Truyện ngắn: Khát vọng rực cháy

Cập nhật, 14:06, Chủ Nhật, 26/05/2024 (GMT+7)
HOÀNG KHÁNH DUY

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Em thấy mình mỏi mệt lắm, nhiều lần em muốn từ bỏ, nhưng rồi nghĩ lại, đó là giấc mộng của em mà! Em đã nỗ lực rất nhiều! Em đã đi đến đây rồi, không lẽ em dễ dàng bỏ cuộc...

 

Hương nói với tôi như thế mỗi lần gặp tôi ở công viên, trạm xăng hay trong quán cà phê mà có vẻ như cô chủ quán thích lắm giai điệu “Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm. Bỗng về quá thênh thang. Ôi áo xưa lồng lộng. Đã xô dạt trời chiều...”. Tôi nhìn Hương, thấy khuôn mặt em lộ rõ vẻ mệt mỏi sau những giờ dạy gia sư ở nhà học trò. Dạy gia sư, mỗi tháng em kiếm được hơn 5 triệu đồng, đi làm thêm ở công ty bảo hiểm và những công việc lặt vặt khác cũng có thu nhập, có thể trụ lại ở thành phố thay vì về quê như một vài đứa bạn đã “bỏ cuộc chơi” giữa thành thị đất chật người đông.
 
- Đừng mất niềm tin, em! Cái gì cũng phải có bước đầu, có thể hơi vất vả một chút, chông chênh một chút, đến khi đạt được ước mong em sẽ thấy quý những tháng ngày này!
 
Tôi an ủi em, lau đi những giọt mồ hôi, và cả những giọt nước mắt nữa, đang chảy dài trên khuôn mặt của em. Tôi biết em buồn lắm! Đã đi qua những tháng ngày như em, tôi đủ hiểu cảm giác chênh vênh là như thế nào. Nó gặm nhấm con người ngay cả trong những giấc mơ. Tôi hiểu em giờ như một người đang đứng trên cát nóng, giữa sa mạc hoang vu và nắng quái, cứ nhấp nhỏm vì không biết đời mình sẽ đi về đâu trong khi em đã sắp sửa bước qua tuổi 30 ít mơ, hết mộng.
 
Hương là một cô gái có lý tưởng. Ngày còn là sinh viên, em chưa bao giờ nghỉ học một ngày, chưa bao giờ bị những cuộc vui hay vòng xoáy “làm thêm” cuốn em vào trong tất bật, vội vã, rồi để những bài học quý trôi qua trong vô nghĩa. Em biết cách sắp xếp thời gian, giờ lên lớp, giờ tự học, giờ đi dạy thêm kiếm tiền để mẹ ở quê đỡ phải nhọc nhằn vì em...
 
Tôi khâm phục em, nhất là ý chí. Từ một cô bé vùng nông thôn nghèo khó, đất đai cỗi cằn, thường xuyên hứng chịu những cơn bão, lũ ngập khỏi đầu người, em đã trở thành sinh viên xuất sắc toàn khóa.
 
Quãng đời sinh viên vất vả, nhọc nhằn nhưng rồi cũng trôi qua thật nhanh. Hương tốt nghiệp sau tôi một năm, vì tôi học trên em một khóa. Ngày đó, Hương vẫn thường nói với tôi rằng, em mong mình sẽ xin được công việc ổn định tại một ngôi trường phổ thông trong thành phố, nếu có điều kiện giảng dạy ở cấp cao hơn lại càng hạnh phúc, em có ý chí, có nền tảng tri thức, chắc chắn rằng em sẽ trở thành một giáo viên tốt.
 
Lần Hương gặp thầy hiệu trưởng để phỏng vấn, nhìn chồng hồ sơ xin việc trên bàn, Hương hơi lắng lo nhưng em vẫn có niềm tin thầy sẽ nhận em về trường. Hương tự tin nói với thầy: “Nếu được về trường, em sẽ cống hiến hết mình, em chấp nhận cả mức lương thấp của giáo viên mới để có một công việc ổn định. Chật vật với đời, song niềm đam mê đứng lớp và nhiệt huyết của người thầy vẫn rực cháy trong em...”.
 
Thầy hiệu trưởng nhìn em, mỉm cười, khen em là cô gái có ý chí, sự tự tin và một giấc mộng đẹp. Nhưng rồi em đã bật khóc trước mặt tôi trong buổi chiều mưa, thành phố buồn như thể cây ngừng xanh, chim ngừng hót, lá theo mưa rụng xuống mặt đường. 
 
- Anh Hưng, em trượt phỏng vấn rồi, anh ạ!
 
Tôi an ủi em:
 
- Đừng buồn, em! Ai cũng phải có lúc thất bại mới đi được đến ngày chiến thắng vinh quang. Cơ hội này vụt mất, còn có cơ hội khác.
 
- Không biết đến bao giờ em mới được như anh, được một ngôi trường nào đó nhận mình về dạy, để em có cơ hội cống hiến- Hương uể oải.
 
Tôi vỗ vai em, kéo em ra phố, đạp lên những chiếc lá khô vàng ướt đẫm trên mặt đường, đi tìm món gì bỏ bụng. Rồi chúng tôi ngồi trong quán cũ nhìn mưa rơi ngoài trời, mưa vẫn xiên dọc xiên ngang qua tấm kính rộng. Bản nhạc mà cô chủ quán ưa thích lại vang lên rả rích trong mưa: “Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau. Như bóng chim cuối đèo”. Hương đang “chill” theo giai điệu. Ly cà phê trước mặt tôi đã tan ra, khá loãng. Cô chủ quán đon đả châm thêm đá vào ly của tôi, tôi xua tay, cảm ơn. Thấy im ắng, tôi nói với Hương:
 
- Em còn trẻ, cố gắng chút nữa. Anh tin em sẽ làm được. Vấn đề chỉ còn là thời gian!
Vẫn cái nhìn hướng ra phố, qua cửa kính sáng loáng, Hương tâm sự:
 
- Mẹ em nói, nếu không xin được việc thì về mẹ nuôi. Em không nỡ để mẹ phải vất vả. Mẹ lo cho em học xong đại học đã là quá sức lắm rồi! 
 
Tôi biết nhà Hương không khá giả gì, mẹ Hương làm nghề đổ bánh bò rồi mang đi bán trong xóm. Tiếng rao “Ai bánh bò không?” đã nặng trĩu cả đời bà, chiếc bóng đổ dài như hằn in trên những con đường quen ở vùng nông thôn cằn cỗi. Mỗi ngày Hương đi dạy hai ca, ca chiều và ca tối, buổi sáng đi làm ở công ty bảo hiểm.
 
Những giờ em rảnh rỗi thường là trưa, chập tối hoặc khi em đã dạy xong, chúng tôi hẹn nhau đi ăn hủ tiếu gõ- một món vừa ngon, vừa rẻ gắn với bao sinh viên trong cái thành phố rộn rịp này. Thu nhập được bao nhiêu, trừ tiền nhà, tiền chợ, tiền xăng cộ, ăn uống... còn lại Hương gom góp gửi về cho mẹ. Tôi thấy đâu đó trong Hương hình bóng của mình. Có lao động mới thấy rằng kiếm được đồng tiền vất vả như thế nào, mới biết trân quý hơn những gì mình có được. Những lần Hương nghĩ về con đường phía trước, em thủ thỉ: “Sao nó tối mịt à, anh”.
 
Tôi cười, bảo đi qua đêm tối sẽ gặp được ánh sáng phía cuối đường. Mỗi lần ngôi trường nào đó từ chối hồ sơ xin việc của em là em lại thức trắng đêm, tôi nhắn tin an ủi, em đáp: “Em ổn, anh yên tâm”. Nhưng tôi biết Hương không ổn chút nào.
 
Giữa cái thành phố đất chật người đông này, kiếm việc để sống được đã khó, kiếm được công việc đúng với ý nguyện, sở thích của mình lại càng khó hơn. Như tôi cũng đã phải chạy vạy một thời gian dài, phải trải qua cảnh hồ sơ chất chồng không được ngó ngàng, nhận về những cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng... Khi đó tôi cũng tự hỏi rằng mình có nhiệt huyết, có trình độ, cớ gì đời lại xô đẩy mình vào ngõ cụt.
 
Rồi tôi nghĩ thoáng hơn. Thoáng nhớ đến câu tôi đọc trong quyển “Nhà giả kim”, đại ý: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn điều đó”. Tôi nói lại với em, dẫu biết em đọc “Nhà giả kim” và những quyển sách khác còn nhiều hơn cả tôi, với hy vọng em sẽ không bao giờ mất niềm tin, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống.
Một cuộc đời huy hoàng luôn là một cuộc đời không bình lặng. 
 
Ít lâu không gặp em, tôi vẫn dõi theo Hương qua Facebook, thấy thỉnh thoảng em đăng tải những bức ảnh vui, những dòng thơ tươi tắn và ăm ắp mộng, tôi thấy lòng mình rộn ràng. Hương rủ tôi về quê chơi, đi bằng xe máy, hai ngày. Tôi “OK” ngay, vì thời điểm này trường tôi cũng ít việc, ngoại trừ giờ giảng chính. Chúng tôi đèo nhau trên con xe cũ đã “phi trận mạc” cùng tôi từ thời còn sinh viên. Đường về quê em xa xôi. Quê Hương ở miền biển, càng gần đến biển, càng nghe hương vị của muối biển, của cát hòa trong gió. Tôi hít một hơi thật sâu, thấy mình sảng khoái và nhẹ tênh. 
 
- Quê em đẹp quá! Biển xanh và hùng vĩ quá!- Tôi thốt lên.
 
- Làm thơ đi, anh Hưng- Hương đề nghị- Em biết anh Hưng làm thơ giỏi.
 
Tôi cười, hơi ngại, vì thơ tôi chủ yếu là thơ “con cóc”, làm cho vui, thơ với thẩn trong thời buổi công nghệ này phải thật sự xuất sắc.
 
Không đợi tôi, Hương sốt sắng:
 
- Biển xanh, cát trắng, nắng vàng...
 
Tôi buột miệng:
 
- Anh thật hạnh phúc có nàng kề bên...
 
Cả hai cười phá lên. Bỗng tôi thấy mặt Hương đỏ ửng. Tôi biết không phải vì nắng biển. Cả tôi cũng thấy, tự dưng tim tôi rung lên.
 
Mấy ngày ở biển là mấy ngày tôi gột rửa lòng mình, rửa trôi những muộn phiền, những ưu tư và áp lực công việc để nạp năng lượng mới. Tôi được thưởng thức những món ăn ngon của biển, ngắm những chú cá mắt vàng, mắt xanh, mắt tím... phơi mình trên tấm lưới. Dưới nắng vàng là nụ cười thân thiện, dáng vẻ tảo tần và tấm lòng nhân hậu của người xứ biển, của mẹ Hương. Ngày tôi và Hương trở lại thành phố, bà gói ghém ít cá khô- quà của biển cho tôi mang về. Tôi không từ chối. Bà dặn với:
 
- Khi nào nghỉ, hai đứa lại đèo nhau về đây chơi nữa nhé!
 
Thành phố lại dang tay đón chúng tôi.
 
Tôi gặp Hương trong một chiều nắng đẹp. Nhoẻn miệng cười tươi rói, em khoe:
 
- Anh Hưng, có một tin vui em muốn báo với anh... Anh cũng là người đầu tiên biết đến đấy!
 
Tôi hỏi, dù đoán được đôi phần:
 
- Tin gì? Sốt ruột quá đi mất!
 
Nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, Hương khoe:
 
- Em được nhận vào ngôi trường cấp hai rồi, trường lớn, anh ạ! Em chính thức được là cô giáo, là đồng nghiệp của anh rồi đây...
 
Tôi thấy trong mắt em là một trời hạnh phúc. Tôi nắm tay em, lòng như trẩy hội. Tôi biết đó là giấc mơ lớn nhất đời em, và chắc chắn rằng, dù hành trình phía trước còn lắm chông chênh nhưng em sẽ vững tin và không bao giờ chồn chân mỏi gối.
 
Sau mưa, nắng lại ngập đầy thành phố. Những con đường rực sắc hoa bay.
 
Mùa này phượng đã nở lấm tấm trên vòm cây, tô điểm cho vỉa hè, sân trường thêm đẹp. Tôi nhìn em, biết trong tâm hồn Hương cũng đang ngập nắng. Những câu hát của Trịnh lại vang lên đâu đó bên tai tôi:
 
“Ôi trái tim phiền muộn. Đã vui lại một giờ. Như bờ xa nước cạn. Đã chìm vào cơn mưa”...