B: 300.000 đ/người và C: 200.000 đ/người.

Ông Nguyễn Thành Nhân- Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Hòa Phú cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp trong khu tuyến công nghiệp năm nay đều trả lương thưởng trước tết.

Nhiều doanh nghiệp thưởng lương tháng 13, cao nhất có doanh nghiệp thưởng tới 3 tháng lương và thấp nhất là thưởng chỉ 200.000 đ/người. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp làm ăn được thì ngoài tiền thưởng, còn tặng thêm quà tết từ 300.000- 500.000 đ/phần.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, mong muốn có tiền thưởng để trang trải cuộc sống là một nhu cầu rất chính đáng của công nhân, cần được doanh nghiệp xem xét một cách thấu đáo.

Thiết nghĩ, thời điểm cuối năm, tết đến luôn là lúc lao động mong có lương, thưởng nhất. Nếu gặp khó khăn, doanh nghiệp cần giải thích rõ ràng với công nhân. Bên cạnh đó, người lao động không nên nóng vội mà cần có những hành động đúng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chính mình vừa chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Bài, ảnh: NHÓM PV