Cách rửa nào có thể loại bỏ hóa chất trên rau củ?

Cập nhật, 06:07, Chủ Nhật, 23/10/2022 (GMT+7)
Người dân TP Hồ Chí Minh mua rau, củ, quả tại siêu thị. Ảnh: TTO
Người dân TP Hồ Chí Minh mua rau, củ, quả tại siêu thị. Ảnh: TTO

(VLO) Theo các chuyên gia y tế, không có loại hóa chất nào khi ngâm rau, củ, quả có thể diệt được hết các ký sinh trùng, vi khuẩn. Cách rửa rau, củ, quả sạch nhất, bảo đảm nhất vẫn là rửa nhiều lần với nước sạch, dưới vòi nước.

Chị T.C. (25 tuổi, Quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết trong mỗi bữa ăn hàng ngày, để đảm bảo rau, củ, quả được sạch sẽ trước khi ăn hoặc chế biến, đặc biệt là rau sống, chị thường ngâm rau củ với nước rửa rau quả đặt mua trên mạng. Cũng có khi chị còn ngâm rau củ với thuốc tím, giấm ăn, nước vo gạo, nước muối... theo mách bảo của người quen.

“Các hóa chất hiện nay được quảng cáo làm sạch rau được bày bán trên mạng rất nhiều nên mình cũng chọn vài thương hiệu để sử dụng, nhưng vẫn lo ngại không biết có nguy hại cho sức khỏe khi dùng nhiều hay không vì đây dù sao cũng là hóa chất. Còn nếu chỉ rửa bằng nước sạch thì mình lại không an tâm lắm”, chị C. nói.

Bác sĩ Trần Thị Hiếu - phụ trách Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế BVĐK khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) - cho biết về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, phương pháp tốt nhất để làm sạch rau là phải ngâm ngập nước để các chất bẩn tồn dư không còn dính trên rau.

Bác sĩ Hiếu khuyến cáo phải ngâm ngập rau, củ, quả để những chất bẩn tồn tại trong các ngóc ngách trôi đi, tốt nhất là ngâm từ 15- 30 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước. Đây được xem là phương pháp an toàn nhất được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.

Hiện nay thị trường có rất nhiều loại hóa chất được quảng cáo khử khuẩn rau, củ, quả, tuy nhiên khi ngâm với các loại hóa chất này người dân vẫn phải chú ý rửa sạch lại bằng nước. Bên cạnh đó phải tìm được đúng những sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, phải có đơn vị chứng nhận an toàn, nguồn gốc xuất xứ…

Theo bác sĩ Hiếu, sau khi ngâm rau quả với hóa chất mà không rửa kỹ lại bằng nước, hóa chất còn dư có thể dẫn đến dị ứng nguy hiểm cho sức khỏe. Phương pháp tốt nhất vẫn là rửa theo cách truyền thống, vừa sạch vừa góp phần không thải ra môi trường thêm một loại hóa chất.

“Rau an toàn theo quy định là lần phun cuối cùng tính đến khi thu hoạch là trên 7 ngày, thời gian này để phần tồn dư hóa chất mất đi trong khi cây vẫn quang hợp dưới ánh sáng mặt trời.

Đối với những loại trái cây có vỏ, có thể sử dụng một chút nước muối để loại bớt kali. Ngoài ra có thể sử dụng máy diệt khuẩn, tia UV nhưng vẫn phải rửa với nước”, bác sĩ Hiếu nói.

TS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP Hồ Chí Minh - cho biết muốn rửa rau sạch thì tốt nhất là rửa với nhiều nước và rửa dưới vòi nước, ngâm xong vẫn phải rửa sạch dưới vòi nước.

“Không có một loại hóa chất nào ngâm có thể diệt hết được ký sinh trùng, vi khuẩn. Nếu có sử dụng các hóa chất như thuốc tím để ngâm cũng phải rửa sạch với nước, rửa từng lá rau dưới vòi nước, nếu không ăn vào rất nguy hiểm”, TS Vân nói.

Theo TS Vân, quan trọng nhất vẫn là nguồn đầu vào của rau, nếu nguồn rau không được đảm bảo, cho dù ngâm với hóa chất nào thì vẫn không đảm bảo. Việc ngâm với nước muối không có tính sát trùng, chỉ có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn, tương tự nước vo gạo cũng không có tác dụng diệt hết vi trùng trong rau, củ, quả.

VY ANH (Theo TTO)