Truyện ngắn: Bờ rau răm của ngoại

Cập nhật, 09:40, Thứ Hai, 31/07/2023 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

TUYẾT LUÔN VÕ

Trên con đường đê đất gồ ghề lởm chởm ổ gà ổ voi, hai bên bạt ngàn cánh đồng lúa nặng trĩu hạt, Phương nhắm nghiền mắt ngẩng mặt lên cảm nhận mùi gạo sữa thoang thoảng trong làn gió nhẹ.

- Về nhanh lên, má tao nói đồng nhà bà Bảy hôm nay cắt lúa.

Phương tròn xoe mắt hớn hở xốc lại chiếc cặp trên vai cắm đầu chạy nhanh theo Thắng.

Phương thích nhất mùa cắt lúa, mỗi lần rộ mùa, trên mỗi cánh đồng vàng ươm lúa chín tấp nập người, máy gặt đập liên hợp, máy kéo chở lúa bao. Những ruộng mà máy gặt không vào được thì phải cắt tay. Lúa bó được chất thành cà lang chờ máy suốt. Mùa lúa, trẻ nhỏ được theo người lớn ra đồng để phụ hợ những việc nhẹ, nhưng phần nhiều vui chơi là chính, có đứa gan dạ tìm hang bắt chuột đồng. Phương và Thắng là thành viên trong nhóm trẻ gan dạ ấy.

Nhà Phương nằm sau lũy tre già. Trước sân có giàn mướp sai trái thả mình treo lủng lẳng. Bên hông nhà có hai cây xoài thanh ca xòe táng mát rượi mà ông ngoại của Phương hay giăng võng đong đưa. Cứ buổi ban trưa nắng nóng oi bức, ông cởi trần chống nạn ra võng nằm nhắm mắt thả suy nghĩ trôi về miền quá khứ chiến trường đạn bom, nơi mà một chân ông đã gửi lại.

- Ông ngoại, ông ngoại… lát con theo thằng Thắng qua đồng bà bảy bắt chuột, mai con nói má kho chuột rau răm để ông ngoại lai rai hén.- Phương chạy đến đầu võng cười hì hì nịnh nọt.

- Đi chơi về sớm nghen con, về trễ má mày đánh à!.

Má của Phương kể, ông ngoại là thương binh nhưng không thua gì người lành lặn, chỉ với đôi bàn tay và một chân còn lại. Ông đào đất đắp mô trồng cây, đào ao nuôi cá mà không cần cậy nhờ ai.

Má nói ông ngoại rất thích ăn rau răm nên sau hè có bờ rau răm xanh mướt quanh năm. Mấy tháng nắng nóng, bờ rau răm cũng khô khốc cháy lá tưởng chừng sắp chết vì cái nắng chói chang nhưng ông ngoại đã kịp thời đem đám rau răm đến chỗ đất mới ẩm ướt hơn. Ông ngoại chăm sóc bờ rau răm xanh tốt làm cả xóm cũng được ăn theo, trộn gỏi gà, gỏi vịt hay bất cứ món nào cần rau răm là lại sang nhà Phương để xin. Ông ngoại hiền khô nhưng cũng rất khó tính. Ai đến xin rau ông cũng cho nhưng lại không cho phép họ tự mình ra hái. Mấy bữa trời mưa to gió lớn cũng có người đến xin rau răm, ông vẫn đội mưa tự mình từng bước khó khăn ra bờ rau răm cắt cho họ. Mấy lần má của Phương định làm thay nhưng ông ngoại vẫn kiên quyết tự tay ông làm.

Có lần thằng Thắng mang hột vịt lộn qua nhà cho Phương, hột vịt lộn phải ăn kèm với rau răm thì mới ngon. Phương chạy ra sau hè ngắt vài đọt rau răm rồi chạy vào, trứng vẫn còn nóng, ăn miếng trứng chấm muối tiêu, thêm cọng rau răm the the cay cay, Phương ăn liền hết ba trứng thằng Thắng cho. Gương mặt vẫn còn đang thỏa mãn vì vừa được ăn ngon, trán lấm tấm vài giọt mồ hôi rơi xuống vì vị cay xè của rau răm. Phương bất ngờ bị ông ngoại cầm roi đánh vào mông đau điếng. Phương vừa ôm mông vừa khóc la inh ỏi.

- Sao ông ngoại đánh con? Đau quá! Má ơi! Ông ngoại đánh con.

- Đánh cho mày chừa, dám ngắt bậy rau răm của ông mày.

Phương co giò vừa khóc vừa xoa mông chạy vụt ra khỏi nhà. Ông ngoại đứng nhìn theo bóng Phương rồi lặng lẽ thở dài.

Vừa ra đến bờ đê, Phương ngoái đầu nhìn về phía sau không thấy ông ngoại đâu bèn thở phào nhưng vẫn không quên được cặp mông vừa bị ông ngoại cho ăn roi, Phương hít hà đưa tay lau nước mắt vẫn còn lem nhem trên má.

- Làm cái gì mà đứng tần ngần ở đây? Lại chọc giận ông ngoại nữa rồi đúng không? Má nói con phải ngoan ngoãn nghe lời ông, sao con không nghe?

Má của Phương đi ruộng về, quần ống thấp ống cao, cả người còn vương bùn đất nhìn Phương tỏ vẻ không vui. Phương uất ức vội vã minh oan cho mình, thuật lại “vụ án” rau răm.

- Chỉ vài đọt rau răm mà ông ngoại cũng hà tiện với con. Không lẽ con ngắt mấy đọt mà chết đám rau răm của ông hay sao, cả bờ xanh mướt tốt tươi vậy mà.

Má Phương ngẩn người rồi đưa tay đánh vào mông Phương. Phương lại la oai oải. Má thở dài kéo tay Phương lại gần, hai má con ngồi xuống bờ đê, dưới gốc cây bạch đàn, gió thổi làm lung lay mấy nhành hoa rơi xuống dòng kinh. Má Phương đưa mắt nhìn xa xăm, xoa đầu Phương rồi bắt đầu kể về “sự tích” bờ rau răm của ông ngoại.

***

Lúc bà ngoại còn sống, bà cũng rất thích ăn rau răm. Bà lại giỏi việc bếp núc, nấu món gì cũng ngon nức thơm lừng. Cũng vì lẽ đó mà thời trai trẻ ông ngoại mê bà ngoại như điếu đổ. Dáng bà cao gầy mong manh, ông cứ nghĩ bà yếu đuối như thân hình của bà. Một lần ông bắt được mấy con chuột đồng béo múp đi ngang qua nhà bà, bắt gặp bà đang gánh nước tưới rau. Bà nhìn thấy mấy con chuột không sợ hãi như những thiếu nữ khác mà còn mỉm cười bày món cho ông.

- Anh Tư hôm nay bội thu chuột nhỉ, chuột này anh Tư đem về kho rau răm ăn với cơm trắng rồi lai rai thêm vài chung rượu, là nhất nha anh Tư.

- Tui chỉ biết bắt chuột chứ có biết nấu nướng cái chi, hổng ấy tui đem về mần sạch rồi đem qua nhà, cô Út mần ơn kho rau răm dùm tui, nghe cô Út nói tui cũng thèm.

- Thôi vậy anh Tư đưa đây tui mần rồi kho luôn cho.

Ông ngoại mừng quýnh gật đầu lia lịa đưa dây chuột đồng cho bà rồi chạy về nhà tắm gội. Nhà ông chỉ cách nhà bà có con kinh. Bà chỉ vừa mần sạch mấy con chuột là ông đã có mặt. Ông hỏi bà có cần phụ gì không? Bà chỉ đám rau răm sau hè nhờ ông ra sau hái một ít. Bước ra sau nhìn đám rau răm cháy lá vì nắng, ông khom người chọn mấy đọt tốt xanh nhất, ngắt vài đọt rồi đi vào nhà bảo bà để ông lội xuống ao, lấy ít đất bùn đắp lại bờ rau răm cho tốt…

***

Ngày ông bà cưới nhau bạn bè họ hàng trêu đùa có lẽ nhờ bờ rau răm đã xe duyên cho ông bà. Phương im lìm dựa vào lòng má, nghe má kể về ông bà ngoại mà Phương ước được một lần trông thấy bà ngoại. Đây không phải lần đầu má nhắc về bà ngoại, mỗi lần má nấu món gì có rau răm, má lại bùi ngùi lén lau vội nước mắt.

- Phải chi bà ngoại còn sống thì vui biết mấy má hén.

- Ừ, giá mà đất nước không có chiến tranh, giá mà…

Má nói được một nửa rồi lại lẳng lặng kéo góc áo lau đi vành mi đã có vài giọt nước đọng lại.

Ông bà cưới nhau được vài tháng đã phải chia xa. Ông ra mặt trận, nơi hậu phương bà bụng mang dạ chửa chăm lo gia đình trước sau. Ngày bà ngoại sinh má Phương cũng là ngày bà mất vì sinh khó. Cùng năm đó, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, tưởng chừng như đã nằm lại cùng đồng đội.

Hòa bình, ông trở về lại quê nhà, lần tìm đến ngôi nhà nhỏ phía sau lũy tre, tìm kiếm bóng hình người vợ trẻ mà ông nhung nhớ đêm ngày. Ông chống cặp nạng bước đi trên nền đất nhấp nhô, mừng rỡ hô to gọi bà.

- Út ơi! Tư về rồi! Anh về nè Út ơi!

Đáp lại tiếng gọi của ông là người phụ nữ trung niên gương mặt khắc khoải, ánh mắt đượm buồn bồng đứa bé gái đang khóc nức nở trên tay bước ra từ trong nhà. Ông ẵm má Phương đứng lặng lẽ trước bàn thờ của bà, nén nhang nghi ngút khói làm nhòe đi đôi mắt của ông. Nỗi đau thể xác vì chiến tranh sao bằng nỗi đau mất đi người thương yêu nhất.

Ông thăm mộ bà rồi lại tìm đến bờ rau răm mà ngày trước ông vun đắp. Từ ngày bà mất chẳng ai chăm sóc, chẳng ai quan tâm, đám rau cũng nhẵn nhụi già cỗi vàng úa xác xơ. Ông cởi bỏ áo ngoài, chỉ bằng một chân lội xuống ao, móc từng tay đất bùn vun đắp. Bờ rau răm của ông ngoại cũng vì lẽ đó mà luôn được chăm bón xanh tốt đến tận bây giờ. Đó cũng là nơi ông tìm lại những ký ức đã khắc sâu trong tâm trí.

- Về nhà con sẽ xin lỗi ông ngoại, lần sau con không tự ý hái rau răm của ngoại nữa.