Cảnh báo một "đại dịch thầm lặng"

06:03, 06/03/2023

Hiện có những lo ngại về "đại dịch thầm lặng" liên quan đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR), dẫn đến siêu vi khuẩn có thể giết chết hàng triệu người trên toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

 

Khi tình trạng AMR trở thành mối lo ngại ngày càng lớn, siêu vi khuẩn cũng trở thành một rủi ro nghiêm trọng.Ảnh minh họa: Reuters
Khi tình trạng AMR trở thành mối lo ngại ngày càng lớn, siêu vi khuẩn cũng trở thành một rủi ro nghiêm trọng.Ảnh minh họa: Reuters

Hiện có những lo ngại về “đại dịch thầm lặng” liên quan đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR), dẫn đến siêu vi khuẩn có thể giết chết hàng triệu người trên toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

Một báo cáo mới của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cảnh báo Australia phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn sớm những hệ lụy của tình trạng AMR. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã coi AMR là một trong những mối quan ngại hàng đầu về sức khỏe cộng đồng. Nếu không được kiểm soát, đến năm 2050, ước tính tình trạng này sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm và khiến 24 triệu người rơi vào tình cảnh nghèo khó trong thập niên tới.

AMR xảy ra khi những loại thuốc dùng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng không còn hiệu quả. Nếu không có các loại thuốc như thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus, việc điều trị bệnh sẽ trở nên khó khăn hoặc thậm chí là không thể, khiến con người không thể tự vệ trước các căn bệnh nghiêm trọng.

Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc kháng sinh sai mục đích có thể dẫn đến việc thuốc trở nên vô hiệu đối với một số loại vi khuẩn, nghĩa là ngay cả những bệnh nhiễm trùng hoặc phẫu thuật đơn giản cũng trở nên vô cùng rủi ro.

Khi AMR trở thành mối lo ngại ngày càng lớn, siêu vi khuẩn cũng trở thành một rủi ro nghiêm trọng. Siêu vi khuẩn là dạng vi khuẩn kháng tất cả các phương pháp điều trị hiện có và có thể gây nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng.

Theo báo cáo của CSIRO, chúng có khả năng lây lan giữa các sinh vật sống trong môi trường y tế và nông nghiệp trước khi xâm nhập vào con người và động vật, gây “tác hại đáng kể”.

Theo CSIRO, khoảng 5.000 ca tử vong mỗi năm ở Australia và hơn 1,27 triệu ca tử vong trên khắp thế giới có liên quan đến AMR. Nghiên cứu từ cơ quan khoa học quốc gia và Học viện Khoa học công nghệ Australia kêu gọi phối hợp tốt hơn để giải quyết vấn đề được mô tả là “đại dịch thầm lặng”.

Nghiên cứu cho rằng AMR có khả năng vô hiệu hóa một số loại thuốc chống nhiễm trùng quan trọng nhất. Mất đi các phương pháp điều trị kháng sinh hiệu quả chống nhiễm trùng sẽ là thảm họa đối với ngành y tế.

Nghiên cứu cho rằng cần tập trung hơn vào công nghệ tiên tiến, thay vì phát triển thêm các loại thuốc kháng sinh mới. Nhóm tác giả cũng kêu gọi nâng cấp hệ thống giám sát, quá trình sản xuất vaccine và xét nghiệm, ngăn chặn sự lây lan của siêu vi khuẩn thông qua việc cải tiến thiết kế của các môi trường có rủi ro cao như nông trại và bệnh viện, xử lý các vi khuẩn có hại trước khi chúng tiếp cận nguồn nước.

Branwen Morgan- một trong những tác giả của nghiên cứu- cho biết tình trạng AMR có thể khiến một số loại thuốc chống nhiễm trùng quan trọng nhất trở nên vô hiệu, làm suy yếu y học hiện đại và khiến con người dễ bị nhiễm trùng kháng thuốc.

Báo cáo này chỉ ra những thách thức và cơ hội chính để Australia cải thiện cách ngăn ngừa, phát hiện, chẩn đoán và ứng phó với các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc cũng như giảm thiểu tác động.

Nghiên cứu về các loại thuốc kháng sinh mới đang được tiến hành nhưng nhiều người cho rằng chỉ như vậy là chưa đủ. Các khuyến nghị khác bao gồm: thành lập một cơ quan liên bang để theo dõi tình trạng AMR, xây dựng chính sách và tiêu chuẩn quốc gia, và tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng.

Theo báo cáo, tình trạng AMR không phân biệt ranh giới quốc gia, khu vực hoặc lĩnh vực. Điều quan trọng là các giải pháp được thiết kế từ góc độ sức khỏe, tính đến mối liên hệ không thể phủ nhận giữa con người, động vật và môi trường.

Đây sẽ là chìa khóa để bảo đảm rằng việc tạo ra giải pháp cho một lĩnh vực sẽ không làm nảy sinh thêm vấn đề ở một lĩnh vực khác.

VY ANH (theo TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh