Qua cù lao Dài nhớ những vần thơ

Cập nhật, 16:50, Chủ Nhật, 06/08/2023 (GMT+7)

Nhà thơ Truy Phong (1925-2005).

Cách TP Vĩnh Long hơn 30 cây số là trung tâm hành chính huyện Vũng Liêm, nơi có Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bia Nam kỳ khởi nghĩa, Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Di tích hồ Vũng Linh…

Nếu đã đặt chân đến Vũng Liêm hãy thưởng thức món nem An Nhơn nổi tiếng từ xưa bởi hương vị đặc trưng của nó. Theo những người lớn tuổi. Nem khi gói xong được đem ra ngã ba An Nhơn để bán cho những hành khách đi xe đò ngang qua Vũng Liêm mua về làm quà.

Rồi theo những chuyến xe đò xuôi ngược, thương hiệu cùng hương vị của nem An Nhơn đã đi vào lòng người. Hiện nay những gia đình chính gốc làm nem gia truyền không còn gói nem nữa, nhưng ngã ba An Nhơn vẫn còn những hộ dân bán nem. Nhìn chiếc nem nho nhỏ màu xanh lá chuối, miếng thịt bọc trong chiếc lá vông non, có hạt tiêu, tí ớt cay nồng. Chục nem An Nhơn xách tay mang về phố hẳn là một món quà đầy ý vị.

Rời TT Vũng Liêm du khách xuống phà vượt sông Cổ Chiên sang cù lao Dài (nay thuộc xã Thanh Bình và xã Quới Thiện) để đến xứ sở màu xanh của những vườn sầu riêng, măng cụt, bòn bon, dâu… cũng là “đại bản doanh” của cây cau vàng bán lá.

Người dân ở đây bán lá cau cho các thương lái mang đi cung cấp cho các cửa hiệu hoa tươi dùng để trang trí những lẵng hoa. Và nên nhớ vùng đất cù lao Dài còn có khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu và thân nhân bà Châu Thị Vĩnh Tế, cũng là quê của nhà thơ nổi tiếng- Truy Phong.

Nhà thơ Truy Phong, tên thật là Dương Tấn Huấn (sinh ngày 1/10/1925, tại làng Thạnh Phú, nay là xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) con của nhà nho Dương Mậu Sum và bà Mai Thị Hoài, sống nghề ruộng vườn ở cù lao Dài, lớn lên về quê ngoại học bậc tiểu học ở trường huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ở lứa tuổi 16 ông đã biết đờn ca, đóng kịch, hát bội và nổi bật nhất là làm thơ.

Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công ở xã nhà, công tác ở Đoàn Văn hóa kháng chiến tỉnh Vĩnh Long, rồi vào bộ đội ở Ban Chính trị Liên Trung đoàn 109-111 Vĩnh Trà, chính môi trường này đã tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với những văn nghệ sĩ kháng chiến.

Ông tích cực làm thơ, viết báo tuyên truyền, cổ vũ phong trào kháng chiến, trong số này có những bài thơ đoạt giải như “Dân quê kháng chiến” (giải Nhất Khu 9); “Lòng quê” (giải Nhất Nam Bộ); “Nô-Men” (giải Nhì Khu 9). Những bài thơ ra đời trong kháng chiến đã góp phần tác động sâu sắc đến cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong hoàn cảnh đất nước phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

… Còn gì đẹp hơn người vệ quốc

Dưới cờ gươm súng khoác chinh y

Phen nầy nếu chẳng tòng quân được

Mai một đời ta có nghĩa gì…

(Bài “Tòng quân”)

Giặc chi chẳng ở đâu xa

Ở ngay giữa ruột ngoài da trong đầu

Giặc nầy gây sự đã lâu

Tôi xin nói rõ: Giặc mù chữ đây…

(Bài “Chống giặc dốt”)

Tuyển tập thơ Truy Phong do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long xuất bản năm 2003.
Tuyển tập thơ Truy Phong do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long xuất bản năm 2003.

Trong thơ ông vùng đất quê nhà cù lao Dài hiện lên thật thanh bình, đơn sơ giản dị, dù trong khói lửa chiến tranh, trước sự đàn áp, khủng bố, giết chóc của quân xâm lược cũng không làm ông nhụt chí, mà luôn vững tin ở một ngày mai chiến thắng, quê hương sạch bóng quân thù, xây dựng lại quê nhà tươi đẹp.

Quê tôi ở ấp Thanh Lương

Nhà tôi ở khuất trong vườn cây xa

Vách tre mái lá đơn sơ

Tuy không gạch ngói nhưng mà tôi yêu

Mấy lần Tây đốt cháy tiêu

Tôi về cất lại cột kèo hơn xưa…

(Bài “Quê tôi”)

Một bài thơ của ông đã được nhạc sĩ Phố Thu phổ nhạc. Bài hát mang đậm hình ảnh Nam Bộ, xứ sở miệt vườn, cây lành trái ngọt và cũng đầy chất lãng mạn, trữ tình, hiếu khách của người dân sông nước ĐBSCL.

Nhà em có mái nước mưa

Có mít tố nữ có dừa Thanh Quan

Có cha có mẹ lòng vàng

Mời anh chiều sẽ qua đàng ghé em…

(Bài “Nhà em có mái nước mưa”)

Khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ Truy Phong tham gia kháng chiến tại Vĩnh Long. Vừa đánh giặc vừa sáng tác và thường xuyên liên hệ với các văn nghệ sĩ kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, ông ra thành dạy học ở các trường công, trường tư tại TX Trà Vinh, TX Vĩnh Long và nhiều bài thơ của ông được đăng trên các báo ở Sài Gòn.

Đây có thể được xem là giai đoạn sáng tác sung sức và thành công nhất của ông trên văn đàn miền Nam với những bài thơ giàu cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, dễ đọc, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, tiếp tục khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng trong cuộc sống:

… Người là súng

Tôi là thơ

Giống nòi tôi, giống nòi thi sĩ

Hiền lắm đấy

Yêu lắm đấy!

Nhưng không khuất phục bao giờ!...

(Bài “Súng và thơ”)

Tuy vậy trong ông vẫn có chút ít chất dí dỏm, làm người đọc có những nụ cười nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy ý vị, như trong bài thơ ông viết tặng một người bạn về tiền nhuận bút, khi các sáng tác được tòa soạn báo sử dụng và chi trả nhuận bút cho tác giả.

… Tiền thơ không giống tiền dừa

Cũng không tiền chuối, tiền dưa, tiền cà…

Đồng tiền lao động vì thơ

Nhiều khó vất vả… hơn là trồng cây!

(Bài “Nhuận bút chia đôi”)

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến bài thơ “Một thế kỷ mấy vần thơ” của nhà thơ Truy Phong được đăng trên báo Tiến Thủ ngày 27/4/1956 làm chấn động công luận ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Khi viết xong bài thơ “Một thế kỷ mấy vần thơ”, ông đã nhờ một nữ sinh tin cẩn, có cha chạy xe đò tuyến đường Trà Vinh- Sài Gòn, mang bài thơ đến tòa soạn báo Tiến Thủ, một tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn lúc ấy.

Bài thơ tổng cộng 170 câu (gồm cả tựa, ghi ngày viết là 15/4/1956). Và đề phòng chuyện bị làm khó dễ, ông đã viết tắt bút hiệu của mình là T.P, sau khi báo phát hành chính quyền Sài Gòn đã tìm cách khủng bố, đập phá tòa soạn, truy tìm chủ nhiệm báo, không ít lâu sau Báo Tiến Thủ bị đóng cửa. Tuy nhiên bài thơ sau đó đã được một số báo khác đăng lại.

Không những thế bài thơ đã len vào các trường ĐH ở Sài Gòn như trường ĐH Văn khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Luật khoa, ĐH Vạn Hạnh… làm sục sôi tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm trong sinh viên, học sinh. Đáng ngạc nhiên hơn khi “Một thế kỷ mấy vần thơ” còn được xuống tàu vượt biển ra tận “địa ngục trần gian” Côn Đảo rồi bí mật chuyền tay các tù binh cộng sản đang bị địch giam cầm.

Bài thơ mang phong cách một bản trường ca với những giai điệu bi hùng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, từ năm 1862 khi người Pháp hoàn thành việc đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho đến năm 1956 quân viễn chinh Pháp xuống tàu về nước. Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh bình minh rực rỡ trên quê hương đã sạch bóng quân thù, xua tan chiến tranh cùng những năm dài nô lệ, tối tăm.

Ánh hồng chói rạng chân trời mới

Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi…

Đồng thời, tác giả tiếp tục khẳng định lòng yêu nước sắt son, tinh thần kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòa bình, độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

… Việt Nam nước của tôi:

Già như trẻ

Gái như trai

Chết thì chịu chết

Không cúi lòn ai!

Tham lam ai muốn vô xâm chiếm

Thì “giặc vào đây, chết ở đây”!...

Ông mất ngày 8/5/2005 tại quê nhà do bệnh. Cuối năm 2020 nhà thơ Truy Phong được tỉnh Vĩnh Long tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long năm 2020 (5 năm một lần) với tác phẩm “Tuyển tập thơ Truy Phong” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long xuất bản năm 2003.

Hôm nay đọc lại những vần thơ của “nhà thơ Thế kỷ” vẫn thấy trong ngòi bút của ông luôn chứa đựng tính nhân đạo, nhân văn và niềm tin mãnh liệt vào chân lý sẽ chiến thắng:

Cái gì bạo ngược và phi nghĩa

Là trái lòng dân, nghịch ý trời;

Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ

Không sao thắng được trái tim người!

Quê hương tôi có những dòng sông ngọt ngào, êm chảy, những dòng sông mà một thời bom đạn chiến tranh đã phủ trùm trên tất cả, và những người dân quê tôi không cam chịu đứng nhìn, họ đã sống, chiến đấu và ngã xuống bên những dòng sông lịch sử của vùng sông nước đồng bằng.

Và hôm nay chúng ta không thể nào quên, mà càng có trách nhiệm với lịch sử bằng những câu thơ, trang sách, bài viết về truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông, những cái đẹp được ấp iu bằng giọt phù sa và tiếng sóng vỗ đôi bờ.

TRẦN THẮNG

Các tin khác: