Sớm hình thành văn hóa số cho người dân

Cập nhật, 16:44, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)

 

Vĩnh Long thực hiện chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng bộ.
Vĩnh Long thực hiện chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng bộ.

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện CĐS với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Theo đó, tập trung cao độ thực hiện từng chỉ tiêu, nội dung, hướng tới mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số. BCĐ CĐS tỉnh đã tăng cường tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, từ đó tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh.

Tạo chuyển biến tích cực

Công tác CĐS thời gian qua được tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện trên mọi lĩnh vực. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại chuyển biến tích cực; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, giúp duy trì hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Theo báo cáo của BCĐ CĐS tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ CĐS tỉnh đã ban hành 44 văn bản liên quan CĐS, trong đó cụ thể hóa, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về CĐS. Tỉnh cũng đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Long 2.0, Kiến trúc dịch vụ đô thị thông minh 1.0. Đây là các văn bản quan trọng đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất và tập trung theo quy định về triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh.

Vĩnh Long đã đầu tư nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu trong nội bộ tỉnh và kết nối với các dịch vụ do các bộ, ngành chia sẻ; thực hiện triển khai hệ thống quản lý hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây. Tỉnh cũng triển khai các ứng dụng, nền tảng dùng chung phục vụ các đơn vị trên địa bàn như: Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, Hộp thư điện tử của tỉnh, Hệ thống số hóa dữ liệu lưu trữ lịch sử, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng GIS, Hệ thống trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp xã. Các hệ thống, ứng dụng dùng chung đảm bảo phù hợp theo Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 và đảm bảo đồng bộ với Kiến trúc đô thị thông minh Vĩnh Long 1.0.

Về hạ tầng số, toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính với 208 điểm phục vụ; có 3.233 trạm thu phát sóng thông tin di động; tỷ lệ điện thoại di động đạt 130 thuê bao/100 dân; 100% cấp xã có kết nối cáp quang, internet băng thông rộng. Mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã hoạt động ổn định, thông suốt.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trong các năm qua, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, từng bước thực hiện CĐS của ngành. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, đạt tỷ lệ 89,66%; có năng lực, khả năng ứng dụng tương đối tốt CNTT vào dạy học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Hạ tầng CNTT đáp ứng khá tốt cho các hoạt động quản lý, dạy và học, 100% cơ sở giáo dục được kết nối internet.

Chọn lĩnh vực ưu tiên

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CĐS của tỉnh vẫn còn một số khó khăn như cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế; hạ tầng CĐS còn chưa đồng bộ; việc ứng dụng thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến qua ứng dụng của ngân hàng đối với khách hàng ở vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng, ngành y tế tỉnh đã thực hiện việc ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác CĐS và ứng dụng CNTT trong thời gian sắp tới. Cụ thể, việc phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức; nguồn nhân lực CNTT của ngành y tế còn khá hạn chế về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị tuyến trên thì triển khai xây dựng các hệ thống báo cáo phần mềm riêng rẽ, thử nghiệm nên dữ liệu quản lý còn rời rạc, phân tán, chưa đồng nhất. Việc quá tải hệ thống phần mềm báo cáo gây khó khăn và áp lực cho y tế tuyến cơ sở…

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh, nhấn mạnh năm 2023 là năm dữ liệu số, do đó BCĐ CĐS tỉnh cần tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác CĐS trong hoạt động cơ quan nhà nước, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Trong đó, sở, ban, ngành, địa phương tập trung triệt để việc sử dụng hiệu quả chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến; tập trung ứng dụng CĐS trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

BCĐ CĐS tỉnh quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng CĐS cho đội ngũ chuyên trách CNTT của tỉnh, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để lực lượng này trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho UBND tỉnh về CĐS. Song song đó, các sở, ban, ngành, địa phương phát huy và phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp, cộng đồng nhằm huy động nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng viễn thông, internet hình thành hạ tầng số phục vụ tiến trình CĐS.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng, tăng cường tuyên truyền vai trò quan trọng của CĐS để doanh nghiệp và người dân hiểu, nhận thấy lợi ích mà CĐS mang lại. Từ đó, tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh; ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lưu ý, CĐS là lĩnh vực mới, khó, do đó các thành viên BCĐ CĐS tỉnh cần theo dõi sát sao, có phân công, kiểm tra tiến độ triển khai và tổ chức thực hiện để chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.

Bài, ảnh: AN CHI

Các tin khác: