Truyện ngắn: Ngày nắng mới

02:06, 08/06/2024

Anh Bình đem cái lồng chim ra treo trước cửa nhà. Con nhồng ở trong lồng vừa mới biết nói, hễ thấy ai đi ngang qua cửa thì nó cũng nói câu "Mẹ ơi có khách!". 

LÊ VĂN TRƯỜNG 
 
Anh Bình đem cái lồng chim ra treo trước cửa nhà. Con nhồng ở trong lồng vừa mới biết nói, hễ thấy ai đi ngang qua cửa thì nó cũng nói câu “Mẹ ơi có khách!”. Vậy đó mà thằng Tý ngày nào cũng chạy qua nhà chọc cho con nhồng nói chuyện nghe chơi. Lúc đầu mỗi lần con nhồng kêu có khách thì vợ chồng anh Bình hay ra coi ai đến nhà. Nhưng hễ ra thì lại thấy thằng Tý đứng đó không biết tự hồi nào. Con nhồng không chịu nói thì nó lại lấy tay khều khều cái lồng để cho con nhồng phải nói.
 
 Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
Hôm đó thằng Tý về nhà đòi cha của nó mua cho một con chim y như của bên nhà chú Bình cho nó nuôi. Thấy con ham nên anh Lâm cũng định mua cho thằng Tý một con cho nó chơi, nhưng mẹ của Tý thì lại không cho, chị bảo rằng có biết nuôi đâu mà bày đặt, mua chim về chơi rồi lãng quên chuyện học hành. Thế là thằng Tý khóc, cha nó hứa mua, còn mẹ thì cản. Rồi hai vợ chồng lại cự cãi nhau.
 
Vài ngày sau mọi chuyện như đã lắng xuống không ai nhắc đến nữa thì đến lượt thằng con của tôi. Bữa nọ tôi dẫn nó ghé nhà anh Bình chơi, tình cờ thấy con nhồng trong lồng vừa nhảy nhót vừa nói “Mẹ ơi có khách” làm cho thằng nhỏ thấy thích rồi lại hỏi tôi con chim đó ở đâu bán vậy?
 
Tôi nói là mình không biết. Vậy là đêm đó nó cầm điện thoại lên mạng coi chỗ nào người ta bán, giá cả ra sao để nó mua. Sáng hôm sau con nói là biết chỗ bán rồi. Nếu mua thì trong vòng một ngày là người ta sẽ giao tới tận nhà. Thôi thì con nó thích thì cứ mua mà chơi, nhưng với điều kiện là đem về thì phải nuôi chứ đừng có ham chỉ vài ngày rồi lại lười biếng mà đổi ý. Ngày xưa còn nhỏ như con bây giờ tôi cũng ham chim cò lắm chứ, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, cộng thêm công chuyện bộn bề nên không còn thích thú nữa.
 
Từ lúc trong nhà có thêm thành viên mới, tôi thấy con chịu thức sớm hơn mọi khi. Xách cái lồng chim ra treo ở cạnh cửa sổ, cho chim ăn uống đàng hoàng rồi mới đi học. Buổi sáng sớm, những tia nắng vàng tươi xuyên qua những tàn cây kẽ lá. Con nhồng trong lồng cũng cất tiếng kêu như đã bắt đầu thích nghi với môi trường mới của mình. Nhìn con chim nhảy múa trong lồng tự dưng bao ký ức lại ùa về...
 
***
Tôi đưa mắt nhìn ra phía trước cửa nhà, như cố tìm lại những hình ảnh thân quen của những ngày tuổi thơ tung tăng đùa giỡn cùng đám bạn. Ở đó, có mấy cây dừa không biết đã bao nhiêu tuổi rồi mà thân cao vút, trên thân của cây dừa có mấy cái lỗ để những đôi chìa vôi, sáo nâu hoặc khi là đôi nhồng đến làm ổ mà đẻ trứng, nuôi con. Có lần tôi hỏi cha sao trên cây dừa lại có những cái lỗ như vậy?
 
Cha nói hồi còn chiến tranh ở chỗ của mình ở bây giờ là vùng căn cứ cách mạng nên tàu giặc thường xuyên chạy dưới sông bắn phá dữ lắm. Còn mấy cây dừa ở phía trước cửa bị lủng lỗ đó là do bị trúng đạn nên mới bị như vậy. Những cái lỗ trên cây dừa cũng cao khoảng ba, bốn mét, có lẽ chim đến làm ổ ở chỗ đó vừa ấm áp vừa khỏi sợ giông bão hay sao mà mấy đôi chim cứ thường hay đến để ở.
 
Tụi con nít trong sớm cứ canh hoài, hễ thấy đàn chim con vừa ra lông cánh là lại trèo lên bắt đem về nuôi. Đứa thì thích nuôi chìa vôi, đứa thích nuôi sáo sậu, sáo nâu, đứa thích nuôi nhồng. Nuôi chim nhưng hễ nghe nói loài chim nào mà biết nói chuyện là chúng tôi cũng mê lắm. Đem về nuôi để trông cho chúng nói để nghe. Vậy mà không hiểu sao nuôi một thời gian thì nó lại chết. Có thể vì mê chơi quên cho chim ăn, hoặc khi thả ra cho chim chạy nhảy dưới đất thì bị mèo chụp, thế là lại chờ cho chim đến đẻ đợt sau để bắt về nuôi.
 
Có lần cha tôi rầy, bảo đừng có leo hốt mấy cái ổ chim đó nữa. Chim thì cũng giống như gia đình của chúng ta, mình bắt con của nó thì chim cha chim mẹ cũng sẽ rất đau buồn vì mất con.
 
Từ khi cha không cho leo lên chỗ mấy cây dừa có ổ chim để bắt nữa thì tôi thấy phía trước cửa nhà mình lũ chim như đông hơn. Con đang xây ổ mới, con đang tha mồi về nuôi con, và cũng có con đang dạy con mình tập bay. Những buổi sáng sớm, phía mấy cây dừa trước cửa luôn rộn ràng thanh âm. Những ngôn ngữ của chìa vôi, của sáo, của nhồng nghe thật vui tai. Nhưng tôi lại không hiểu được chúng đang nói với nhau điều gì.
 
***
 
Ngày xưa cha của tôi cũng là một người lính, trải qua cuộc chiến gian truân mới giành lại được độc lập, nên cha rất trân quý sự bình yên mà mình có được, dẫu phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của anh em đồng đội. Bản thân của cha thì vẫn còn đó những vết thương, nó là vết tích của cuộc chiến tranh để lại. 
 
Khi những cây dừa thân đã quá cao thì mẹ tôi kêu đốn bỏ vì sợ gió giông cây sẽ đổ ngã rất nguy hiểm. Cha thương những chú chim, nhưng vì sợ mấy cây dừa bị thương kia sẽ ngã bất cứ lúc nào nên ông cũng không ngăn cản. Cũng từ đó mấy con chim chìa vôi, chim sáo, chim nhồng bay đi về đâu để chọn nơi làm ổ tôi cũng không rõ nữa. 
 
Cha ngày một lớn tuổi cộng thêm những vết thương trong người hành hạ nên cha thường bị đau nhức mỗi khi thời tiết chuyển mùa.
 
Đàn con của cha có bốn đứa, cha không viết di chúc mà gọi các con lại rồi bảo, sau này khi cha mất thì đất cứ chia ra làm bốn phần mỗi đứa một mảnh mà làm, không nên tranh giành mà làm mất đoàn kết tình anh em. Cha lo xa vậy cũng có cái lý của cha, bởi gia đình của nhà kế bên cũng chỉ vì tranh giành đất chia ít chia nhiều mà dẫn đến anh em không thèm nhìn mặt nhau nữa, thấy mà chạnh lòng. 
 
Mấy anh em của tôi phần đất ai thì người ấy làm. Đứa trồng chanh trồng bưởi, đứa trồng mận trồng xoài, đứa làm rẫy trồng khoai, đứa thì trồng mía. Trồng thứ gì cũng vậy, cái chính là mình phải biết siêng năng cần cù và dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng không được bỏ cuộc. Hôm nào thấy khỏe trong người thì cha lại chống gậy đi thăm đất của mỗi đứa, coi làm không đúng thì cha lại chỉ bảo dặn dò thêm. Bởi cuộc đời của cha cũng đã mấy mươi năm làm nông dân rồi nên cha hiểu được những gì cần phải làm và những gì không nên làm. 
 
Cha tôi cũng là người hay quan tâm đến phần mồ mả ông bà, và nơi đó cũng là nơi yên nghỉ của bác Hai và chú Tư, những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. 
 
Hôm bữa nhà có khách, thấy cha cùng người đồng đội ngày xưa vừa ngồi uống trà vừa nhắc về chuyện cũ, thuở cùng chung chí hướng chiến đấu. Còn bây giờ lại thành sui gia nên cuộc chuyện trò của hai người như không bao giờ hết. Vậy đó mà chưa được bao lâu thì cha lại về cùng với tổ tiên ông bà.
 
***
 
Quê tôi bây giờ khởi sắc thật nhiều, những lộ bê tông, lộ nhựa đã về đến tận vùng nông thôn sâu. Những dòng kênh con rạch đã được nối liền bằng những nhịp cầu kiên cố cho từng em nhỏ đến trường trong ngày mới vui tươi. 
 
Hôm nay vừa mới đi làm về mệt đừ, thấy con cầm lồng chim trên tay và khoe rằng, con nhồng của nó hôm nay đã biết nói chuyện rồi. Thấy con vui nên lòng tôi cũng vui theo. Loài chim này bây giờ muốn nuôi thì phải kiếm chỗ bán chứ làm gì mà tự đi bắt nuôi như ngày xưa nữa.
 
Nhớ ngày tôi còn nhỏ, chỗ tôi ở là đất rộng người thưa bốn bề xung quanh đều toàn là cây xanh bao phủ, bởi vậy mà các loài chim cũng đến đây làm quê hương mà sinh sống. Những buổi sáng sớm nhìn ra trước cửa là nghe tiếng chim ca hát rộn ràng. Thấy chim bay lượn như những con chim sáo hay chim nhồng thì luôn là sự đam mê của đám con nít và cũng có khi là cả người lớn nữa.
 
Nhưng chắc tại không biết cách chăm sóc nên nuôi được một thời gian thì chúng lại chết. Bây giờ chỗ tôi ở chim cò vẫn còn đó chứ, nhưng bóng dáng của những loài chim quý thì không thấy đâu nữa.
 
Buổi trưa trời nóng nực, tôi xách cái võng ra sau vườn tìm chỗ bóng mát mà giăng để nằm. Đang đong đưa chiếc võng, lòng suy nghĩ miên man thì trên ngọn so đũa có con nhồng từ đâu bay đến. Bỗng dưng tôi như gặp lại mình của những ngày trẻ con đầu trần tóc khét mà mỗi lần nhìn thấy con chim ấy là cứ nao nao, rồi tôi lại chợt nghĩ, bây giờ ở đây làm gì còn loài chim này nữa chứ.
 
Đâu có lý nào loài chim này lại trở về làm ổ sinh sản như ngày xưa. Tôi đang suy nghĩ lan man mà mắt cứ dõi nhìn về phía ngọn cây nơi con nhồng đang đậu, nó đứng phơi mình bên làn nắng ấm mà chẳng có chút ngại ngùng gì.
 
Anh Bình từ phía sau lưng tôi bước tới làm tôi giật cả mình. Anh hỏi tôi có nhìn thấy con nhồng của anh không? Hôm nay anh thả ra cho nó tắm, nó tắm một hồi rồi nó lại bay đi đâu mất tiêu. Tôi chỉ tay về phía ngọn cây so đũa nơi con nhồng của anh đang đứng rỉa lông trên đó.
 
Anh Bình kêu “nhồng ơi xuống đây về nhà nè con”. Vậy là nó lại sà xuống vai anh một cách dứt khoát. Chim bây giờ người ta nuôi nó rất là khôn, một phần là do người nuôi biết cách chăm sóc. Anh Bình về nhà với con nhồng trên vai. Tôi cũng lật đật đi vô nhà, tôi sẽ dạy cho con nhồng trong lồng kia tập nói, tập biết nghe lời mình dạy. Rồi tôi cũng cho nó bay xung quanh nhà cho nó thưởng thức khung cảnh thiên nhiên đầy thân thiện này, và đâu đó cho tôi tìm thấy những ngày xưa vẫn còn nhiều lưu luyến.
 
Hôm nay thằng Tý cũng chạy sang khoe với thằng con của tôi là mẹ nó đã đồng ý mua cho nó một con nhồng rồi. Tý nói hồi hôm nó nôn nao không ngủ được. Tôi cũng thấy vui cùng thằng nhỏ. Ít ra thì vẫn còn chút gì đó có ý nghĩa, thay vì cứ ôm chiếc điện thoại mà chơi game hoài. 
 
Nhìn tụi nhỏ vui, tự dưng tâm hồn tôi cũng như đang trẻ lại như ngày nào.
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh