Truyện ngắn: Tiếng vọng hào hùng

04:04, 30/04/2023

… Súng nổ ì đùng. Tiếng người hò reo như sấm dậy.

Một chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 đã húc thẳng vào cổng phụ Dinh Độc Lập. Trưa ngày 30/4/1975, trời đổ nắng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Lịch sử đã sang trang. Nhân dân vỗ tay trong niềm vui chiến thắng...

 

 Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

… Súng nổ ì đùng. Tiếng người hò reo như sấm dậy.

Một chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 đã húc thẳng vào cổng phụ Dinh Độc Lập. Trưa ngày 30/4/1975, trời đổ nắng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Lịch sử đã sang trang. Nhân dân vỗ tay trong niềm vui chiến thắng...

Ông nội tôi vỗ tay, miệng ú ớ trên chiếc võng đang mắc ở bên hiên nhà. Ngoài hiên là khu vườn với đủ loại cây, từ cổ thụ đến cây ăn quả. Tôi lay lay:

- Ông nội! Ông ơi! Ông nằm mơ thấy gì đó.

Ông tôi choàng tỉnh. Miệng vẫn còn cười. Ông ngồi dậy nhìn ra ngoài khu vườn nhỏ. Ngàn nắng rọi qua kẽ lá. Khế chín vàng lúc lỉu trên cành cao. Sáng nay trời trong biếc, gió nhẹ xôn xao. Ông nội bước vào trong nhà giở lịch xem, lòng bồi hồi.

Hôm nay, ngày 30/4/2023.

*

Tôi không biết cả nhà đã dọn về miền quê hẻo lánh và yên bình này từ khi nào. Từ hồi tôi mở mắt chào đời, tôi đã chạy lon ton trong khu vườn này rồi. Cây khế khi ấy cũng đã bắt đầu cho ra những chùm trái đầu tiên. Ông nội bế tôi lên để tay tôi chạm được vào trái khế chín vàng bóng mượt, tôi cười toe toét. Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm bên ông nội và ba má. Tôi được ông nắm tay dẫn đi những bước đi đầu đời trong khu vườn này. Lúc nào ông tôi cũng căn dặn: “Con đứng trên mảnh đất này, sống trên đất nước này thì con phải nhớ một điều rằng: đã biết bao người hy sinh thân mình, đổ xương máu cho con có cuộc sống thanh bình hôm nay”. Tôi gật đầu, mãi khi tôi lớn lên, lời ông nội vang vang trong tâm trí tôi.

Ông tôi đã từng là một người lính. Thời đạn bom oanh liệt đã khắc lên người ông những vết thương đủ hình dạng, ở tay, ở chân, ở bờ lưng cong cong có nhiều đốm đồi mồi trổ rải rác từ cổ xuống tận phía dưới. Ngày bé tôi hay sờ tay nhẹ lên những vết sẹo ửng đỏ của ông mỗi độ trái gió trở trời, the thé hỏi:

- Ông bị gì vậy ông?

Ông tôi cười vang, chỉ chỉ vào vết sẹo, nói to:

- Huân chương đấy! Huân chương chiến đấu.

Tôi tin lời ông, nghĩ đó là huân chương mà ông được trao tặng sau một đời vất vả và hiên ngang cống hiến cho Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa từ lâu. Đất nước thanh bình. Bụi thời gian đã phủ mờ lên tất cả, làm vơi đi nỗi đau của những người đã từng chịu nhiều thương tổn, mất mát vì bom đạn. Nhưng vết thương năm nào giờ đã thành sẹo của ông tôi vẫn thường đau nhức mỗi khi trời trở lạnh, thậm chí nó hay sưng tấy lên, hành hạ ông tôi không thể nào ngủ được. Ông cứ lăn qua, trở lại, co người, lấy khăn nhúng nước ấm chườm lên cho đỡ nhức. Ông ra ngồi bên bàn thờ bà, thắp hương, thì thầm nói chuyện. Bao nhiêu năm trôi qua ông tôi vẫn giữ cho bà một tình cảm thật đẹp, thủy chung và cao thượng. Trên bàn thờ là di ảnh của bà, được chụp thời bà còn trẻ trung, còn khoác lên mình màu áo xanh của cô thanh niên xung phong, đội nón tay bèo. Tấm ảnh có màu trắng đen nhưng vẫn rõ ràng từng đường nét trên khuôn mặt bà tôi.

Mãi đến khi tôi đi học, tôi được cô giáo kể cho nghe về những mất mát, hy sinh của nhân dân ta, của tiền nhân trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, tôi mới hiểu được ngọn nguồn của những vết thương ấy. Tôi vừa thương, vừa khâm phục ông mình hơn. Người lính - tôi chẳng cần phải đi tìm ở đâu xa xôi mà có ngay trong chính ngôi nhà tôi, là người yêu thương, chở che và dạy dỗ tôi từng ngày từng giờ, bên khu vườn nhỏ rộn ràng chim ca.

Ông tôi- người lính đã từng tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 và chiến thắng 30/4/1975.

*

Lên cấp ba, lớp học có tổng cộng 35 học sinh, nhưng chỉ tôi và khoảng 6 học sinh khác tha thiết với giờ Lịch sử. Cô Tố Quyên thường hay buồn và than vãn với tôi rằng: Học trò bây giờ không còn yêu thích môn Lịch sử nữa, em à!

Tôi nhìn cô Tố Quyên. Trong trường, tôi thương cô nhất. Tôi thích học Lịch sử chẳng phải vì tôi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử của trường, cũng không hẳn vì trong các môn thi ĐH sắp tới của tôi có môn Lịch sử. Đơn giản vì Lịch sử đã giúp cho tôi hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc, về những năm tháng chiến đấu đau thương nhưng vô cùng vẻ vang của nước mình.

Im lặng một lúc, cô Tố Quyên hỏi tôi tiếp:

- Em nghĩ sao về Lịch sử, Ngọc?

Tôi đáp lại:

- Ông nội em nói, học Lịch sử không chỉ để biết quá khứ mà còn khơi dậy niềm tự hào của mình, để mình biết sống có trách nhiệm hơn.

Cô Tố Quyên nhìn tôi bằng đôi mắt trìu mến. Chúng tôi chính là những đứa học trò giúp cô trụ lại với trường, trước những ngả đường vẽ ra trước mắt cô có thể khiến cô từ bỏ nghề dạy Lịch sử bất cứ lúc nào, miễn niềm tin lung lay.

Hôm tôi ngồi học những trận đối đầu sinh tử giữa “ta” và “địch” trong kháng chiến chống Mỹ, ông nội tôi ngồi nghe rất chăm chú. Thỉnh thoảng ông cắt ngang lời tôi, bảo “trận này có nội nè, oanh liệt lắm”, “chỗ này sách viết chưa rõ, lẽ ra phải như thế này…”, “coi kìa, oách chưa…”. Tôi cười. Ông tôi chẳng khác gì một quyển Lịch sử sống, hỏi tới đâu ông tôi rành rõ tới đó, đôi khi cách ông truyền tải còn sinh động hơn cả sách giáo khoa. Cô Tố Quyên thường ghé nhà tôi trò chuyện với ông, cũng là dịp để cô hỏi “nhân chứng sống”, từ đó bài giảng của cô trở nên chân thật hơn nhiều. Ông tôi dặn cô:

- Không được ngoảnh mặt với Lịch sử, cô giáo ơi! Thời đại nào cũng vậy, hiện đại cỡ nào cũng vậy, việc quay về quá khứ để biết ông cha mình đã hy sinh xương máu thế nào là điều cần thiết.

Cô nói chuyện thêm chút nữa, hỏi ông tôi thêm về cảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Ông nội tôi say sưa kể, có chỗ cao hứng, ông đứng dậy múa may tay chân, diễn cảnh, pha trò, khiến câu chuyện thêm phần thú vị. Lúc cô Tố Quyên từ giã ông nội tôi để trở về, ông còn bước thập thững ra cửa, dặn với theo: “Đừng bỏ nghề dạy Sử nghe cô giáo. Nghề của cô cao quý lắm đó!”. Hôm sau, trong giờ Lịch sử, tôi thấy cô Tố Quyên như vừa được nạp năng lượng mới. Cô như tự tin và say sưa hơn rất nhiều. Cuối tiết, cô gọi tôi ra hành lang, cười khoe: “Nhờ cuộc trò chuyện với ông nội em, cô đã hiểu thêm về trách nhiệm của chính mình. Nghề giáo đã cao quý, dạy Lịch sử lại càng cao quý và đáng tự hào hơn, phải không Ngọc?”. Tôi gật đầu, tự dưng lòng tôi lâng lâng.

