Tạo động lực phát triển công nghệ sinh học

Cập nhật, 06:02, Thứ Sáu, 10/03/2023 (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Tảo xoắn Mekong là cơ sở sản xuất tảo Spirulina đầu tiên tại Vĩnh Long.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Tảo xoắn Mekong là cơ sở sản xuất tảo Spirulina đầu tiên tại Vĩnh Long.

Hiện nay, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) là một vấn đề lớn và rất cần quan tâm. Mới đây, Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới vừa được Bộ Chính trị ban hành được đánh giá là nghị quyết quan trọng, toàn diện và đúng thời điểm, tạo động lực phát triển CNSH.

Xu hướng tất yếu trong sản xuất và đời sống

Tại Vĩnh Long, Tỉnh ủy đã triển khai Kế hoạch số 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 06 của Ban Bí thư về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1091 về “Chương trình phát triển CNSH tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh đã từng bước xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ứng dụng CNSH để phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp là hết sức quan trọng.

Giống là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất, có ảnh hưởng lớn đến khâu tiêu thụ, đặc biệt là đối với xuất khẩu.

Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận của người dân như: hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng lúa giống, cây ăn trái chất lượng cao, xây dựng trại heo giống, trại giống thủy sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP...

TS Phạm Thị Thu Hồng cho biết, thực hiện Đề án “Phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, việc ứng dụng CNSH trong phát triển nuôi trồng thủy sản được ngành nông nghiệp xác định theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, tập trung vào các đối tượng chủ lực.

Theo đó, các hướng nghiên cứu, ứng dụng chính gồm: vấn đề di truyền chọn giống, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, năng suất và sản lượng cao, an toàn sinh học…

Đối với ngành y tế, Sở Y tế đã triển khai có hiệu quả ứng dụng CNSH trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, chữa bệnh và phòng bệnh cho người dân như: ứng dụng CNSH trong y học dự phòng, an toàn thực phẩm, phương pháp PCR (xác định type của virus sốt xuất huyết dengue, virus HPV...).

Và vừa qua ngành y tế đã tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng CNSH trong phát hiện sớm và phòng trị bệnh COVID-19.

Công nghệ sinh học được triển khai có hiệu quả trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, chữa bệnh và phòng bệnh cho người dân.
Công nghệ sinh học được triển khai có hiệu quả trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, chữa bệnh và phòng bệnh cho người dân.

Cùng với đó, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) Vĩnh Long thời gian qua đã tập trung triển khai thực hiện một số đề tài, dự án ứng dụng CNSH.

Cụ thể như đề tài “Đánh giá khả năng thích nghi các giống cam quýt không hạt ngoại nhập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã chọn ra 3 giống cam quýt không hạt (hamline, salustiana, valencia) có thể trồng được trong điều kiện thổ nhưỡng tại Vĩnh Long;

Dự án “Ứng dụng hệ thống tưới phun trên cải xà lách xoong tại TX Bình Minh” đã tác động rất tích cực đến khả năng sinh trưởng và phát triển cải xà lách xoong, giúp tăng năng suất và tiết kiệm công lao động, đặc biệt giúp hạn chế tối đa bệnh ngoài da cho người nông dân phải thường xuyên tiếp xúc với nước…

Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng KHCN còn thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn gien, nhân giống phong lan, cây kiểng các loại tại phòng nuôi cấy mô và được xem là nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của đơn vị…

Tháo gỡ rào cản trong phát triển CNSH

Hệ thống tưới phun trên cải xà lách xoong mang lại kết quả tích cực.
Hệ thống tưới phun trên cải xà lách xoong mang lại kết quả tích cực.

Theo Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long, định hướng cho việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trong nền kinh tế thị trường hiện nay là hết sức cần thiết, là xu hướng tất yếu để phục vụ cho cuộc sống của người dân.

Cần đầu tư tiềm lực cho KHCN, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đầu tư phát triển nguồn nhân lực KHCN thông qua đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ KHCN trẻ; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Nghị quyết nêu rõ CNSH nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường…

Tuy nhiên, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh KHCN phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; CNSH chưa trở thành một ngành kinh tế- kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH; đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.

Mục tiêu được nêu ra là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành CNSH thành ngành kinh tế- kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Trong đó, thực hiện 5 giải pháp: thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; phát triển CNSH thành ngành kinh tế- kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực CNSH, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH. Và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNSH.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH là yêu cầu quan trọng mà nghị quyết đặt ra trong thời gian tới. Việc cả hệ thống chính trị chung sức cùng hoàn thiện sẽ tạo ra khung khổ pháp lý tốt nhất để CNSH phát triển trong tương lai.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