Kỳ thi học sinh giỏi năm đó, tôi đạt giải Nhì. Khá tiếc. Song đối với một học sinh trường huyện xa xôi như tôi, giải Nhì đã là món quà đáng trân quý. Cô Tố Quyên rất tự hào về tôi. Còn ông nội, suốt ngày hôm đó ông cứ chống gậy đi khoe khắp làng. Đêm đó, ông tôi ngồi bên tôi, nhấp chén trà thơm, vỗ vai tôi:

- Khá lắm. Thời nay không đánh giặc như thời xưa, thì dùng trí óc để xây dựng đất nước. Ráng giữ gìn truyền thống yêu nước và truyền thống tri thức của gia đình mình, nghe con! Lớn lên phải biết cống hiến hết mình, nghe con!

Tôi nhìn sâu vào mắt. Đôi mắt kèm nhem của người già bất chợt rưng rưng nước.

*

Má tôi thức dậy từ sớm nấu cơm nước sẵn để hai ông cháu “ăn cho chắc dạ” rồi “ra khơi”. Ông nói:

- Đi lần này để con Ngọc hiểu thêm về những địa danh, những di tích lịch sử gắn liền với thời oanh liệt mà ông đã sống.

Tôi với ông nội ăn. Má sợ ông cháu tôi đói nên gói theo hai gói xôi, dặn: “Chừng nào đói thì lấy ra ăn”. Tôi cười, định nói với má bộ ở trên đó người ta không bán xôi hay sao mà má phải cất công nấu rồi gói ghém. Nhưng tôi vẫn đón lấy, cất vào trong giỏ, lên xe chắc sẽ đói.

Ba đưa ông cháu tôi ra bến xe, rồi từ đó chúng tôi đi xe lên Sài Gòn. Ông nội đứng nhìn lên những tầng nhà cao vút, nhìn con đường đông nghẹt xe cộ, thở dài:

- Giờ Sài Gòn khác xưa nhiều quá! Phát triển quá!

Tôi đặt Grab, hai ông cháu đi Grab Car cho tiện. Tôi hỏi ông đi đâu, ông nói với bác tài xế, gẫy gọn:

- Đến Dinh Độc Lập đi cháu. Chỗ năm xưa tôi có mặt trong cuộc tiến công vào bằng xe tăng đấy.

Anh tài xế nhìn ông tôi. Ánh mắt có chút gì cảm phục. Tự dưng tôi hãnh diện vô cùng.

Xe bon bon chạy, chen chúc giữa phố xá đông người. Ngày 30/4, hai bên đường rợp sắc cờ hoa như những năm xưa ấy. Phố đông hơn và tiếng cười nói cũng rộn ràng hơn.

Xe đã đến cổng Dinh Độc Lập, ông tôi xuống trước, tôi trả tiền cho anh tài xế rồi xuống sau. Ông chống gậy đứng nhìn vào trong. Tôi giục ông vào nhưng ông không nghe, không để ý. Chắc ông đang hồi cố về những năm tháng hào hùng vĩ đại ấy. Ông lặng ngắm hồi lâu, giọng trầm:

- Cảnh cũ, mà người xưa giờ còn được mấy ai...

Tôi không nói gì. Sợ mình cắt ngang dòng suy tưởng của ông.

- Vào thôi, con.

Ông khoác vai tôi đi vào nơi ông từng lừng lẫy như một người hùng, nơi ông và đồng đội từng không tiếc máu xương, xếp những gì riêng tư vào trong ba lô để cống hiến cho đất nước.

Bóng tôi và bóng ông đổ dài. Hai thế hệ đang bước về miền sử xanh hào hùng, dũng liệt…

HOÀNG KHÁNH DUY

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh